Ngày 26-9, Quốc vương Salman của Ả Rập Saudi đã cho phép phụ nữ lái xe, chấm dứt truyền thống bảo thủ bị các nhà hoạt động nhân quyền xem là biểu tượng đàn áp phụ nữ Hồi giáo.
Theo hãng tin SPA, sắc lệnh của hoàng gia yêu cầu thành lập một cơ quan ngang bộ để tư vấn trong vòng 30 ngày và sau đó thực hiện lệnh trên vào ngày 24-6-2018. Theo sắc lệnh, thay đổi này phải "áp dụng và tuân theo các quy định cần thiết của luật Hồi giáo". Không đề cập chi tiết nhưng nghị định cho biết đa số thành viên của Hội đồng Học giả Tôn giáo Cao cấp Ả Rập Saudi đã chấp thuận sự thay đổi này.
Một giờ sau khi Ả Rập Saudi ra thông báo chính thức, đại sứ nước này tại Washington (Mỹ), Hoàng tử Khaled bin Salman, nói đây là "một ngày lịch sử, trọng đại của vương quốc chúng tôi". "Tôi nghĩ lãnh đạo của chúng tôi hiểu rằng xã hội đã sẵn sàng. Đây là quyết định đúng đắn tại thời điểm thích hợp" - ông bin Salman nói.
Một phụ nữ Ả Rập Saudi lái xe trong chiến dịch đòi bỏ lệnh cấm. Ảnh: AP |
Các phản ứng tích cực nhanh chóng nổ ra khắp vương quốc cũng như trên thế giới khi Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh động thái này là "một bước đi đúng hướng".
Trong suốt 25 năm, các nhà hoạt động nữ quyền đã tổ chức nhiều chiến dịch vận động để được phép lái xe, bao gồm biểu tình trên đường, gửi kiến nghị đến quốc vương và đăng tải các đoạn clip họ ngồi sau tay lái trên mạng xã hội. Dù vậy, các cuộc biểu tình lại khiến họ bị bắt hoặc gặp rắc rối.
Nhà hoạt động Manal al-Sherif, người từng bị bắt năm 2011 sau một cuộc biểu tình, bày tỏ sự nhẹ nhõm trên Twitter sau thông báo của quốc vương: "Hôm nay, quốc gia cuối cùng trên Trái đất đã cho phép phụ nữ lái xe. Chúng ta làm được rồi".
Bà Latifa al-Shaalan, một thành viên của Hội đồng Shura, một cơ quan tư vấn, cho biết quyết định trên sẽ củng cố việc làm của phụ nữ trong khu vực kinh tế tư nhân. "Đây là một ngày lịch sử và tôi không thể dùng lời nói diễn ra tâm trạng của mình cũng như hàng ngàn phụ nữ Ả Rập Saudi" - bà al-Shaalan xúc động nói trên kênh Arabiya TV.
Theo Bảo Hạnh (Nld.com.vn)