Sự việc này đã diễn ra từ năm 2018. Song mới đây, nó được chia sẻ trở lại và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Theo tờ The Paper, vào tháng 8/2018, ông Lý Thư Huy và vợ (68 tuổi, Bắc Kinh, Trung Quốc) đã bị 6 người đàn ông lạ mặt kéo đến và đuổi ra chính căn nhà của mình. Nguyên nhân của trường hợp trớ trêu này bắt đầu từ việc vợ chồng ông Lý được giới thiệu đầu tư vào Công ty Sản phẩm Y tế Xinyuan Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ thu được lãi cao. Không suy nghĩ nhiều, ông bà thế chấp căn nhà trị giá 5 triệu NDT của mình để ký giấy vay 2,7 triệu NDT nhằm có tiền đầu tư. Tất cả thủ tục công chứng được làm tại Văn phòng công chứng do chính đối tượng mời đầu tư giới thiệu.
Điều không ngờ tới là chỉ 4 ngày sau khi làm công chứng khoản vay, nhà ông Lý đã bị chuyển nhượng và bán cho người khác mà ông hoàn toàn không hay biết. Đồng nghĩa, ông không còn là chủ nhân của căn nhà và bị nhóm người này lấy lại.
Cùng thời điểm đó, Cao Lỗi (Bắc Kinh, Trung Quốc) cũng rơi vào tình cảnh tương tự sau khi làm các thủ tục tại chính Văn phòng Công chứng này. Căn nhà của ông được chuyển nhượng cho người khác mà chính ông là chủ nhà hoàn toàn không biết.
Sau khi những nạn nhân này trình báo vụ việc với cảnh sát địa phương, cơ quan chức năng cũng tiếp nhận được hàng loạt những vụ việc tương tự. Nạn nhân chủ yếu là người cao tuổi
Nhận thấy vụ việc có phần phức tạp, cảnh sát địa phương đã lập tức thành lập chuyên án để điều tra. Trả lời tờ The Paper, Thanh tra Đội điều tra hình sự Chi nhánh Triều Dương, Cục Cảnh sát thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết họ phát hiện nghi phạm đã lừa người lớn tuổi ký vào giấy ủy quyền công chứng. Bằng cách sử dụng công chứng đó, tài sản có thể được chuyển nhượng mà chủ nhân của căn nhà không hề hay biết.
Cơ quan chức năng phát hiện những ngôi nhà được chuyển nhượng bí mật thường sẽ có 3 văn bản công chứng: Một là công chứng có hiệu lực thi hành hợp đồng vay thế chấp, hai là công chứng toàn bộ thẩm quyền bán nhà, thứ ba là công chứng giấy tờ nhà.
Trong giấy công chứng toàn quyền bán nhà, phóng viên tờ The Paper thấy người được ủy thác có thể giải quyết các thủ tục trả nợ ngân hàng, thủ tục đăng ký giải phòng bất động sản và xác định giá nhà, bán tài sản thay chủ sở hữu… kèm theo đó là hàng loạt những quyền lợi khác.
Thông thường số tiền mà nạn nhân vay thế chấp không bằng ½ giá trị của căn nhà. Song, những đối tượng này cấu kết và sử dụng nhiều biện pháp để chuyển nhượng căn nhà về đúng giá trị của nó.
Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện, kẻ chủ mưu của đường dây này Lâm Quốc Bân. Đến tháng 9/2019, cảnh sát Bắc Kinh đã phát động chiến dịch truy bắt tập trung và lần lượt bắt giữ toàn bộ 52 nghi phạm.
Trong vụ việc này, 68 nạn nhân đã dính bẫy và chủ yếu là người già. 70 ngôi nhà đã được chuyển nhượng theo cách thức tương tự như trên với số tiền lên đến hàng trăm triệu NDT.
Theo The Paper, từ 25/11-10-12/2019, Tòa án nhân dân trung cấp số 3 Bắc Kinh, Trung Quốc đã tổ chức xét xử sơ thẩm công khai vụ án này. Đến ngày 30/12 cùng năm, Tòa án đã tuyên án công khai, lần lượt 52 bị cáo bị tuyên án. Kẻ chủ mưu là Lâm Quốc Bân bị kết án tù chung thân và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. 51 bị cáo còn lại bị tuyên án tù có thời hạn trên 15 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.
Thông qua vụ việc này, thẩm phán đề nghị người dân, đặc biệt những người cao tuổi không nên tham gia vào các hình thức đầu tư cho lãi cao. Không được dễ dàng đồng ý với lời đề nghị dùng căn nhà của mình để vay thế chấp. Nếu thực sự cần số vốn lớn, cách tốt nhất là tham khảo ý kiến con cái hoặc nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính uy tín như ngân hàng để được xử lý.
Theo Đinh Anh (Nguoiduatin.vn)