5 vũ khí uy lực Mỹ có thể phát triển dưới thời Trump

18/11/2016 19:23:00

Donald Trump có thể tăng ngân sách quốc phòng giúp quân đội Mỹ sở hữu các vũ khí hiện đại, đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng trên toàn cầu.

Donald Trump có thể tăng ngân sách quốc phòng giúp quân đội Mỹ sở hữu các vũ khí hiện đại, đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng trên toàn cầu.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interestdự đoán 5 loại vũ khí uy lực mà ông Trump có thể sẽ tập trung đầu tư để "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Tàu ngầm

5-vu-khi-uy-luc-my-co-the-phat-trien-duoi-thoi-trump

Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS John Warner của Mỹ. Ảnh: US Navy

Do kinh phí đầu tư bị thu hẹp trong những năm 1990, Mỹ chỉ sản xuất được số lượng ít tàu ngầm tấn công hạt nhân mới để thay thế lớp tàu ngầm lớp Los Angeles biên chế từ thời cựu tổng thống Ronald Reagan. Vì vậy, số tàu ngầm tấn công của hải quân Mỹ có thể sẽ giảm từ 52 xuống 41 chiếc vào năm 2029. Con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện diện quân sự trên khắp thế giới.

Với việc đạo luật cắt giảm ngân sách quốc phòng bị bãi bỏ, Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ có thêm nguồn kinh phí đáng kể để duy trì mức sản xuất tối thiểu từ hai đến ba tàu ngầm tấn công lớp Virginia mỗi năm.

Tiêm kích tàng hình thế hệ mới

Nhiều quan chức quốc phòng Mỹ ủng hộ việc tái khởi động chương trình sản xuất tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor, trang bị công nghệ gần 30 năm trước, vốn bị các chính quyền của cựu tổng thống Bush và Tổng thống đương nhiệm Obama bác bỏ.

Trong bối cảnh cả Nga và Trung Quốc đang nỗ lực chế tạo và sở hữu những mẫu tiêm kích hiện đại như PAK-FA, J-20 và J-31, đặc biệt là các hệ thống tên lửa phòng không như S-300V4, S-400, S-500, Mỹ cần vượt lên trên đối thủ bằng những máy bay tàng hình chiếm ưu thế trên không thế hệ mới.

Tiêm kích hạm

5-vu-khi-uy-luc-my-co-the-phat-trien-duoi-thoi-trump-1

Tiêm kích hạm F/A-18 của Mỹ. Ảnh: AP

Uy lực tác chiến của các cụm tàu sân bay đủ khả năng giúp Washington triển khai sức mạnh quân sự trên toàn cầu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên các phi đội tiêm kích hạm biên chế trên tàu sân bay lớp Nimitz và Ford hiện chưa đủ uy lực để có thể đánh bại chiến lược chống tiếp cận/xâm nhập khu vực (A2/AD) của Nga và Trung Quốc.

F/A-18 Super Hornet là phiên bản tiêm kích hạm tấn công xuất sắc, nhưng hải quân Mỹ vẫn cần một mẫu máy bay thay thế có phạm vi hoạt động rộng hơn, đủ khả năng xuyên thủng các lớp phòng thủ bằng tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đạn đạo và hệ thống phòng không như S-400 của đối phương.

Yêu cầu này đòi hỏi chính quyền ông Trump phải ưu tiên nguồn lực cho Bộ Quốc phòng phát triển một mẫu tiêm kích hạm tầm xa hoàn toàn mới trang bị những công nghệ tiên tiến nhất.

Xe tăng thế hệ mới

Với việc Nga sắp biên chế mẫu siêu tăng T-14 Armata, cũng như Trung Quốc đang đẩy mạnh cải tiến mẫu xe tăng Type-99, xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEP Abrams của Mỹ sẽ không thể duy trì vị trí là phương tiện bọc thép thống trị thế giới trong thời gian dài sắp tới.

Mặc dù quân đội Mỹ đang tập trung vào việc cải tiến, nâng cấp tăng Abrams nhằm kéo dài thời gian sử dụng, một số quan chức Lầu Năm Góc cho rằng Mỹ cần phát triển một mẫu tăng hoàn toàn mới. Vấn đề nằm ở chỗ quân đội Mỹ hiện không có đủ nguồn tài chính cho tham vọng này.

"Tôi rất muốn có một chương trình thay thế xe tăng Abrams và Bradley ngay lập tức. Điều này đã nằm trong kế hoạch, nhưng không phù hợp với mức ngân sách hiện nay", thiếu tướng David Bassett, phụ trách chương trình phát triển hệ thống chiến đấu mặt đất, Bộ Quốc phòng Mỹ, khẳng định. 

Với việc đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, chính quyền của ông Trump đứng trước cơ hội lớn để thông qua các đạo luật quan trọng, mở đường cho việc rót kinh phí để Lầu Năm Góc phát triển mẫu xe tăng hoàn toàn mới.

Vũ khí năng lượng định hướng

5-vu-khi-uy-luc-my-co-the-phat-trien-duoi-thoi-trump-2

Nòng pháo điện từ dài gần 10 m của hải quân Mỹ. Ảnh: US DoD

Chính quyền ông Trump cần đẩy mạnh những nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm trong việc phát triển vũ khí năng lượng định hướng và pháo điện từ. Đây là loại vũ khí nhiều khả năng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự chênh lệch về chi phí giữa các loại vũ khí.

Để đánh chặn một tên lửa đạn đạo của Trung Quốc có giá khoảng 1,5 triệu USD, Mỹ hiện phải sử dụng tên lửa SM-3 có giá tới 15 triệu USD. Để tăng hiệu quả đánh chặn, quân đội Mỹ cần phóng hai tên lửa cùng lúc, khiến các hệ thống phòng thủ Mỹ ngày càng trở nên kém hiệu quả về mặt chi phí trước các loại tên lửa giá rẻ của đối thủ.

Nếu chính quyền ông Trump thông qua kế hoạch phát triển pháo laser và pháo điện từ, chi phí cho mỗi lần bắn hạ tên lửa đối phương sẽ giảm đáng kể, xuống chỉ còn vài USD cho mỗi phát đạn.

Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)

Nổi bật