Ngày nay, sức mạnh quân sự Israel so với phần còn lại của Trung Đông ngày càng chênh lệch, đặc biệt là dựa vào các vũ khí trên bầu trời.
Chris Harmer, nhà phân tích quân sự nổi tiếng từng nói: “Không quân Israel là lực lượng hàng đầu thế giới”.
Sự thống trị trên bầu trời của Israel không chỉ thể hiện bởi các chiến đấu cơ, mà còn bởi hệ thống phòng không và tên lửa mạnh mẽ.
Dưới đây là 5 vũ khí giúp Israel thống trị bầu trời Trung Đông, theo đánh giá của tờ National Interest.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35
Tháng 12.2017, Israel trở thành quốc gia đầu tiên ở Trung Đông sở hữu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 từ Mỹ. Ở thời điểm đó, 9 chiếc F-35I giúp Israel chiếm ưu thế lớn so với các đối thủ, vốn đang ráo riết nâng cấp hệ thống phòng không.
Không quân Israel (IAF) gọi F-35 là vũ khí “thay đổi cuộc chơi”. Không chỉ bởi khả năng tàng hình hay hỏa lực, mà năng lực hoạt động đa nhiệm của mẫu chiến đấu cơ này.
Một phi công Mỹ từng giải thích: “F-35 thực hiện được nhiều nhiệm vụ mà thông thường chúng tôi cần đến nhiều loại máy bay khác nhau. Nhờ có F-35 mà chúng tôi đã nhìn Trung Đông theo một cách khác. F-35 là một bước đột phá lớn”.
IAF còn gọi chiếc F-35 là “chuyên gia thu thập tình báo. Bởi máy bay này duy trì khả năng tàng hình trước radar đối phương trong suốt hành trình bay, trong khi vẫn gửi thông tin tình báo thu thập về đài chỉ huy.
Mặt khác, Israel thường dùng chiến đấu cơ cho các đợt không kích quy mô nhỏ, và F-35 rất phù hợp với hoạt động này. Theo hợp đồng đã ký, Mỹ sẽ chuyển giao 50 chiếc F-35 cho đến năm 2028.
Chiến đấu cơ F-15
F-15 đã trở thành xương sống trong IAF kể từ khi nước này mua chiến đấu cơ từ Mỹ trong những năm 1970. F-15 ban đầu được Mỹ thiết kế chuyên dùng cho mục đích không chiến, nhưng các kỹ sư Israel đã cải tiến mẫu máy bay này để đáp ứng nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Israel đã sử dụng 4 chiếc F-15 xâm nhập không phận Syria để tung đòn không kích vào các mục tiêu Iran hồi tháng trước.
Mặc dù F-15 không có khả năng tàng hình, Israel trang bị cho chiến đấu cơ này các vũ khí do nước này sản xuất, ví dụ như tên lửa hành trình Popeye và bom thông minh SPICE.
Israel hiện có kế hoạch mua phiên bản F-15 Strike Eagle mới nhất do Boeing sản xuất. Mẫu chiến đấu cơ này được tích hợp thêm khả năng phóng 16 tên lửa đối không tầm trung (AMRAAM) và cải thiện hệ thống radar (AESA)
Chiến đấu cơ F-16
Israel được cho là quốc gia duy nhất ở Trung Đông hiện nay sở hữu vũ khí hạt nhân. Giống như Mỹ, Israel cũng duy trì bộ ba răn đe hạt nhân riêng, từ trên không, trên biển và trên mặt đất.
Israel đã mua hơn 200 chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, không ít trong số này được cải tiến để mang theo vũ khí hạt nhân. Trong tương lai, khi những chiếc F-16 dần loại biên, Israel có thể nối bước Mỹ để trang bị tính năng khai hỏa vũ khí hạt nhân cho các mẫu chiến đấu cơ F-35.
Tên lửa hạt nhân Jericho
Nếu như F-16 đóng vai trò răn đe hạt nhân trên không, các tên lửa Jericho-II giúp Israel mở rộng năng lực răn đe hạt nhân từ đất liền.
Mẫu tên lửa Jericho đầu tiên được Israel hợp tác nghiên cứu sản xuất cùng Pháp. Paris chuyển cho Israel 30 tên lửa Jericho đầu tiên vào năm 1966, nhưng thỏa thuận bị đình trệ vì cuộc chiến 6 ngày một năm sau đó.
Trong những năm 1980, Israel tự nghiên cứu tên lửa Jericho-II. Tên lửa này được đưa vào trực chiến khoảng một thập kỷ sau đó. Jericho-II có tầm bắn khoảng 1.500km, bao phủ một nửa lãnh thổ Iran, với khả năng tấn công chính xác.
Mẫu tên lửa này có thể mang đầu đạn nổ thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân với sức công phá 1 megaton. Phiên bản Jericho-III do Israel bí mật nghiên cứu có thể mang đầu đạn nặng 1 tấn, tầm bắn 5.000, bao phủ toàn bộ Trung Đông và nhiều khu vực khác.
Hệ thống phòng không Iron Dome
Học thuyết quân sự Israel đề cao năng lực phòng thủ tương đương với sức mạnh tấn công. Đó là lý do nước này sản xuất hàng loạt các tổ hợp phòng không hiện đại, với độ tin cậy cao.
Đáng chú ý nhất trong số này là hệ thống phòng không Iron Dome. Lần đầu ra mắt vào năm 2011, Irone Dome là tuyến phòng không cuối cùng, đóng vai trò đánh chặn tên lửa và đạn súng cối.
Theo hãng sản xuất vũ khí Raytheon của Mỹ, Irone Dome là hệ thống đánh chặn “được sử dụng nhiều nhất, ngăn chặn 1.500 mục tiêu với độ chính xác lên tới 90%”.
Irone Dome thành công đến mức hệ thống phòng không này cũng nhận được sự chú ý của Mỹ. Washington đã đề nghị mua các tổ hợp này từ Israel để trang bị cho lực lượng Mỹ đóng quân ở khắp nơi trên thế giới.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)