Theo luật sư Indra Aria Raharja, tại phiên tòa diễn ra ngày 9-11 xét xử thuyền trưởng Hứa Minh Trung (37 tuổi, quê Kiên Giang) ở tòa án quận Ranai, luật sư này có thông báo cho chủ tọa phiên tòa là ông đang có trong tay một số thông tin liên quan đến vụ việc, đủ bằng chứng để phản đối lại lập luận của công tố viên.
Trong đó một số bản đồ chính thức do chính quyền Indonesia phát hành thông tin rõ ràng vị trí các đường phân định mà Chính phủ Indonesia đang đàm phán với Việt Nam, Malaysia...
"Một quan chức cao cấp của hải quan Indonesia cũng khẳng định với chúng tôi vị trí của năm tàu cá bị bắt nằm trong vùng chưa được chính phủ các bên phân định rõ ràng.
Căn cứ theo hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Indonesia về phân định ranh giới thềm lục địa ký kết năm 2003, nếu các loại tàu thuyền của hai nước đi vào lãnh thổ của nhau thì cơ quan có thẩm quyền quản lý biển của hai nước được phép yêu cầu các tàu thuyền đó dừng lại kiểm tra.
Phía Indonesia chỉ được phép truy đuổi tàu cá của Việt Nam khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Indonesia" - luật sư Indra Aria Raharja nêu.
Luật sư Indra Aria Raharja cho biết lời khai của thuyền trưởng các tàu bị bắt và thiết bị định vị vệ tinh (GPS) của các tàu chạy thoát về đều chứng minh vị trí các tàu Việt Nam bị bắt nằm trong vùng biển Việt Nam, cơ quan chức năng Indonesia không được quyền truy đuổi cũng như bắt giữ tàu cá Việt Nam.
"Vị quan chức cao cấp của hải quân Indonesia còn nói sẽ sẵn sàng ra tòa để làm chứng về các vị trí này. Tuy nhiên ông đang chờ ý kiến lãnh đạo cho phép. Nếu trong tình huống không được cấp trên đồng ý, chúng tôi có sẵn phương án để thuyết minh, khẳng định sự thật này bằng nguồn tin có giá trị" - luật sư Indra Aria Raharja cho biết.
Các GPS sẽ rất quan trọng, nhưng nếu vì lý do nào đó nó bị hư hỏng? Trả lời câu hỏi này, luật sư Indra Aria Raharja nói:
"Tôi sẽ yêu cầu phía công tố phải đưa ra được các GPS của tàu Việt Nam chứng minh vị trí bắt các tàu Việt Nam. Giả sử vì một lý do nào đó họ không đưa ra được các thiết bị này hoặc nó bị phá hỏng hay điều chỉnh sai đi thì chủ tọa phiên tòa là người đưa ra phán quyết hợp lý".
Luật sư Indra Aria Raharja cho rằng đây là sai lầm của sĩ quan chỉ huy tàu bắt năm tàu cá của Việt Nam vào ngày 13-4. Với các thông tin và chứng cứ ông đang có được, ông tin các thuyền trưởng Việt Nam bị bắt oan.
"Tôi đã làm văn bản gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia thông báo lịch xét xử và đề nghị cơ quan này cử người tham dự phiên tòa sắp tới (dự kiến diễn ra ngày 16-11). Sự tham gia của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia có vai trò rất quan trọng để bảo vệ các ngư dân" - luật sư Indra Aria Raharja nhấn mạnh.
Theo Lê Nam (Tuổi Trẻ)