Những kết quả kiểm phiếu sau cuộc bầu cử đến nay cho thấy bà Clinton nhỉnh hơn ông Donald Trump về số phiếu phổ thông. Tuy nhiên, vị tỷ phú áp đảo nữ đối thủ về số lượng đại cử tri với con số hơn 290, vượt xa mức quá bán cần thiết.
Theo Hiến pháp, đại cử tri các bang sẽ nhóm họp vào ngày khoảng giữa tháng 12 và bỏ phiếu để bầu chọn tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Thông thường, ứng viên thắng phiếu phổ thông của bang nào sẽ giành được tất cả phiếu đại cử tri của bang đó.
Đến ngày 12/11, khoảng 3,5 triệu người đã ký tên vào đơn kiến nghị yêu cầu đại cử tri bỏ phiếu cho bà Hillary. Khoảng 30 bang tại Mỹ đã thông qua luật bắt buộc các đại cử tri phải cam kết bỏ phiếu cho ứng viên đại diện đảng của họ. Tuy nhiên, hình phạt cho sự "bất trung" chỉ là một khoản tiền nhỏ.
Cơ hội để bà Clinton xoay chuyển tình thế rất thấp. Ảnh: CNN. |
Phe ủng hộ Clinton tuyên bố sẵn sàng chi trả tiền phạt cho các siêu đại biểu để thực hiện quyền thay đổi kết quả bầu cử ngày 8/11.
Đại cử tri có quyền không theo thông lệ này và trở thành "cử tri bất trung". Tuy nhiên, chuyện này rất hiếm khi xảy ra và nó không ngoại lệ với cuộc bầu cử năm 2016 vì 5 lý do chính.
1. Chênh lệch quá lớn về số phiếu đại cử tri
Trong những cuộc bầu cử mà kết quả sít sao, sự "thay lòng" của vài đại cử tri có thể khiến ván cờ lật ngược. Tuy nhiên, năm nay ông Trump dự kiến có thể được 306 phiếu đại cử tri so với 232 phiếu của bà Clinton. Như vậy, để đảo ngược tình thế thì cần đến tối thiểu 37 đại cử tri "bất trung". Đây là điều bất khả thi do cách biệt quá xa.
2. Đại cử tri rất trung thành
Các đại cử tri ủng hộ của Trump đều được đảng Cộng hòa chọn lựa rất kỹ để bảo đảm họ sẽ không bao giờ thay lòng. Dù phần lớn những nghị sĩ, quan chức có tiếng của đảng đã tẩy chay Trump, khả năng này với các đại cử tri rất thấp.
Nếu quay lưng với Trump, họ không chỉ phản bội lại các phiếu bầu của người dân mà còn với chính đảng Cộng hòa. Dù một số đại cử tri quả thực không hài lòng với Trump, họ nói sẽ tôn trọng kết quả bầu cử.
Ông Trump có nhiều lợi thế bảo đảm chiến thắng tuyệt đối khi số phiếu đại cử tri áp đảo và phe Cộng hòa chiếm đa số ở quốc hội. Ảnh: AP. |
3. Phe Cộng hòa nắm kiểm soát quốc hội
Nếu con số đại cử tri "quay lưng" với Trump không đủ lớn mà tạo ra thế cân bằng khoảng 270-270 sẽ khiến quyền định đoạt cuộc bầu cử trở về Hạ viện. Cơ quan này đang do đảng Cộng hòa kiểm soát nên chắc chắn họ sẽ lại bỏ phiếu cho Trump.
Nếu muốn ngăn Trump chiến thắng, các nghị sĩ Cộng hòa phải đồng lòng ủng hộ bà Clinton. Đây là điều không thể xảy ra. Ngay cả những đảng viên Cộng hòa chỉ trích Trump gay gắt nhất như các ông Mitt Romney, Jeb Bush, John Kasich... cũng chỉ nói họ không bỏ phiếu cho cả 2 ứng viên, chứ không thể đứng về phe đảng Dân chủ.
4. Tôn trọng giá trị dân chủ
Sự trung thành của các đại cử tri thể hiện tôn trọng các giá trị dân chủ của Mỹ. Lịch sử bầu cử Mỹ trong 80 năm trở lại đây chỉ ghi nhận 9 đại cử tri bất trung.
Trên lý thuyết, họ là người được trao quyền chính thức bầu ra tổng thống. Về thực tế, các đại cử tri là người xác nhận lần cuối kết quả bầu chọn ở từng bang.
Nếu các bang xảy ra tình trạng một số lượng lớn "đại cử tri đào tẩu" thì luật quy định rằng quốc hội phải bỏ phiếu để xem có thể chấp nhận kết quả ở bang nào. Khi phe Cộng hòa nắm phe đa số tại quốc hội, họ sẽ ngăn cản mọi âm mưu muốn cướp chức tổng thống từ ông Trump.
5. Bà Clinton đã nhận thua
Bà Clinton đã tuyên bố thua cuộc, chấp nhận thất bại và công nhận Trump là người chiến thắng. Trước phong trào kêu gọi ký đơn kiến nghị, bà không tỏ ra tín hiệu nào sẽ tham gia điều này.
Theo Minh Anh (Zing.vn)