Người dân biểu tình đòi tổng thống Brazil từ chức tại Sao Paulo ngày 13-3 - Ảnh: Reuters |
Bà Rousseff đã nói bà không có ý định từ chức nhưng những người biểu tình hy vọng, với cuộc tuần hành quy mô lớn như vậy, bà Rousseff sẽ bị buộc tội vì những việc làm sai trái của mình.
Tổng thống Brazil đang phải đối mặt với cáo buộc che đậy thâm hụt ngân sách, tuy nhiên bà phủ nhận những cáo buộc đó.
Theo văn phòng an ninh tại thành phố, các dòng người biểu tình ở Sao Paulo vào lúc cao điểm đã lên tới 1,4 triệu người. Cùng với đó còn có nhiều cuộc tuần hành với quy mô nhỏ hơn diễn ra tại nhiều thành phố khác trên cả nước.
Hàng chục ngàn người mặc trang phục với hai màu truyền thống vàng, xanh đổ ra đường với các tấm biểu ngữ “Bà Dilma biến đi” và “Hãy chấm dứt nạn tham nhũng”.
Anh Alexandre Cortes, một kỹ sư 39 tuổi ở Sao Paulo nói: “Tôi ủng hộ việc buộc tội bà ấy và tổ chức các cuộc bầu cử mới vì cuộc bầu cử tổng thống năm 2014 đã được tài trợ bằng những đồng tiền tham nhũng bẩn thỉu”.
Giới báo chí mô tả tình trạng hiện tại là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở Brazil trong nhiều năm qua. Bà Rousseff, lãnh đạo của Đảng Lao động hiện nắm quyền điều hành tại Brazil đang chịu sức ép ngày càng tăng trong những tháng qua liên quan tới cuộc điều tra tham nhũng lớn nhất xảy ra ở tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Cho tới nay, cuộc điều tra ở Petrobras đã khui ra một số đại gia sừng sỏ nhất ở Brazil và các chính trị gia thuộc tất cả các đảng tại nước này đều có dính líu tham nhũng.
Các công tố viên cho rằng những nhà thầu đã rút ruột nhiều tỉ USD của công ty này để đút lót cho các chính trị gia, trong đó có nhiều người thuộc Đảng Lao động và các đồng minh của đảng này.
Bà Rousseff phủ nhận việc biết thông tin về vụ tham nhũng và hiện tại bà cũng chưa bị điều tra.
Theo BBC, quy mô cuộc biểu tình tại Brazil ngày 13-3 cho thấy vấn đề bà Dilma Rousseff đang và sẽ phải đối mặt không hề nhỏ. Việc bà đi hay ở lại sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ của quốc hội Brazil.