Tôi là đứa con trai một trong gia đình nông thôn. Dù gia cảnh không khá giả nhưng bố mẹ luôn yêu thương tôi vô điều kiện. Năm tôi học lớp 9, gia đình tôi phải đối mặt với sự mất mát to lớn vì bố tôi bất ngờ bị ung thư giai đoạn cuối và qua đời sau 2 tuần. Lúc đó, chỉ có mình bố là trụ cột gia đình, mẹ tôi ở nhà làm nội trợ nên khi ông ra đi hai mẹ con tôi như mất phương hướng. Tôi nói với mẹ hay con bỏ học để đi làm kiếm tiền nuôi mẹ nhưng mẹ nhất quyết ngăn cản. Cuối cùng, bà đành phải một mình ra chợ bán rau bươn chãi, nuôi tôi ăn học. Tôi nhớ mãi câu nói này của mẹ: "Mẹ sẽ không để con thua kém bạn bè, chữ nghĩa sẽ giúp con xóa nghèo, mẹ hy sinh bao nhiêu cũng không sao, quan trọng là con thành tài". Thấy mẹ cực khổ, tôi tự nhủ sẽ cố gắng nên người, thay bố chăm sóc cho mẹ suốt quãng đời còn lại.
Thời gian trôi đi, tôi đã trưởng thành và đậu vào trường Đại học ở thành phố. Tôi có ngỏ ý muốn mẹ lên thành phố sống cùng, tôi vừa làm vừa học kiếm thêm tiền, hai mẹ con sống nương tựa qua ngày cũng được, chỉ cần không phải chia xa thì cực khổ mấy tôi cũng chấp nhận. Mẹ nói rằng, con trai phải có chí lớn, không nên dựa dẫm mẹ với lại mẹ không quen cuộc sống ở thành phố nên bảo tôi cứ làm cứ học, khi nào rảnh rỗi về thăm mẹ là mẹ đã hạnh phúc rồi. Tôi cứ thế mà học xong Đai học rồi đi làm, cuối cùng tôi cũng quen được với một cô gái và kết hôn với cô ấy. Ban đầu tôi có chút tự ti về bản thân mình vì cô là con nhà khá giả, nhưng tính cách hiền lành của cô ấy đã giúp tôi trút bỏ gánh nặng đó và chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân. Thời điểm đó, tôi cảm thấy mình là người đàn ông hạnh phúc nhất trên đời khi cưới được người vợ tốt người tốt nết như thế.
Thời gian đầu cưới nhau, vợ tôi hay chủ động nhắc tôi về thăm mẹ vì mẹ ở nhà một mình nên mình phải dành thời gian nhiều hơn. Lúc đó, vợ trong mắt tôi như một nàng tiên. Mỗi lần về thăm mẹ, vợ đều mua quà cho bà và họ rất hòa thuận với nhau. Không lâu sau, vợ tôi mang thai, lúc này mẹ nói rằng mẹ muốn lên thành phố ở với chúng tôi, một phần muốn chăm sóc con dâu, một phần muốn gần vợ chồng chúng tôi. Tôi rất vui, vì sau bao năm mẹ cũng chịu thay đổi ý định. Nhưng đột nhiên vợ tôi lại không đồng ý. Cô ấy nói rằng sợ cách sống của mẹ không phù hợp, gây ảnh hưởng đến sự dưỡng thai của cô, hơn nữa lỡ mâu thuẫn thì sẽ gây nhiều phiền phức. Tôi nghe thấy thế cũng xuôi tai, cũng cố gắng nói khéo để mẹ và vợ thoải mái hơn.
Hai tháng sau, tôi nghe tin sức khỏe mẹ yếu dần và không thể tự chăm sóc bản thân mình. Cuối cùng tôi không còn cách nào khác nên quyết định đưa mẹ lên thành phố ở, bất chấp sự phản đối của vợ. Lúc này, tôi đã ngồi lại nói chuyện với vợ và hy vọng cô sẽ hiểu, mẹ già sức yếu cũng là người sinh ra tôi, nên tôi không thể bất hiếu mà để bà sống cô độc như thế. Nhưng đến một ngày nọ, khi tôi đi làm về lại không thấy mẹ đâu. Tôi hỏi vợ, vợ bảo rằng mẹ khăng khăng đòi về quê vì ở đây mẹ thấy khó chịu quá. Ban đầu tôi nghe cũng tin rằng có lẽ mẹ thật sự không thoải mái thật. Nhưng sau đó tôi quyết định quay về quê để tìm hiểu vấn đề.
Vừa về đến nhà mẹ ôm tôi và khóc nức nở nhưng mẹ vẫn không nói gì. Tôi hỏi mẹ tại sao lại về quê, mẹ còn không thể tự chăm sóc bản thân mình mà. Mẹ tiếp tục giữ im lặng và nói rằng tôi quay về nhà đi, mẹ muốn được nghỉ ngơi. Thấy sự việc có vấn đề, tôi quyết định hỏi vợ cho ra lẽ. Không ngờ vừa hỏi đến, vợ tôi đã giận dữ: "Đúng đó, là em đuổi mẹ về đó. Mẹ không sinh ra em, không nuôi em, lại còn không thể giúp em làm việc gì. Ngôi nhà này là nhà bố mẹ cho em, từ đầu em đã nói với anh rằng không thể sống chung rồi, sao lại cứ cố chấp như vậy". Nghe những lời này từ người vợ mà tôi hết mực yêu thương, tôi như hoàn toàn suy sụp. Tôi nổi điên: "Bà ấy không liên quan đến em nhưng bà ấy mà mẹ anh, người sinh ra anh - chồng của em này. Anh không ngờ em lại xử sự như thế. Chúng ta ly hôn đi". Nói thật tôi rất yêu cô ấy, tôi không muốn ly hôn nhưng không thể chấp nhận được sự thật này. Mọi người bảo tôi phải làm gì đây?
Theo Tam Hảo (Helino)