Tôi phải làm gì khi chồng tôi quá chu đáo với họ hàng bên nội

24/04/2017 09:21:00

Chuyện này tôi kể ra có khi cũng là nỗi bức xúc chung của nhiều người. Ít ra thì cùng trong văn phòng công ty chỗ tôi làm việc, khi nghe tôi kể, đã có ngay ba chị đồng tình, hùa vào, ồ à rất là bức xúc.

Chuyện này tôi kể ra có khi cũng là nỗi bức xúc chung của nhiều người. Ít ra thì cùng trong văn phòng công ty chỗ tôi làm việc, khi nghe tôi kể, đã có ngay ba chị đồng tình, hùa vào, ồ à rất là bức xúc.

Cưới nhau rồi, ở quê ít ngày hai vợ chồng kéo nhau lên thành phố, về chỗ tôi vẫn thuê trọ để sống. Tôi may mắn trước đó kiếm được một căn phòng trên tầng hai một căn nhà trong ngõ nhỏ, chủ nhà không ở, cho thuê hết bốn tầng nhà. Căn phòng chưa đầy hai chục mét vuông nhưng cũng đủ phòng vệ sinh, bếp, giá cả lại phải chăng. Một mình còn ở được, nói gì hai vợ chồng. Hai lương gộp vào, tiền nhà, tiền điện, tiền ga, tiền nước... chi chung, kiểu gì chả sống được, khéo co kéo còn có tiền dự trữ ấy chứ. Hai vợ chồng vừa nằm xem tivi vừa tính toán thế. Và đúng là những ngày tháng đầu sống chung, mọi sự diễn ra đúng như hai vợ chồng mong đợi. Cứ cái đà này, chăm chỉ làm lụng, thêm nếm cả thứ bảy chủ nhật thì chả mấy chốc, cùng lắm là dăm bảy năm nữa là có thể tính đến việc mua trả góp một căn chung cư nào đấy chừng năm sáu chục mét vuông.

 
 
Tôi phải làm gì khi chồng tôi quá chu đáo với họ hàng bên nội

Ảnh minh họa

Rồi tôi có bầu. Là chuyện thường tình nhưng hai vợ chồng đều mừng húm. Ở đô thị bây giờ, không biết bao nhiêu cặp vợ chồng lấy nhau hàng mấy năm giời mà có con cái gì đâu. Hai vợ chồng bàn nhau, phải cố làm lụng chăm chỉ hơn để có tiền tích lũy, sau này lúc con ốm con đau đỡ phải lo lắng, chưa kể phải tính đến việc thuê giúp việc hoặc gửi con vào nhà trẻ nữa.

Tôi đang có bầu đến tháng thứ ba, đang ốm nghén vật vã, mặt mày xanh rớt, người mỏng dính thì ông chú bên chồng gửi một đứa con lên cho nó ôn thi đại học. Nghe qua điện thoại, chồng tôi gật đầu cái rụp. Hai hôm sau thì cả chú cả thím đưa con gái lên. Một cô bé béo tròn mũm mĩm. Chú thím nhìn căn hộ ngao ngán: Hơi chật nhể! Chồng tôi dọn dẹp đồ đạc lấy chỗ cho chú thím ngồi, xởi lởi: Nhà chật chứ lòng dạ không chật là được chú ạ. Chú cứ để em ở đây, cháu khắc thu xếp cho. Bao giờ thi xong cháu đưa về tận nhà. Chú thím cười tươi rói: Nhất cháu.

Thế là từ hôm ấy chúng tôi phải tự tìm cách thu xếp chỗ ăn nghỉ thêm cho em. Chồng tôi ôm chăn trải xuống sàn, nhường giường cho em nằm với vợ. Con bé được cái nết ăn nết ngủ, ngồi ôn bài chỉ được mươi mười lăm phút là lăn ra ngáy pho pho. Chưa kể, ở nhà chắc được chiều, không biết làm gì hết. Bát cũng không biết rửa, làm được mỗi một việc là xách rác đi đổ, mọi việc cứ mặc kệ, quần áo bẩn thay ra vứt lung tung, mỗi nơi một cái. Tôi thì đang ốm nghén, ngửi mùi thức ăn đã sợ, bình thường có hai vợ chồng thì toàn bỏ bữa, cố uống sữa thay cơm. Giờ có em, nó lên ôn thi vất vả thì phải cơm nước đàng hoàng. Em bận học, chị thì nghén, anh đành phải chạy về sớm để nấu cơm ngày hai bữa phục vụ. Chiều chiều, cứ đến bữa nấu nướng, mùi xào nấu bay ra là tôi phải chạy sang hàng xóm ngồi chơi. Đợi hai anh em ăn xong mới dám về. Chịu đựng mãi cuối cùng em nó cũng thi đại học xong, chồng tôi đưa về tận quê trả cho bố mẹ. Nhẹ cả người. Tối đầu tiên được leo lên giường nằm, chồng tôi sung sướng: Ôi, thoải mái quá. Tôi giễu: Tưởng nằm đất cho nó mát. Chồng tôi cười hì hì, ôm vợ: Mát nhưng đau lưng, nằm với vợ vẫn là nhất.

Tưởng thế là xong, ai dè, nửa tháng sau bà bác lại lên khám bệnh. Chồng tôi lại đón bác về nhà. Hàng ngày trước khi đi làm còn chở bác qua viện. Bác bị dăm bệnh lặt vặt, điều trị ngoại trú ở viện y học cổ truyền. Nhưng y học cổ truyền nó không giống Tây y, cứ phải nửa tháng mới hết một đợt. Thế là lại quay về sinh hoạt theo kiểu người dưới đất người trên giường, chồng đi đằng chồng vợ đi đằng vợ. Công ty dạo này nhiều việc, tôi bụng to cũng không dám nghỉ, tối toàn 8-9 giờ mới về đến nhà. Về thì bác đã ngủ, làm gì cũng phải rón rén, ăn cơm cũng không dám chạm đũa vào mâm.

Sau bác thì đến dì rồi đến cô, rồi đến ông trẻ bà trẻ... nhà tôi cứ thế lần lượt đón tiếp các vị khách ở quê lên. Chủ yếu là đi khám bệnh, rồi đi thăm con, rồi đi viếng lăng Bác một lần dối già, v.v và v.v... Khách nào chồng tôi cũng đón hết, chăm sóc chu đáo, đưa đi đón về đâu vào đấy hết.

Thậm chí khi tôi đã sinh con rồi, các vị khách vẫn cứ hồn nhiên kéo đến căn hộ nhỏ như lỗ mũi của chúng tôi. Quần áo tã lót của chủ của khách giăng khắp nơi, trời nồm, cả tuần không khô. Tôi có một vài lần ý tứ nói với chồng thì chồng tôi gạt đi. Nào là ông A, bà B, dì C, cô D... lúc anh ở quê mọi người đều chăm bẵm, yêu thương. Giờ mọi người cần một tí, anh từ chối làm sao được.

Cứ thế, cuộc sống của chúng tôi đã từ lúc nào không còn là cuộc sống của hai vợ chồng với con nhỏ nữa. Mà cũng không biết bao giờ mới có thay đổi. Tôi thấy mình sắp không chịu nổi mất rồi.

TRẦN ĐĂNG KHOA:

Bạn phải làm gì khi chồng quá chu đáo với họ hàng bên nội ư? Bạn chỉ cần làm một việc thôi, duy nhất một việc, là ủng hộ tuyệt đối việc làm của chồng mình. Bởi đó là người tốt. Tốt đến tuyệt vời. Trời Phật và Tiên tổ đã ban cho bạn một người chồng tuyệt vời. Không phải người phụ nữ nào cũng có được người chồng như thế. Anh ấy rất tốt. Rất chu đáo với họ hàng. Không phải chỉ bên nội, mà tôi tin là cả bên ngoại nữa. Nếu ông bà, chú bác của bạn qua thành phố, ghé thăm, tôi tin anh ấy cũng sẽ nhiệt tình, chu đáo như thế.

Người nhà quê rất trọng tình cảm và lễ nghĩa, nhiều khi còn trọng hơn cả vật chất. Ngay cả khi nhận quà, họ không chỉ quan tâm đến của cho mà cách cho. Đối với họ thì “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Có việc họ mới phải nhờ bạn, có khi chỉ nhờ một lần, bạn chu đáo, họ sẽ biết ơn mãi, rồi loay hoay tìm cách trả ơn. Ông anh ruột tôi cũng thế. Tìm mọi cách xin việc rồi lo công ăn việc làm cho thằng con bà dì, không phải dì ruột đâu, bà dì họ xa lắc xa lơ, mà xin việc bây giờ khó vô cùng, thậm chí rất vất vả, tốn kém, nhưng vẫn tìm mọi cách lo cho bằng xong. Lý do chỉ vì cái hồi đói kém, đói đến quay quắt, bà dì ấy đã giấu chồng con, gọi nhỏ anh ấy ra rồi bí mật dúi vào tay anh ấy một củ khoai lang luộc. Chồng bạn cũng thế đấy: “Lúc anh ở quê, mọi người đều chăm bẵm, yêu thương, anh từ chối sao được...”. Người quê, không phải “từ chối” đâu, chỉ cần tỏ một thái độ khó chịu, là họ đi ngay, rồi cửa không qua, nhà không lại: “Cứ coi như mình đã mất một thằng cháu!”. Ông bà chú bác qua lại, rất hồn nhiên, cũng vì chồng bạn chu đáo, nhiệt tình: “Nhà chật nhưng lòng không chật...”. Vẫn là tấm lòng. Tấm lòng chứ không phải nhà cửa, vật chất. Bạn cần làm quen với cách sống của người nhà quê. Bởi bạn đã lấy chồng quê. Người quê là thế đấy. Nỗi khổ của bạn, cũng là nỗi khổ chung của người nhà quê lên ở thành phố. Gia đình tôi cũng vậy thôi. Tôi còn khổ hơn bạn nhiều, vì có đến 7 năm sống ở Matxcơva. Không phải họ hàng, mà là người Việt chung, toàn là những người chẳng quen biết gì, những năm đói kém, họ tìm đường ra nước ngoài kiếm sống bằng con đường du lịch. Du lịch Liên Xô rồi tìm đường sang nước thứ ba, giữa đất khách quê người, không biết dạt vào đâu, chỉ nghe nói có cậu Khoa, thế là họ tìm đến. Có người còn gọi tôi là Nguyễn Văn Khoa. Tôi không từ chối ai cả. Dù phụ cấp sinh viên của tôi chỉ có 100 rup. Nhưng ăn bánh mì, với sup và trứng, cũng có thể nuôi được nhiều người. Có dạo, phòng không bao giờ khóa. Hầu như ngày nào tôi cũng có khách. Mà ông bạn Nga của tôi cũng rất tốt. Người nước ngoài rất tôn trọng lối sống cá nhân. Họ không thích ồn ào, cũng không muốn bị quấy rầy. Vậy mà vì tôi, cuộc sống của ông bạn ấy cũng luôn bị đảo lộn. Vậy mà ông bạn vẫn không hề tỏ vẻ khó chịu. Tôi đã Việt Nam hóa, nhà quê hóa được cả ông bạn mắt xanh mũi lõ. Có dạo hai nhà văn nổi tiếng làm khách của tôi. Tôi lại đang thi, nên phải nhờ một cô em, tôi coi như em gái, học ở Trường Lưu trữ, Matxcơva sang nấu cơm giúp. Ngày hè, mười một giờ đêm trời mới tối. Cơm nước xong đã quá 12 giờ đêm. Mọi phương tiện giao thông công cộng đều ngừng hoạt động. Cô bé phải ngủ lại. Phòng 9 mét vuông, chỉ có hai cái giường. Một giường của anh bạn Tây. Giường của tôi nhường cho hai ông nhà văn già. Hai anh em phải trải đệm xuống dưới sàn. Mùa hè nhưng đêm vẫn lạnh, lại chỉ có mỗi cái chăn. Oái oăm thế. Đành nằm tráo đầu đuôi. Thật là quái quỷ. Ông nhà văn tưởng chúng tôi yêu nhau, cứ cười tít mắt: “Bọn trẻ bây giờ chúng nó đổi mới có khác. Cứ làm ngược! Làm lộn tùng phèo!”. Nhưng không! Không có gì là ngược hay xuôi cả. Tuyệt không. Đó chỉ là nỗi khổ của người quê ra phố thôi. Nỗi khổ mang nặng tính cộng đồng, tuyệt không có màu tình ái!

Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA (Suckhoedoisong.vn)

Nổi bật