Mừng thọ tuổi 70, bố chồng quyết làm 30 mâm cỗ

30/01/2017 19:00:00

Bố chồng tôi bảo, cả đời không biết được mấy lần mừng thọ, bố muốn mời mọi người tới chung vui với cả gia đình…

Bố chồng tôi bảo, cả đời không biết được mấy lần mừng thọ, bố muốn mời mọi người tới chung vui với cả gia đình…

Tôi ở tập thể trên Hà Nội, thấy các cụ trong tổ hưu trí tổ chức mừng thọ văn minh và rất gọn nhẹ. Buổi sáng mùng 3 Tết, các cụ tập trung ở nhà văn hóa rồi tổ chức văn nghệ, cùng nhau trò chuyện, mừng thọ nhau, không có ai phiền hà gì tới con cháu.

Tôi kể cho bố mẹ chồng nghe không ngờ bố tôi sầm mặt. Ông nói: "Nuôi các anh chị ăn học đi thoát ly, thoát nghèo thế mà bố thấy các anh chị kém cỏi quá".

Thấy bố chồng buồn, tôi vội xuống giọng hỏi ý kiến bố, bố tôi bảo: "Quê mình, Ủy ban xã tổ chức mừng thọ các cụ sáng mồng 4 Tết. Sau đó về nhà, ai cũng mời anh em họ hàng và chòm xóm xung quanh tới ăn cỗ. 

Nhà ít con và không khá giả thì chỉ làm 4, 5 mâm. Gia đình có con cái khá giả thì nhiều hơn. Nhà mình họ hàng đông đúc vì thế bố tính, ít nhất cũng phải 30 mâm". 

Tôi nghe xong cứ há hốc miệng.

Mừng thọ tuổi 70, bố chồng quyết làm 30 mâm cỗ

Nhà chồng tôi có 4 anh em, chồng tôi và em gái kế là viên chức còn 2 em trai ở nhà buôn bán nhỏ. Kinh tế các em còn chật vật. Bố mẹ chồng tôi ở cùng em út, đất ở quê rộng rãi nhưng nhà cửa xập xệ vô cùng.

Dịp này nhận khoản thưởng cuối năm, vợ chồng tôi định bụng bàn với bố mẹ và em trai xây mới công trình phụ để có chỗ tắm giặt, vệ sinh đàng hoàng. Nhưng bố tôi không đồng ý.

Bây giờ, ông đòi làm 30 mâm để mừng thọ khiến tôi thấy rất lãng phí. Tuy nhiên, tôi là phận dâu nên không dám bàn lùi. Tôi chỉ biết liếc nhìn thái độ của chồng và các em. May sao chồng tôi cũng thấy bất hợp lý nên anh gạt đi. 

Anh bảo, tiền đó để xây mới cho ông bà công trình phụ cho sạch sẽ nhưng bố tôi nhất quyết gạt đi.

Bố tôi bảo, nếu mấy đứa con không lo nổi mừng thọ cho bố thì bố tôi sẽ đi vay tiền để làm. Mừng thọ 70 tuổi phải đàng hoàng, không thì thiên hạ người ta cười vào mặt.

Bố tôi còn lên án chúng tôi mất gốc, mới ra thành phố ở có vài năm đã coi thường tập tục ở quê nhà. Bố cứ nói đi nói lại "phép vua thua lệ làng", nếp sống văn minh ở đâu bố không quan tâm, chỉ biết ở làng này bao năm nay vẫn thế, cỗ mừng thọ bố bét nhất cũng phải đủ 30 mâm. 

Bố còn kể, năm trước bố đi ăn khao thọ ông bạn thân ở làng bên, thấy ngoài ngõ ô tô đậu san sát, trong nhà tranh mừng thọ treo kín tường rồi quà cáp các con mang về mà thấy thèm. 

Bố tôi bảo: "Tuổi già quan trọng nhất là tinh thần thoải mái vui vẻ, bố có hẳn 4 đứa con mà không bằng người nọ, người kia thì bố tủi thân lắm".

Thế là đám con cháu chúng tôi không dám ho he gì nữa. Chúng tôi bắt tay vào mua sắm mời mọc chuẩn bị mừng thọ bố tuổi 70.

Khổ nỗi, thực phẩm ngày Tết đắt đỏ. Mâm cỗ quê tôi luôn phải có 5-7 món chính chứ không được bớt xén món nào. Chồng tôi là con trưởng, so với anh em trong nhà thì kinh tế khá hơn vì thế toàn bộ chi phí, vợ chồng tôi phải đứng ra gánh vác toàn bộ.

Tôi không quá tiếc số tiền phải bỏ ra nhưng tôi thấy bực là sao bố tôi không nghĩ thoáng hơn một chút, nhà mình khó khăn sao phải bày vẽ tốn kém. Tiền làm cỗ mừng thọ dư sức để chúng tôi thuê thợ xây công trình phụ sạch đẹp, cả nhà dùng đỡ khổ những khi mưa nắng. 

Thế nhưng bố chồng tôi lúc nào cũng có điệp khúc "sống ở làng mà không theo lệ làng, ra đường người ta cười cho thối mũi, các con còn trẻ người non dạ lắm"...

Độc giả Lê Thu Nam 
Theo VietNamNet

Nổi bật