Tôi chưa từng than thân trách phận dù nhiều lúc tôi rất buồn và thấy bản thân thật thiệt thòi. Sinh ra ở một vùng quê nghèo, nhà lại đông con và khó khăn, tôi phải nghỉ học từ sớm để phụ bố mẹ nuôi 4 em ăn học. So với những người ở quê, con gái không đi học đại học như tôi mà 25 tuổi mới lấy chồng là rất muộn. Nhưng lúc đó, tôi vì lo cho các em nên chẳng dám theo chồng. Từ chối nhiều mối tốt lành, cuối cùng, 25 tuổi tôi mới lấy Sinh, một anh chàng cũng chẳng nghề nghiệp ổn định, gia đình cũng không khá giả gì.
Sinh làm thợ xây, nắng mưa, vất vả nên người lúc nào cũng đen cháy. Gương mặt thì quắt lại, luôn hằn học và hiếm khi cười. Tôi đi làm công nhân may gần nhà, sáng đi, tối về, phụ giúp việc đồng áng với bố mẹ chồng và lo cơm nước, nhà cửa.
Dù không tự hào về mái ấm của mình nhưng tôi cũng thấy không quá tệ. Thế nhưng, từ khi tôi sinh bé thì mọi chuyện cứ đảo lộn hết cả. Con bé đau yếu, cứ ốm liên miên. Tôi đi làm được dăm hôm lại xin nghỉ đưa con đi viện, cuối cùng thì bị cho nghỉ hẳn.
Ông bà thấy vậy không những không an ủi hay lo lắng, mà cả ngày chỉ mắng mỏ, trách móc tôi không biết sinh con: "Đã đẻ con gái rồi lại còn đau ốm, bệnh tật. Đúng là như rước thêm họa vào nhà! Con mẹ thì đi làm kiếm cơm cũng không nổi đến nỗi bị đuổi việc, nhà này đúng là vô phúc!" Mỗi lần thế, tôi thương con lắm, chỉ nuốt nước mắt rồi ôm bé vào lòng.
Còn Sinh, thấy bố mẹ than nhiều, có hôm đang bữa ăn anh nổi giận hất cả mâm cơm. Tính anh nóng, lại ghét nhất lời qua tiếng lại trong bữa ăn nên hành xử lỗ mãng. Tôi ôm mặt khóc rồi thu dọn, bố mẹ chồng lại lườm nguýt tiếp, Sinh thì bỏ ra ngoài.
Cuộc sống càng túng hơn khi tôi bị nghỉ việc, tiền ăn uống, thuốc thang cho con chỉ trông chờ cả vào tiền đi làm của Sinh. Bố mẹ chồng tôi đã già, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và nuôi thêm đàn lợn, con gà, con vịt chứ không có lương hưu. Gánh nặng kinh tế khiến vợ chồng tôi thường xuyên to tiếng, cãi vã. Hôn nhân vốn không có tình yêu, lại không có kinh tế thiếu thốn khiến chúng tôi càng chán nhau hơn.
Chiều hôm ấy, sau khi đưa con ra trạm y tế xã khám bệnh trở về, tôi thấy bố mẹ và chồng đang ngồi ở phòng khách bàn bạc. Thấy tôi về, họ vội kéo tôi lại, đon đả chào mời. Lần đầu tiên tôi thấy bố mẹ chồng tỏ vẻ coi trọng mình tới vậy.
- Con dâu, con vào đây bố mẹ có chuyện cần bàn.
- Dạ.
- Hoàn cảnh nhà mình thì con cũng biết rồi đấy, chồng con mà cứ mãi quẩn quanh thế này thì cả nhà có chết đói. Bố mẹ và thằng Sinh đã quyết cho nó vào Sài Gòn làm ăn, khoảng vài năm khá lên thì về làm nhà, kinh doanh.
- Anh Sinh chưa nói gì với con cả.
- Thì bố mẹ tôi đang nói đấy thôi, điếc à? Ai nói chẳng như nhau. – Sinh gắt lên với tôi.
- Vâng, thế anh định vào đó làm gì, ở đâu, có mối làm ăn nào chưa? Bây giờ đi thì vay mượn đâu tiền mà đi?
Tôi mới nói tới đó, mẹ chồng đã vỗ đùi đánh đét:
- Đấy, thì đấy! Thế nên bố mẹ mới cần con về để bàn bạc. Bố mẹ tìm được chỗ vay rồi, nhưng cần phải kí vào giấy bảo đảm. Thằng Sinh thì sắp đi xa, ký không có tác dụng. Bố mẹ thì già cả, sống nay chết mai không biết thế nào, họ không tin tưởng. giờ nhà này chỉ có mình con đứng lên ký giấy bảo đảm được thôi.
Tình thế lúc đó thật tôi cũng khó từ chối. Gia đình chồng người dồn, người ép, nói ngon nói ngọt, cuối cùng tôi cũng gật đầu. Thôi thì, cũng coi như hy sinh lấy vốn cho chồng đi làm ăn. Tôi ký vay 50 triệu, số tiền không hề nhỏ ở quê chúng tôi và với mẹ bỉm sữa vừa mất việc như tôi.
Vài ngày sau, cầm được tiền thì chồng tôi giữ cả, anh có đưa lại cho tôi 3 triệu bảo ở nhà thuốc thang cho con. Sau đó, anh lên đường đi biền biệt nửa năm trời, chỉ thi thoảng gọi điện cho tôi dăm ba câu. Còn đâu bao nhiêu tiền bạc, anh gửi cả về cho bố mẹ.
Sống chung với bố mẹ chồng mà không chồng, tôi gặp vô số những khó khăn. Ông bà thường xuyên bắt bẻ, làm khó, mắng chửi tôi. Khi con vừa được 1 năm, cũng cứng cáp và ít ốm hơn, tôi nhờ ông bà trông con để đi làm thì ông bà bắt đầu lật mặt. Họ từ chối giúp đỡ dù đó là cháu của họ. Tôi tức quá, trách:
- Thế thì bố mẹ bảo con trai bố mẹ gửi tiền về nuôi cả nhà và trả nợ đi! Con không đi kiếm tiền nữa.
Nhưng mẹ chồng tôi không vừa, bà mắng tôi bằng tất cả những từ ngữ nặng nề nhất. Ngay tối đó, bà vứt hết quần áo, bỉm sữa của hai mẹ con ra ngoài sân rồi đuổi đi.
Tôi khóc ròng, gọi cho chồng thì anh chỉ bảo: "Hỗn láo thì đáng đời!"
Tôi ôm con thất thểu ở ngoài, sợ hãi và lo lắng. Tôi còn phải gánh số nợ khổng lồ trên vai, tôi biết phải làm sao đây?
Theo Song Ngư NF (Helino)