Chưa tổ chức cưới, vợ đã đòi ly hôn

11/10/2018 20:10:15

Thấy tôi chần chừ không gọi về nhà thông báo ly hôn, cô ấy đập nát điện thoại của mình, rồi đòi tự tử.

Chưa tổ chức cưới, vợ đã đòi ly hôn

Tôi và vợ đăng ký kết hôn được một tháng. Còn một tháng nữa là đến ngày cưới nên chúng tôi dọn về ở chung để tiết kiệm tiền nhà. Tôi thuê một phòng trọ mới xây, khang trang, sạch sẽ, chuẩn bị máy giặt, tủ lạnh, bếp để vợ khỏi cực mỗi khi làm việc nhà. Theo kế hoạch, buổi tối tôi sẽ về phòng trọ cũ lấy hết đồ rồi trả phòng. Chiều hôm đó, vợ tôi nhắn tin bảo tối đi ăn ngoài rồi cùng qua trả phòng. Tôi vui vẻ chấp nhận. Sau đó, vợ nhắn tôi nếu về trước, tìm giúp cô ấy thẻ ATM (mấy hôm tìm chưa thấy). Tôi lục hết các ngăn tủ nhưng không thấy nên nằm nghỉ chờ vợ về.

Khoảng 6 giờ, vợ tôi về đến nhà. Tôi hỏi vợ sao hôm nay về sớm thế (sớm hơn bình thường 10 phút). Vợ hỏi lại tôi mấy giờ rồi, trong khi đồng hồ ngay sau lưng cô ấy (vợ toàn hỏi tôi mà không tự xem giờ). Rồi vợ hỏi tôi đã tìm thấy thẻ ATM chưa. Sau đó, cả hai tìm lại một lần nữa nhưng vẫn không thấy. Trong lúc tôi ngồi cất giấy tờ vào ví, vợ nhờ ghi giúp địa chỉ vào điện thoại để lát đi mua đồ. Tôi đang bận mà cô ấy cứ nhờ, trong khi cô ấy chỉ cần gõ một chút là xong. Thấy tôi khó chịu, vợ cáu lên và nói rất tục kiểu: Thôi chẳng cần nhờ nữa, không đi nữa. Tôi hỏi: em vừa nói cái gì? Tôi là chồng em chứ không phải nhỏ hơn để em có thái độ xử sự như vậy. Hai bên cãi nhau, tôi ra ngoài lo việc bên phòng cũ.

Khi mang đồ về nhà, tôi thấy vợ đang ngồi xem phim trên điện thoại. Tôi chẳng nói gì, lẳng lặng dọn dẹp, cất đồ đạc rồi đi tắm. Xong xuôi thì vợ nói đã gọi về nhà kể hết sự việc và muốn ly hôn. Tôi hỏi tại sao rồi giải thích lý do cho những gì đã xảy ra. Sau đó, cô ấy bỏ ra ngoài khoảng 10 phút thì quay lại, bắt tôi xếp hành lý và viết đơn ly dị để cô ấy về quê trong đêm. Tôi định không viết thì cô ấy nổi cơn. Khi tôi đang viết, cô ấy lại bắt tôi gọi về thưa chuyện chia tay với gia đình tôi. Nếu không, cô ấy nói sẽ đập hết điện thoại. Thấy tôi chần chừ, cô ấy đập nát điện thoại của mình, rồi đòi tự tử. Cô ấy nói một người chồng như tôi quá ích kỷ. Vợ chồng giận nhau, tôi ra ngoài lo công việc, ăn tối xong mà không biết mua gì về cho vợ ăn. Trong khi ở nhà cô ấy dù giận nhưng vẫn lấy đồ của cả hai ra giặt. Rồi trách rằng khi cô ấy ra khỏi nhà, tôi không chạy theo giữ lại.

Cô ấy nói lòng đã chết kể từ khi đập nát cái điện thoại. Trước đây, cả hai cũng hay giận hờn vì những việc như vậy. Giờ ngày cưới đã gần kề, đợt này về quê là tôi đi gửi thiệp mời. Tôi phải làm sao đây? Xin chuyên gia và độc giả cho tôi lời khuyên. Tôi cảm ơn.

Nhà tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:

Chào Thái, 

Mâu thuẫn, xung đột giữa hai vợ chồng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn: sự mệt mỏi có thể dẫn đến cáu kỉnh và bực tức trong giao tiếp giữa hai người, từ đó xuất hiện những lời nói khó nghe. Hoặc có thể do sự kiềm chế cảm xúc của vợ hoặc chồng kém, dẫn đến cãi nhau. Cũng có thể hai người hết yêu nhau, khiến cho sự xung đột, mâu thuẫn gia tăng.

Trong hoàn cảnh của bạn, cuối thư bạn có kể rằng hồi yêu nhau cô ấy đã có những hành vi ứng xử như vậy. Nếu thực sự kiểu giận hờn của vợ bạn đã xảy ra vài lần và có xu hướng lặp đi lặp lại, cộng với việc cô ấy có hành vi như đập đồ, dọa tự tử, có thể dự báo vợ bạn bị một rối loạn tâm lý nào đó. Trong cuốn sổ tay chẩn đoán các rối loạn tâm lý, một người có những dấu hiệu như trên được chẩn đoán là rối loạn chia ly hoặc rối loạn hành vi ứng xử. Đây là những dự đoán, muốn biết chính xác, bạn và cô ấy nên đi tham vấn tâm lý để có câu trả lời từ các nhà chuyên môn. 

Trong trường hợp của vợ bạn, muốn kiểm soát được bản thân, cô ấy phải được hướng dẫn để nhận ra những cơn cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn trong tình huống bạn mô tả, khi cô ấy về đến nhà hỏi bạn đã tìm thấy thẻ ATM chưa. Lúc đó, trong người cô ấy, cảm xúc tức giận đã dần hình thành và khởi phát. Nếu vợ bạn nhận ra điều đó, cô ấy chỉ cần ngồi nghỉ ngơi, không nói, không làm gì, một lúc sau sự tức giận và hờn dỗi sẽ giảm dần.

Thứ hai, người sống cùng cô ấy, tức là bạn cũng nên hiểu được tính nết, cảm xúc của cô ấy để điều chỉnh cách ứng xử của bản thân sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Ví dụ, trong tình huống bạn kể, bạn chỉ cần kiểm soát cảm xúc của mình, không để ảnh hưởng đến vợ là câu chuyện có thể đi theo hướng khác.

Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng nhiều khi không tránh khỏi, hai bạn chỉ cần bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc để vượt qua. Khi đã bình tĩnh, các bạn nên nói về những hạn chế của nhau để hai cùng hiểu và có ứng xử hợp lý. Nếu mọi chuyện không cải thiện, nhất thiết hai vợ chồng bạn phải đi tham vấn một nhà tâm lý để được hướng dẫn. Chúc các bạn hạnh phúc. 

Theo VnExpress.net

Nổi bật