Tôi và người yêu bằng tuổi, chúng tôi yêu nhau 2 năm trước khi quyết định về chung một nhà vì năm nay 2 đứa cũng không còn trẻ. 2 năm yêu nhau, cũng nhiều lần cãi nhau nhưng cũng có không ít ngọt ngào.
Với tôi anh là người bạn trai hoàn hảo, anh chưa từng đi nhậu về quá khuya, đi đâu cũng nói với tôi, công khai tất cả các tài khoản để tôi biết anh không lăng nhăng. Ngược lại, tôi cũng làm tròn trách nhiệm của một người yêu, một người vợ dù chưa cưới.
Kinh tế của 2 đứa khá ổn định, mặc dù tôi ở quê lên Hà Nội lập nghiệp nhưng có thể nói tôi chẳng thua kém gì anh, nhà ở quê bố mẹ cũng thuộc dạng có điều kiện, công việc kinh doanh của tôi cũng kiếm ra tiền. Còn anh, tuy nhà Hà Nội nhưng cả nhà 6 người chen nhau trong khu tập thể cũ 2 phòng ngủ. Lần đầu về nhà anh tôi thậm chí còn thắc mắc chẳng hiểu mọi người sinh hoạt kiểu gì.
Cũng bởi thế, từ khi đi học đại học, anh ra ngoài ở trọ, tiền hàng tháng tự lo. Sau này đi làm anh lại càng ít về nhà - giống như một đứa con đi làm xa nhà vậy, chỉ về vào ngày lễ, Tết.
2 năm nay, anh qua ở cùng tôi, chúng tôi thuê một căn chung cư nhỏ ở ngoại thành để dành tiền sau này cưới thì mua nhà. Ở với nhau như vợ chồng cũng là một cách để thử xem đối phương có phù hợp làm vợ, làm chồng mình hay không. Nghĩ là thế, nhưng với thế hệ bố mẹ, ông bà việc ở chung trước khi cưới vẫn là bại hoại gia phong, không thể chấp nhận nổi, nhất lại là một gia đình gia giáo, có truyền thống như nhà anh.
Ngày về ra mắt, mẹ anh gật đầu có vẻ ưng ý tôi, một phần cũng vì anh nói tôi nên ăn vận đơn giản, quần âu, áo sơ mi, đừng mặc váy vóc hay quần bò… mẹ anh không thích. Tôi đồng ý!
Cuộc hôn nhân gần như hoàn hảo nếu trước ngày cưới, mẹ chồng không gọi tôi vào hỏi toàn những điều tế nhị. Trước nay, tôi là đứa có gì nói nấy, có nói có, không nói không, không giỏi trong việc lươn lẹo, nói dối vì thế khi mẹ anh gọi vào bất ngờ tôi đã cảm thấy hơi sợ, tôi biết bà khác hẳn tư duy của tôi.
Mẹ anh hỏi tôi sau khi cưới muốn chúng tôi về ở cùng một thời gian, cả nhà sẽ dọn một phòng nhỏ để tôi và anh ở tạm, bà nội và cu em sẽ nằm ở ngoài. Bà còn nói, nếu có con trong tháng đầu tiên là rất tốt, nhà bà cũng hiếm con hiếm cháu.
Rồi bà nói chắc tôi và anh vẫn chưa có gì với nhau, nhà bà kiêng nhất là con dâu “mất trinh” trước ngày cưới, bà cho rằng điều này là thiếu may mắn. Tôi nghe xong cũng ậm ờ vì anh đã dặn mẹ nói gì cũng vâng hết. Vả lại, nghĩ chuyện 2 vợ chồng “rồi” hay “chưa” bà làm sao mà biết được.
Nói đoạn, bà đưa cho tôi một chiếc khăn trắng, dặn tôi dùng trong đêm tân hôn. Trời đất! Bà nghĩ tới được cả điều này. Tôi chết khiếp nhìn bà rồi nói thật chúng tôi đã ở với nhau 2 năm như vợ chồng, giờ hỏi trinh thì trinh đâu ra.
Bà kinh hãi khi nghe tôi nói điều này, sau đó lặng lẽ ra bàn thờ thắp hương, sau một hồi kiềm chế, bà giận dữ gọi anh vào, mắng chửi 2 đứa tôi bằng những ngôn từ tệ hại. Bà nói bố mẹ tôi không biết dạy con, không biết giữ mình là lỗi của tôi, nhưng sâu xa là vì bố mẹ tôi ít học.
Đúng rồi, bà vẫn “cay” vì bố mẹ tôi chỉ học hết cấp 2 rồi ở quê kinh doanh chứ không phải bác sĩ, kĩ sư như nhà bà. Bà cũng chẳng ưng tôi khi tôi như bố mẹ tôi học xong đại học cũng kinh doanh chứ không đi làm nhà nước, yên phận như con gái bà.
Tôi tức máu, bước ra khỏi phòng mặc cho anh đang ra sức xin lỗi. Tôi tuyên bố hủy hôn ngay trước cả nhà, tôi gọi về bảo bố mẹ chẳng có cưới xin gì nữa.
Bà ta có thể chửi tôi, có thể nói tôi nhưng riêng bố mẹ tôi thì không. Chẳng ai có quyền đòi hỏi tôi phải “còn trinh”, bố mẹ tôi phải học đại học, hay tôi phải làm công chức. Cuộc đời của tôi, nên cơm nên cháo hay không là do tôi. Ngay cả việc lấy con bà hay không, cũng thế!
Theo Mint Lê (Thoidaiplus.giadinh.net.vn)