Tuy nhiên, điều mà giới nghệ sĩ, công chúng quan tâm nhất hiện nay là những khuyết điểm trên sẽ được xử lý theo cách nào? Khi chủ đầu tư rút khỏi VFS thì đơn vị nào sẽ hợp tác?
Cho thuê nhà đất trái thẩm quyền
VFS thuộc Bộ VH-TT&DL bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2014, đến năm 2017 trở thành Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam do Tổng Công ty Vận tải thủy đầu tư. Thanh tra Chính phủ thông tin, việc cổ phần hóa VFS phù hợp với chủ trương của nhà nước và cần thiết để huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình trạng doanh nghiệp nhiều năm liền thua lỗ triền miên, dẫn đến gần bờ vực của phá sản.
Đến thời điểm thanh tra (30/10/2017), VFS đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý về sở hữu các cơ sở nhà, đất để làm căn cứ xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Kết quả thanh tra nêu rõ, việc VFS cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội), góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng tại số 6 Thái Văn Lung (quận 1, TPHCM) là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.
Việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ của VFS cũng thưc hiện chưa đúng quy định dẫn đến việc theo dõi khoản trả trước cho chi nhánh Công ty Cổ phần Điện ảnh Truyền hình Hà Nội chưa chính xác; hạch toán khoản vay nợ dài hạn của Công ty Cổ phần Quảng cáo Sao thế giới không đúng. Ngoài ra, VFS thời gian qua hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, lỗ liên tiếp.
Việc chọn lựa, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng lộ rõ hạn chế, sai sót như: Không có điều kiện cụ thể về nhà đầu tư chiến lược, tiêu chí đưa ra không đáp ứng yêu cầu thực tiễn với ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh. Về phía nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy cũng có khuyết điểm khi chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.
Trước đó, một số cán bộ, diễn viên VFS gửi kiến nghị lên Chính phủ về việc cổ phần hóa hãng phim. Sau phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào đầu năm 2016, VFS chỉ bán được 115.000 cổ phần trong tổng số 525.000 cổ phần chào bán, thu về gần 1,2 tỷ đồng. Theo phương án sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ công nhân viên 4,5% và 65% bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy với giá chào bán thấp nhất 10.200 đồng/cổ phiếu. Với 5 triệu cổ phiếu và giá bán xấp xỉ mệnh giá, VFS có giá trị khoảng 50 tỷ đồng, bằng hơn một nửa tổng giá trị thực tế của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam hồi năm 2014.
Với những tồn tại nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VH TT&DL thực hiện thủ tục cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy xin rút vốn trước thời hạn; chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện để chuyển giao VFS theo quy định. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thành lập hội đồng xác định giá trị thương hiệu VFS để xác định lại giá trị doanh nghiệp, tỷ lệ cổ phần của mỗi cổ đông cho phù hợp. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam cần điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức cổ phần hóa.
Nghệ sĩ trông chờ kết quả xử lý…
Trong kết luận, cơ quan thanh tra đã kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan như Trưởng ban và các thành viên của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ VHTT&DL; Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam theo từng thời kỳ. Người đứng đầu, cấp phó VFS trong thời kỳ xảy ra vi phạm; Công ty THHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam và các đơn vị tư vấn thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm cũng bị đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm...
Trao đổi cùng PV Báo Gia đình & Xã hội, một số nghệ sĩ như Quốc Tuấn, Minh Châu… cho hay, cũng như nhiều nghệ sĩ khác công tác tại VFS, họ chờ đợi một kết quả hợp tình, hợp lý cũng như tương lai khả quan trong việc phát triển Hãng phim. Việc xác định lại giá trị thương hiệu mà trước đây đơn vị đầu tư quy bằng “con số không” cũng là vấn đề các nghệ sĩ quan tâm bậc nhất. Thông tin về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng đã được Bộ VHTT&DL tổ chức thực hiện, tuy nhiên, chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim”. Kết quả thanh tra đồng thời yêu cầu lãnh đạo Công ty kiểm tra, rà soát, xác định và thanh toán lương còn thiếu và thu hồi số tiền lương đã thanh toán cho những người lao động theo luật định, chuyển giao những tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng và tài sản chờ thanh lý cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngay sau khi có kết luận từ Thanh tra Chính phủ, có thông tin VOV sẽ trở thành đối tác chính của VFS. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thủ tục tìm đối tác mới Hãng phim và Bộ chủ quản sẽ phải làm tiến hành từ đầu, không thuộc vấn đề nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Trao đổi về câu chuyện cổ phần hóa VFS, đạo diễn-diễn viên Quốc Tuấn cho biết, khi đơn vị chủ đầu tư vào thì toàn hãng “tê liệt” hết. Cán bộ nhân viên không có việc làm, cũng chẳng có một phim nào được ra mắt, chỉ duy nhất khối văn phòng và một số bộ phận bên kỹ thuật như phục trang, bảo quản máy… còn làm việc...
Theo Thành Nam (Gia Đình & Xã Hội)