3 câu chuyện, 3 đất nước nhưng tựu chung vẫn có nhiều điều khiến cộng đồng suy ngẫm.
"Nếu Jack có sai, chúng em sẽ sai cùng Jack"
Câu nói trên TikTok của một nữ sinh được cho là fan của Jack nhanh chóng nhận được sự chia sẻ của rất nhiều người quan tâm tới scandal mới nhất của chàng ca sĩ sinh năm 1997, từng nổi tiếng với các bài hát như Sóng Gió, Bạc Phận. Lướt qua những trang tin, hội nhóm được cho là cộng đồng người hâm mộ của chàng ca sĩ này, người đọc có thể bắt gặp nhiều hơn nữa những bình luận bảo vệ thần tượng của người hâm mộ. Trong số đó, không ít câu nói khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm. Bình cũ, rượu mới; những câu chuyện như vậy xuất hiện từ rất nhiều năm qua khi văn hóa thần tượng xuất hiện trên toàn thế giới, không chỉ riêng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, những câu chuyện được đẩy đi xa hơn trong thời gian gần đây với nhiều vụ việc mang tính nghiêm trọng. Không còn dừng lại ở những lời nói đùa xúc phạm người này người kia, những biểu hiện hay hành động vô lễ với bề trên, nhiều thần tượng đã thực hiện các hành vi vi phạm hình sự.
Cách Việt Nam gần 3000km, nam ca sĩ Hàn Quốc Seungri đã phải nhận bản án tù 3 năm.
Đầu năm 2019, cái tên Seungri gây rúng động báo chí Hàn Quốc và nhiều nước trong khu vực châu Á, nơi có cộng đồng fan đông đảo của nhóm nhạc BigBang. 9 cáo buộc liên quan tới Seungri bao gồm mại dâm, môi giới mại dâm, tham ô, vi phạm Đạo luật vệ sinh thực phẩm, cờ bạc, vi phạm Đạo luật giao dịch ngoại hối, vi phạm Đạo luật về các trường hợp đặc biệt liên quan đến tội phạm tình dục, xúi giục bạo lực đặc biệt. Danh sách các cáo buộc của Seungri cũng dài như số lượt bình luận những người hâm mộ từng đứng ra bảo vệ anh.
Cộng đồng người hâm mộ Seungri từng bày tỏ sự phẫn nộ, yêu cầu báo chí, truyền thông phải lên tiếng công khai nam ca sĩ. Trên nhiều trang mạng xã hội, đặc biệt là Twitter, hashtag #ApologizeToSeungri được nhiều người hâm mộ chia sẻ, thậm chí có thời điểm hashtag này leo lên top 1 trending toàn cầu. Nhiều người tin rằng, dù bản án đã được tuyên cho Seungri với 3 năm ngồi tù và nộp phạt 1,1 tỷ won, chừng nào Seungri còn chưa lên tiếng xác nhận, chừng nào Seungri còn kháng án, chừng đó người hâm mộ còn giữ vững quan điểm về sự trong sạch của thần tượng. Không có pháp luật thượng tôn với người hâm mộ, idol mới là thượng tôn.
Là một quốc gia với số lượng người hâm mộ thần tượng thuộc hàng "khủng" trên thế giới, Trung Quốc cũng đang phải siết chặt hơn những quy định liên quan tới người hâm mộ, đặc biệt sau vụ việc của nam ca sĩ Ngô Diệc Phàm với các cáo buộc liên quan đến hành vi tình dục với trẻ vị thành niên. Ngay sau khi biết tin thần tượng bị công an triệu tập, rất nhiều nhóm "giải cứu Ngô Diệc Phàm" đã được người hâm mộ lập ra trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Đào đường hầm, ngồi tù thay, biểu tình gây náo loạn… những điều đó khiến người ta liên tưởng đến một binh biến chính trị, một giai đoạn chiến tranh khốc liệt chứ không ai nghĩ đó là cách người hâm mộ đang bàn kế hoạch để giải cứu thần tượng. Bao nhiêu phần đùa, bao nhiêu phần thật thì không ai biết nhưng ít nhất, những câu chuyện fan Ngô Diệc Phàm gây náo loạn ở ga tàu điện ngầm, tới đồn cảnh sát để hỏi về thần tượng là có thật.
Một đặc điểm chung của cả ba vụ việc là khi các fandom không tin rằng thần tượng của mình là có tội, họ quay ra chỉ trích những người tố cáo, các nạn nhân như "vật tế thần". Trên thực tế, các vụ việc trên bị đẩy đi xa hơn dưới bàn tay của người hâm mộ. Mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi các fan cuồng bắt đầu có những hành động quá khích, bình luận khiếm nhã, tấn công các nạn nhân hay tạo ra các làn sóng biểu tình trên mạng xã hội.
Trước những câu chuyện như vậy, Trung Quốc đã phải ra những tuyên bố nhằm siết chặt văn hóa thần tượng trong nước. Hôm 6/8, trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Weibo cho biết họ sẽ xóa bỏ danh sách các ngôi sao âm nhạc và truyền thông được xếp hạng theo số lượng người theo dõi và bài đăng của họ trên trang mạng. Động thái này được đưa ra sau khi xuất hiện những bài báo chỉ trích các trang mạng xã hội ưu tiên lượng truy cập mỗi ngày hơn lợi ích người dùng nhận được, đặc biệt là đối tượng người trẻ. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cũng đã triệu tập hơn 20 công ty giải trí, văn phòng làm việc của nghệ sĩ để chấn chỉnh các bê bối của người nổi tiếng. Trường hợp Ngô Diệc Phàm không phải đầu tiên khi trước đó đã có nhiều cộng đồng "fan nuôi, fan chiến" đánh sập nhiều trang web bôi nhọ, nói xấu thần tượng của họ.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… và rất nhiều nơi khác trên thế giới đều đang chứng kiến sự đổ bộ của các cộng đồng người hâm mộ, sẵn sàng "tuyên chiến" với bất cứ ai nghi ngờ, đả kích thần tượng.
Mạng xã hội cho cộng đồng một sức mạnh "mềm" khi họ biết những hành động của mình trên không gian mạng có thể tạo ra ảnh hưởng, điều mà ở ngoài đời thật họ không thể có được. Với cộng đồng người hâm mộ thần tượng, hơn ai hết, họ tận dụng mạng xã hội một cách triệt để bảo vệ thần tượng. Cũng dễ hiểu, ở độ tuổi chưa đầy 20, họ hiểu rằng thứ "sức mạnh" lớn nhất mình có là tiếng nói ẩn danh trên không gian mạng.
Nhưng liệu có nên như vậy? Chúng ta đang thực sự bảo vệ cho điều gì? cho thần tượng hay cho niềm tin của bản thân vào một cá nhân? Người hâm mộ không muốn "phản bội" thần tượng hay không muốn tin rằng mình đã có một lựa chọn sai lầm?
Chấp nhận thần tượng mình đã làm điều sai đồng nghĩa với việc chấp nhận với mình đã sai lầm khi chọn người để theo đuổi. Học cách chấp nhận sai lầm không bao giờ là dễ dàng, nhất là ở độ tuổi cái tôi của mỗi người còn quá cao.
Nhưng, các người hâm mộ cần hiểu rằng: Chấp nhận thần tượng mình sai không có nghĩa rằng chúng ta quay lưng lại với họ, đơn giản chỉ là mong muốn nhìn thấy một phiên bản tốt hơn ở thần tượng của mình, vào một lúc nào đó sau này.
Mối quan hệ giữa người hâm mộ - thần tượng luôn là hai chiều; chừng nào người hâm mộ còn tiếp tục bảo vệ thần tượng bằng mọi giá, chừng đó các idol sẽ còn tự hỏi: "Mình có làm gì sai thật không?", "Sai làm sao được, vẫn nhiều người ủng hộ mình thế cơ mà?". Sự cố chấp của "fan cuồng" chỉ tạo thêm sự luẩn quẩn cho vấn đề khi không những ảnh hưởng tới việc nhìn nhận sai lầm của thần tượng về hành vi của bản thân mà còn tạo ra ấn tượng không tốt trong cộng đồng nói riêng. Đôi khi, chúng ta không ghét một ca sĩ nhưng ghét lây từ chính những người hâm mộ của họ.
Học cách chấp nhận việc thần tượng sai không chỉ mở ra cơ hội cho thần tượng mà còn mở ra cơ hội cho bản thân. Nhiều người vẫn thường đùa nhau, rồi một ngày khi những người hâm mộ của Jack, có những em nhỏ mới học cấp một, đọc lại những điều mình từng viết, từng sống chết vì thần tượng, các em sẽ nghĩ gì?
Văn hóa thần tượng theo chiều hướng tiêu cực có thể thổi bùng lên nhiều vấn đề khác đi kèm. Đó là tư tưởng đổ lỗi cho nạn nhân - "thấy thần tượng người ta nổi tiếng nên kiếm fame chứ gì?", đó là vấn đề bất bình đẳng với nữ giới, đó là sự ngầm chấp nhận việc vật hóa phụ nữ… Nhiều người hâm mộ không nhận ra rằng, có thể chính họ sẽ là nạn nhân của những quan điểm đó; khi chấp nhận những điều ấy ở thần tượng là đúng, họ vô tình đồng thuận với những bất công và định kiến trong xã hội.
Nhiều người tự hỏi, liệu có thể rạch ròi giữa việc hâm mộ người nghệ sĩ chỉ vì họ tài năng và không đoái hoài gì đến đời tư, đạo đức, tính cách, nhân phẩm của họ? Trong một thế giới truyền thông đa chiều, chúng ta không tiếp nhận một ca sĩ tài năng chỉ bởi giọng hát - chúng ta quan tâm cô ấy mặc gì, phát ngôn gì, ở nơi ra sao, chơi với những ai… Chính vì thế, việc tách bạch giữa đời tư và tài năng của nghệ sĩ là việc không dễ dàng với người hâm mộ.
Nhìn lại tất cả những sự việc đã diễn ra, nhiều người hiểu được sự siết chặt quản lý với nghệ sĩ là điều có lý do. Nếu bản án 3 năm tù với Seungri chưa đủ để công nhận tội trạng, người ta không biết điều gì mới còn có thể thay đổi được suy nghĩ trong đầu người hâm mộ nữa. Và có thể một ngày, tất cả kế hoạch giải cứu thần tượng, biểu tình, đào hầm kia sẽ trở thành sự thật.
Mỗi người sẽ có một thần tượng để theo đuổi nhưng cũng có cả cuộc đời phía trước. Đừng để những sai lầm trong suy nghĩ, hành động của mình với thần tượng sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của cả hai.
Theo Minh Nguyên (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)