Phi Nhung được biết đến là một ca sĩ Bolero nổi tiếng, sở hữu mức cát xê cao và nhiều tài sản, nhà hàng riêng. Tuy nhiên, để có được ngày hôm nay, Phi Nhung đã phải trải qua nhiều khó khăn thời thơ ấu cũng như lúc mới đặt chân đến lúc Mỹ.
Tại chương trình Ngôi sao đương thời tuần này, Phi Nhung đã chia sẻ về thời gian mưu sinh kiếm sống bằng nhiều nghề của mình.
Từ khi mới biết nói tôi đã biết hát rồi. Tôi có năng khiếu ca hát từ khi còn rất nhỏ vì mọi người trong gia đình tôi đều hát hay. Dì tôi là ca sĩ, má tôi cũng vậy. Tôi nghe mọi người hát rồi hát theo.
Dì tôi có hai người con gái hát cũng rất hay. Các dì thích nghe hai người đó hát chứ không bao giờ thích nghe tôi hát. Mỗi lần tôi hát đều bị các dì mắng: "Im mồm đi, hát gì dở thế". Ngược lại, bây giờ tôi lại thành các sĩ. Các dì rất thích nghe tôi hát.
Hồi nhỏ, tôi chỉ ở với má được hai năm thì má mất. Năm đó tôi mới học lớp 6, phải về ở lại với bà ngoại ở Gia Lai. Bà ngoại tôi quan niệm con gái phải có nghề, phải biết may vá nên bắt tôi nghỉ học để đi học may. Từ đó, tôi không được đi học nữa dù rất thích đi học.
Ông ngoại tôi làm thợ hồ, không có tiền mà con cháu lại đông nên quyết cho tôi đi học may còn kiếm tiền. Tôi học may suốt 2 năm trời.
Hồi đó, tôi có 3 mơ ước là trở thành một thợ may giỏi, được bà ngoại thương, trở thành ca sĩ và trở thành ni cô thông minh. Tôi còn cúi mặt vào thùng phi hét lên ba điều ước của mình mà không ai biết.
Sau đó, ước mơ làm thợ may của tôi thành hiện thực, tôi ra nghề và may đồ cho khách kiếm tiền. Tôi tự tay vẽ, đo và may hết các loại đồ, chỉ có áo dài là chưa may.
Tôi may rất nhiều, kiếm tiền đem về cho mấy đứa em ở Cam Ranh. Tôi có đến 5 người em lận nhưng khi má chết chị em tan nát hết, mỗi người một nơi. Vì thế nên tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải nuôi các em. Sang tới Mỹ, cô vẫn đi làm thợ may.
Phải đi làm thảm, lợp tôn, cọ rửa nhà hàng tới nát hết tay
Ban đầu sang Mỹ, tôi phải đi may thảm cho một hãng thảm. Được 6 tháng, tôi muốn kiếm thêm tiền gửi về cho các em nên đi làm lợp tôn. Tôi làm lợp tôn 2 tháng thì tay chân nát hết, đành phải nghỉ.
May quá, đúng lúc đó thì tôi xin được vào làm ở một hãng may. Lúc mới vào, lương của tôi chỉ được 4 đô la một giờ. Tôi làm chăm chỉ quá nên sau vài tháng được lên tới 12 đô một giờ, tôi may nhanh lắm. Máy 2 kim, 5 kim, 10 kim tôi đều làm được hết. Không có máy nào tôi chừa.
Xưởng may chỉ làm các ngày trong tuần nên tới thứ 6, thứ 7 và chủ nhật, tôi tiếp tục đi làm nhà hàng, tranh thủ học thêm tiếng Anh.
Ban đầu, tôi phải đi lau dọn, cọ rửa mọi thứ cho nhà hàng. Được một thời gian, tôi lên chức khác là đứng gói, chiên chả giò.
Tới tháng thứ ba, tôi nắm được trong menu có những gì nên chuyển sang làm pha chế, kiêm luôn cả việc nhận thực đơn từ khách rồi làm món. Trong thời gian đó, tôi đi học thêm tiếng Anh rồi thực hành tại nhà hàng nên nói được chút ít.
Một ngày nọ, người phụ vụ nhà hàng nghỉ nên tôi được đưa lên thay thế để làm nữ phục vụ, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Tôi run lắm vì tiếng Anh mới bập bẹ, nói không được nhiều, nhưng cũng cố gắng làm.
Tới một hôm, có cặp vợ chồng già người Mỹ tới ăn, tôi thấy họ dễ thương nên sau khi đưa thực đơn liền chạy tới quầy tính tiền lấy một bông hồng kẹp vào hóa đơn đưa cho họ. Họ thích quá nên típ cho tôi hẳn 20 đô. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được cho một khoản tiền lớn đến thế.
Chủ thấy tôi có duyên nên cho tôi làm phục vụ bàn luôn từ đó. Công việc của tôi cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi sinh con gái rồi chuyển sang đi hát.
Theo Tùng Ninh (Pháp luật & Bạn đọc)