Phi Nhung: 'Tôi sẽ không để lại tài sản nào cho con ruột lẫn con nuôi'

28/06/2020 19:54:17

Nữ ca sĩ đã trải lòng về áp lực nuôi dạy các con và sự biến đổi tâm lý dẫn đến việc ghen tị nhau giữa các con nuôi. Bên cạnh đó, cô cũng nhắc về người bố của con gái ruột một cách thoải mái.

Chào Phi Nhung, thời điểm dịch bệnh, con chị cũng bên Mỹ, mẹ con chị có chia sẻ với nhau nhiều không?

Tôi không biết nói sao nhưng cách tôi dạy con từ nhỏ đến lớn đã vào khuôn khổ rồi nên đâu vào đó hết. Tôi rất khó với bản thân và càng khó với bản thân chừng nào sẽ khó với con nhiều hơn, không hiểu tại sao tôi có thể làm được điều đó. Tôi rất nghiêm khắc với con, ai nhìn vào cũng nghĩ con tôi sẽ giận hờn, oán trách tôi hoặc hư hỏng nhưng thật ra không phải. Tôi khó khăn với con rất nhiều nhưng tôi cũng cho con tiếp xúc với nhiều điều. Mỗi khi đi làm tôi hay cho bé đi theo, tôi trả tiền cho những người giỏi để họ dạy con tôi, tôi muốn con phải giỏi hơn tôi. Những đồng tiền tôi làm ra tôi đều đầu tư vào người dạy cho bé nên con tôi mới được như vậy. Người ngoài nghĩ tôi đi hoài con tôi sẽ hư, nhưng thực sự họ không biết được tôi dạy con thế nào. Tôi đưa con tôi đến những người giỏi, có gì khổ cực tôi cũng không muốn cho con biết. Con tôi cứ thấy được bên cạnh những người giỏi, sau này con ra đời, con biết được nên rất thương tôi.

Thời điểm nào chị thấy con gái Wendy đã trưởng thành, có phải cô bé quyết định ở lại Mỹ làm việc và biết an ủi mẹ?

Khi tôi sinh con ra, tôi đã biết con gái tôi là người rất hiểu mẹ, tôi luôn hãnh diện về con. Tôi không mệt mỏi hay mắng chửi nhiều, giống như ông trời cho tôi một đứa con để an ủi tôi vậy. Con tôi không bao giờ khiến tôi buồn.

Phi Nhung, sao Việt

Phi Nhung, sao Việt

Phi Nhung, sao Việt
Phi Nhung và con gái ruột

Các con có bao giờ hỏi chị về cha không?

Có chứ, tôi vẫn cho con biết. Cha của con rất hiền nhưng do chúng tôi không có duyên thôi. Khi cha con có vợ, tôi và con còn đi ăn đám cưới, làm cho cô dâu đẹp nữa, không có gì cả. Tôi rất thoải mái về cha của con. Người lớn thế nào không biết nhưng con nít phải biết cha mình là ai, dù cha mình có làm gì đi nữa.

Có bao giờ con chị nói muốn chị lấy chồng cho con đỡ lo không?

Có, lúc nào cũng vậy. Hồi tôi còn học Đại học, Wendy hay bảo tôi có bạn trai đi, đẻ em bé, nếu tôi muốn đi đâu thì Wendy trông em. Tôi nói không được vì nuôi một đứa con quá cực khổ rồi, có em bé, có chồng phải lo cho em bé, lo cho gia đình chồng nhiều hơn, phải chia sẻ tình cảm nhưng tôi lại thương Wendy quá nên sẽ không chia sẻ gì khác để con khổ nữa. Tôi nói con cố gắng, tôi nhận những em bé mồ côi, khi đó con sẽ có em. Cha của Wendy có 3-4 đứa con, bây giờ Wendy cũng có em rồi nên rất vui. Mấy lần trước con thấy tôi quen ai con mừng lắm.

Hiện tại thì sao?

Hiện tại tôi không quen ai, con cái rất nhiều, bên cạnh tôi toàn bánh bèo không (cười).

Wendy đã có bạn trai chưa?

Wendy có bạn trai rồi, hai đứa dễ thương lắm. Tôi để con tự quyết hết, không can thiệp chuyện riêng của con.

Giữa con ruột với con nuôi, sau này chị có phân định tài sản khi để lại không?

Tôi không có tài sản để lại. Trong đầu tôi từ xưa đến giờ chưa từng nghĩ phải để lại tài sản gì cho con tôi. Tôi chỉ để tri thức cho con mình. Hiện tại, tôi đang làm ra tiền, tôi cho các con đi học. Khi các con ra trường, các con tự đi làm kiếm sống, một mình tôi làm cũng không nhiều.

Chị có nghĩ đến việc sau này sẽ có người đàn ông cùng chị gánh vác các con không?

Từ năm 1997 đến 2015 là thời tôi khổ nhất, khó khăn nhất nhưng tôi cũng không có một người đàn ông bên cạnh. Nếu có người đàn ông nào cùng tôi gánh vác chính là thời đó, nhưng tôi cũng không cần, tự tôi có thể làm hết tất cả.

Các con trong độ tuổi mới lớn, có những suy nghĩ chưa trưởng thành, liệu có sự ghen tị với nhau không vì chỉ có 1 mẹ Phi Nhung lo hết cho các con, khi đó chị giải quyết thế nào?

Có chứ. Nhưng tôi tập cho các con từ nhỏ khi các con có sự ghen tị. Đứa nào tôi cũng thương nhưng tôi không gần gũi đứa nào cả, để các bé có cảm giác ai cũng như ai. Khi các con có những suy nghĩ đó tôi phải gọi từng bé ra nói chuyện, giải thích. Tôi lấy con ruột của tôi - Wendy - ra nói với các con: “Nếu có sự ganh tị, người ghen tị phải là chị Wendy. Chị Wendy có quyền ghen tị với tất cả nhưng chị ấy không có tính đó nên các con không thể nào có tính đó được. Các con phải luôn nhìn chị Wendy học hỏi. Mẹ thương các con rất nhiều, nhưng mẹ phải tập trung làm để các con có cuộc sống sung sướng, được đi học. Chị Wendy lúc nào cũng muốn mẹ vui nên không có tính đó, các con cũng nên như vậy". Nói chung, tôi nhắc nhở các con rất nhiều khi có sự ghen tị. Cũng không tránh khỏi vì ở độ tuổi mới lớn. Các bé lớn đã đi thọ giới cửa Phật rồi, tôi không lo đến, tôi chỉ lo cho những bé chưa thọ giới. Ở trong chùa có sư phụ, mỗi khi rảnh rỗi tôi đều về thăm các con. Cuộc sống trong chùa không có sự ghen tị nhưng lại thiếu tình thương nên sẽ có sự tủi thân. Các bạn không muốn tôi nuôi thêm con nữa là vậy, như Wendy chứng kiến mẹ vậy cũng không vui.

Tại sao chị lại nhận nuôi cậu bé hôm trước bị bỏ lại, làm sao chị có thể kham nổi?

Không phải bé nào tôi cũng nhận, tất cả đều có duyên. Tôi không thể đưa bé về chùa nữa vì chùa đã nhiều rồi. Tôi làm rất nhiều, làm bao nhiêu hết bấy nhiêu vì phải chăm sóc, lo lắng cho các con học hành đến nơi đến chốn. Tôi có bao nhiêu dành cho các con hết, tôi nghĩ tôi làm được. Các con cũng không có tính đua đòi, vì cũng còn nhỏ, ăn uống cũng đầy đủ.

Vì sao chị lại làm những điều này trong khi vẫn có những trại trẻ mồ côi, nhà nước chu cấp, bản thân chị làm cũng không bị nhiều áp lực cho bản thân?

Xung quanh có nhiều em lớn ở bên cạnh tôi, đó là những đứa em nuôi của tôi. Các em thương tôi lắm, mà nhà tôi hầu như người dưng ở, con gái không. Khi có em bé các em tự thương nhau. Tôi cũng nói với các em phải yêu thương con của tôi, tôi đi làm, các em ở với tôi, các em giúp tôi một tay, cũng giống như các em đang làm phúc vậy.

Động lực lớn nhất để chị làm những điều này là gì?

Cũng vì mẹ tôi, tôi thương mẹ tôi nhiều lắm. Con gái tôi thiếu thốn tình cảm, tôi cũng thiếu thốn tình cảm. Mẹ tôi, tôi và con tôi là những động lực để tôi thương những đứa trẻ mồ côi.

Chị có thấy việc đó là gánh nặng không?

Tôi quen rồi. Có đôi lúc tôi cũng buồn, tôi suy nghĩ không biết tại sao bản thân có thể làm những việc này. Nhiều lúc tôi cũng tức nhưng chỉ tức chút xíu thôi. Tôi sống bên Mỹ từ nhỏ nên cuộc sống của tôi tự lập, đã làm rồi sẽ không nghĩ đến nữa.

Chị có mong các con của chị sẽ đền đáp lại tình thương của chị không?

Tôi không nghĩ đến chuyện đó. Người ta hay nói nhận con phải có sự tài trợ nhưng tôi không muốn vì tôi rất hay tự ái. Có sức chơi có sức chịu. Trong tay tôi có bao nhiêu tôi mới nhận bấy nhiêu, không thể nào nhận nhiều để xin tài trợ, như vậy sẽ không còn là tình thương nữa. Không ai ép tôi phải đi làm những chuyện này, tôi thích tôi làm và không bao giờ làm phiền người khác. Tôi nghĩ vậy. Trong tay tôi có bao nhiêu, tôi nuôi bấy nhiêu, nhiều quá tôi sẽ gửi lên cho nhà nước nuôi. Những đứa con tôi đang nuôi giống như những đứa con tôi sinh ra vậy, nên tôi không thích ai đó cho tiền, tôi không muốn vậy. Tôi mở hội trái cây, tôi hát, mọi người ủng hộ tôi, ủng hộ tiếng hát của tôi, như vậy đã vui rồi. Mọi người ủng hộ tôi mua CD cũng là tiền ủng hộ tôi nuôi con rồi. Làm như vậy cũng là điều tôn trọng con tôi. Tôi muốn con tôi lớn lên không cần nuôi mẹ, chỉ cần các con đi học, sau này lớn lên tự lập được. Giống con gái của tôi, tôi có tiền, con muốn gì cũng được nhưng con phải học hành đến nơi đến chốn, lớn lên con tự đi làm, tự nuôi bản thân. Nếu con xài tiền của mẹ, lỡ mẹ có chuyện gì không biết con sẽ thế nào. Tôi dạy các con y như tôi dạy Wendy, Wendy cũng dạy các em nhỏ vậy.

Phi Nhung, sao Việt

Phi Nhung, sao Việt

Phi Nhung, sao Việt

Chị nuôi các bé đến khi nào chị sẽ không nuôi nữa?

Đến 18 tuổi, giống khi tôi nuôi Wendy vậy. Khi con học ra trường, sự chọn nghề của con, con phải suy nghĩ vì một khi chọn nghề đã mất bao nhiêu năm rồi. Khi con còn nhỏ, học sẽ dễ dàng hơn. Nếu con chọn sai con cũng phải ráng chịu. Con chọn đúng nghề tôi sẽ nuôi con đến khi ra nghề và sau đó phải tự làm, tôi sẽ không tham gia vào. Con có bạn trai tôi cũng không tham gia vào. Con lớn rồi, con có quyền chọn bạn trai, tôi tôn trọng những điều đó cho con. Đó là cách dạy con của tôi.

Cơ duyên nào chị nhận các bé con nuôi?

Các bé đến với tôi là những bé bị bỏ rơi trong chùa. Năm 2005 tôi đã xây nhà tình thương, từ đó đến năm 2010 tôi chỉ có mấy đứa con thôi, lâu lâu có người bỏ đến hay ai bỏ trong bệnh viện, tôi thấy hoàn cảnh thế nào mới nhận.

Khi chị nhận nhiều con như vậy, có nhiều người sẽ thắc mắc và đàm tiếu những điều không tốt, chị có bị những điều đó không?

Khoảng năm 2007 đến 2015, thời gian đó tôi bị người ta nói rất nhiều. Lúc đầu, tôi cũng sốc lắm, chưa bao giờ tôi tổ chức đêm từ thiện nào để nuôi con, chưa bao giờ tôi xin tiền của ai để làm lại bị nói vậy nên tôi rất buồn. Sau này, tôi được các thầy, các cô giải thích nên tôi không buồn nữa. Lúc đó tôi giác ngộ ra được những người đó không hiểu tôi, tại sao tôi phải buồn. Tôi phải tìm cách làm sao nuôi con chứ không buồn nữa. Tôi giác ngộ ra được điều đó rồi nên bây giờ ai muốn nói gì tôi cũng mặc kệ. Chính bản thân tôi phải soi lại mình có làm những điều đó hay không, và tôi biết tôi không làm những điều đó. Tôi làm bằng cái tâm của tôi, tại sao phải buồn. Tôi làm sao cố gắng nuôi con bằng tâm của tôi là được, không quan tâm người khác nói gì nữa.

Ngoài việc nuôi con, chị dạy dỗ và định hướng các bé thế nào?

Tôi lấy Wendy ra để các con noi theo gương chị hai. Tôi dạy các bé từ lúc nhỏ, lúc nào tôi cũng bắt học. Khi các con lớn tôi cho các con tự do suy nghĩ. Khi học ra 12 các con tự suy nghĩ về việc làm. Tôi nói các con phải chọn đúng, không được chọn sai nghề, sai đường. Chọn sai rồi sau này tôi sẽ không lo được nữa. Các em rất đông nên sẽ không quay lại lo cho các con như bây giờ nữa. Tôi nói các con không chỉ suy nghĩ kỹ về việc chọn nghề, làm gì cũng phải suy nghĩ kỹ, tôi không thể lo suốt được. Các con rất hiểu chuyện, biết đang ở vị trí nào, rất ngoan.

Chị dùng tên tuổi của mình để chăm lo cho các bé, có khi nào chị sợ các bé làm sai sẽ ảnh hưởng đến chị không?

Không. Thật sự các bé rất khó dạy vì không phải gen của tôi. Hồi ở Mỹ tôi học tâm lý học, tôi dạy con gái ruột tôi có thể đánh được, chửi được, quát được. Còn các con nuôi tôi không đánh được, tôi phải dạy bằng cả cái tâm của tôi, con mới gần tôi. Các bé rất sợ khi bị quát lớn tiếng hay bị đánh, các bé cũng không phải con do tôi sinh ra nên cũng không dám gần tôi. Tôi dạy bằng tấm lòng của tôi, cho đến bây giờ các con vẫn chưa làm tôi buồn. Các bé chưa làm gì ảnh hưởng đến tôi, tôi cũng không lấy tên tuổi của mình ra. Thực sự các bé chưa làm gì khiến tôi buồn, chỉ có học dở tôi mới buồn. Tôi không muốn các con nghĩ tôi là ca sĩ, tôi muốn các con biết tôi đơn giản là mẹ của chúng. Con ruột của tôi cũng vậy, con nói: “Mẹ đừng có hay lên trường con, cũng đừng cho người ta biết về con nhiều, con không thích bạn con chơi với con vì mẹ là ca sĩ, con muốn bạn con chơi với con vì con là Wendy, không phải vì con là con của ca sĩ Phi Nhung". Chính bản thân con tôi nói ra điều đó nên tôi rất tôn trọng con. Khi dạy những đứa con nuôi cũng vậy, tôi muốn các con biết rằng tôi chỉ là người mẹ bình thường, không phải ca sĩ hay ai khác.

Cảm ơn Phi Nhung về buổi trò chuyện này!

 

Theo Lam Khánh (Công lý & Xã hội)