Tôn vinh Đàm Vĩnh Hưng thái quá là "xúc phạm" nhiều nghệ sĩ khác

16/07/2015 18:57:11

Chưa có một thống kê nào khẳng định fan của Đàm Vĩnh Hưng hay Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng - MTP... đông nhất.

 
Lỗi ở truyền thông
 
Đàm Vĩnh Hưng hay bất kỳ ca sĩ nào, dẫu tự tin cao ngạo đến đâu, cũng không bao giờ dám tự nhận mình ở một đẳng cấp thế này, ở vị trí kia, xứng danh hiệu này, biệt danh nọ... Nhưng, không tự dưng mà những danh hiệu ấy xuất hiện. Có thể là từ một phút ngẫu hứng của người viết báo, cũng có thể là cả một "âm mưu" truyền thông của các ê-kíp sau lưng họ. Nhưng nếu báo giới không dễ dãi cho những danh hiệu ấy xuất hiện dày đặc, lặp đi lặp lại... thì nó sẽ tự biến mất nếu người "bị" gán ghép danh hiệu không thực sự xứng đáng.

Và điều thú vị là, chẳng thấy ngôi sao nào lên tiếng để vứt bỏ chiếc áo quá rộng với họ. Bởi vì sao? Vì họ được quá nhiều lợi lộc từ những cái "danh hiệu" ông hoàng, bà chúa ấy, dù là từ sự ngẫu hứng của báo giới, hay từ chiến lược của ê-kíp đứng sau họ.

Chưa có một thống kê nào khẳng định fan của Đàm Vĩnh Hưng hay Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng - MTP... đông nhất. Những cái nhất ấy cũng bỗng dưng xuất hiện trên mặt báo. Trong khi, rất nhiều ngôi sao đẳng cấp khác cũng có số lượng người hâm mộ cực lớn. Nhưng với mỗi nghệ sĩ khác nhau, cách thể hiện sự hâm mộ cũng khác biệt. Việt Nam có hàng chục triệu người yêu nhạc, đám đông vài trăm người hò hét dưới sân khấu gọi tên Đàm Vĩnh Hưng, Sơn Tùng MTP... chưa chắc đã là tham số đủ lớn để đưa ra những cái nhất.
 

Đàm Vĩnh Hưng là ca sĩ có lượng fan "khủng"

 
Nhiều người nghĩ rằng, ba cái thứ lăng nhăng của showbiz cốt cho vui vẻ, đừng nên quá nặng nề. Đúng, với người nghe nhạc, với giới showbiz thì có thể như vậy, nhưng sự dễ dãi của báo chí trong việc đánh giá, tôn vinh nghệ sĩ thì lại có tác động rất lớn đến môi trường nghệ thuật nói chung.

Phải khẳng định một chân lý, không có báo chí thì làng giải trí sẽ không bao giờ có khái niệm "người nổi tiếng". Nhưng từ lâu đã xuất hiện một thực tế đáng lo ngại, bất kỳ ngôi sao nào nổi lên cũng được gán ghép một cách tùy tiện những danh hiệu cốt chỉ để cho vui miệng, cho dễ nhớ.

Ví như với thân hình của Ngọc Trinh mà lại gán cho cô ta cái danh "nữ hoàng nội y", như danh hiệu "diva" quá sức với Trần Thu Hà vì giọng ca không quá đặc biệt, như "nữ hoàng nhạc dance" lại ghép cho Thu Minh.

Cũng vậy, cái danh "ông hoàng nhạc Việt" mà báo chí dễ dãi xướng tên Đàm Vĩnh Hưng có khác nào xúc phạm đến bao nghệ sĩ Việt chân chính khác. Đàm Vĩnh Hưng là ông hoàng, thì họ là gì trong làng nghệ thuật Việt?

Có rất nhiều nghệ sĩ lớn cuối đời sống thê thảm chỉ vì bị báo chí "quên" giữa showbiz ồn ào, nghèo khổ vì người ta cứ hồn nhiên hát miễn phí, nghe miễn phí những ca khúc bất hủ của họ. Chính những ngôi sao của showbiz hưởng lợi quá nhiều từ họ, chính người yêu nhạc hưởng lợi quá nhiều từ họ. Đó chính là sự bất công.

Dĩ nhiên, sẽ không bao giờ có công bằng tuyệt đối, nhưng nếu báo chí giải trí biết đánh giá, tôn vinh một cách chừng mực, biết quý trọng chính cái danh hiệu mà mình nghĩ ra và tìm đúng người trao tặng, thì sẽ phần nào giảm bớt sự bất công, nghiệt ngã của làng nghệ thuật.

Không thể đánh lừa mãi

Nhà báo Phan Anh - tác giả các cuốn "Bởi vì ta thuộc về nhau", "Nói là anh nhớ em đi"... , hiện là CEO cho một dự án truyền thông của Cát Tiên Sa chia sẻ: "Tôi cho rằng hơn 90% công chúng hiện tại không biết nhạc lý, không biết thế nào là hát chênh, hát phô… Vậy nên những danh xưng ông hoàng, bà chúa, hoàng tử, công chúa… gì đó thực sự quá lố. Nhưng trước khi trách nghệ sĩ, truyền thông thì chúng ta cũng nên đặt ra câu hỏi rằng những người chấp nhận danh xưng ấy, thực sự họ đang nghĩ gì".

Chuyên gia truyền thông giải trí này lý giải: "Dù một danh hiệu bị coi là quá lố cũng được bắt nguồn từ một mục đích nào đó. Tuy nhiên, nếu không có thực tài thì danh hiệu này, danh hiệu kia sẽ chết yểu. Còn vì sao Đàm Vĩnh Hưng vẫn càng ngày càng "hot"? Là vì anh ta có lượng khán giả khổng lồ và lượng khán giả ấy họ chấp nhận, ủng hộ nên cái danh xưng đó mới tồn tại được. Dần dà số lượng người chấp nhận còn áp đảo cả số lượng người có ý bài trừ, lên án. Nên nó vẫn sống".
 

Nhà báo Phan Anh

 
Theo nhà báo Phan Anh, chẳng riêng gì Việt Nam, ở nước ngoài cũng đã và đang tồn tại nhiều danh xưng kệch cỡm. Nhưng những danh xưng đó có lan truyền được đến Việt Nam không? Câu trả lời là không, vì chỉ có những tài năng đích thực mới vượt ra khỏi biên giới, mới được công nhận.

"Tôi cho rằng truyền thông đang tự hại mình. Truyền thông sẽ là sức mạnh khi đưa tin đúng, có trọng lượng, chiếm được niềm tin của độc giả. Thực ra, bây giờ người đọc cũng thông minh lắm, không khù khờ nên bắt đầu có sàng lọc. Họ đo lường bằng những gì mình tin chứ không phải những gì truyền thông nói. Đa số những người làm truyền thông đang không nhận ra điều này vì họ nghĩ họ được độc quyền nói nên những gì truyền thông bây giờ đang làm là sự “bóc ngắn cắn dài”.

Tất nhiên bây giờ cũng có nhiều trang tin mạo danh truyền thông, báo chí nhưng rõ ràng khi độc giả mà không tin nữa thì đến một ngày nào đó sẽ chết. Việc phong danh xưng ồ ạt cho nghệ sĩ thì sự dễ dãi đó sẽ dẫn đến một vài hay hàng loạt "cái chết". Niềm tin là thứ không thể đánh lừa mãi!

Nghệ sĩ dựa vào truyền thông để PR tên tuổi, điều này không xấu nhưng nếu truyền thông "tiếp tay" cho những trường hợp không tài năng, chỉ có chiêu trò thì là "tội". "Nếu người đọc không nhận thức được thì một phần trách nhiệm lớn ở truyền thông bởi họ đã không đưa ra những thông tin xác thực, o bế những người không xứng đáng lên tầm cao mới làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, văn hóa của người đọc", Phan Anh nói.

(Còn nữa...)
 
>> Hồ Hà bất ngờ bàn luận vụ Mr Đàm "không xứng ông hoàng nhạc Việt"
>> Đàm Vĩnh Hưng chưa bao giờ là "người quyền lực nhất showbiz"

Theo Thùy Dương (Báo Gia Đình & Xã Hội)

Nổi bật