Tại Trung Quốc, hợp đồng thương mại quảng cáo được xem là "mỏ vàng" kiếm tiền của giới nghệ sĩ. Ngôi sao càng nổi tiếng, thương hiệu họ làm đại diện càng cao cấp và thù lao càng hấp dẫn. Bên cạnh hợp đồng thương mại loại A, người nổi tiếng xứ tỷ dân còn nhận quảng cáo cho nhóm thương hiệu bình dân để có thêm thu nhập và tăng độ phủ sóng hình ảnh. Điều này cũng kéo đến 1 vấn đề nổi cộm là tình trạng các ngôi sao trong showbiz quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng và phi pháp.
Khi 1 nghệ sĩ sử dụng sức ảnh hưởng của mình cho mục đích thương mại không minh bạch và đúng đắn, hậu quả không chỉ dừng lại ở mức "sai sót nghề nghiệp", đó còn là 1 vết cắt vào lòng tin công chúng và nghiêm trọng hơn là đối mặt với trách nhiệm pháp lý, gánh chịu hình phạt từ luật pháp.
Cái giá cho các ngôi sao nhận quảng cáo bừa bãi
Theo quy trình, khi nhận được lời mời, bộ phận quản lý của người nổi tiếng sẽ phải xem xét giá trị thương mại và uy tín của nhãn hàng, mức cát-xê, sản phẩm có phù hợp với hình ảnh của ngôi sao, hàng hóa có đảm bảo an toàn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay không... trước khi ký kết hợp đồng.
Thế nhưng, có 1 sự thật đáng buồn là không ít người nổi tiếng đều rút ngắn giai đoạn. Họ chủ yếu nhìn vào giá trị thù lao cao để ký hợp đồng mà ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm hay hoạt động kinh doanh của đối tác. Việc đánh đổi niềm tin để chạy theo lợi nhuận trước mắt, bất chấp những hệ lụy tiềm ẩn nếu vô tình nhận quảng bá những mặt hàng kém chất lượng, thậm chí gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, khiến không ít ngôi sao Hoa ngữ bị "ngã ngựa", hứng chỉ trích dữ dội từ dư luận.
Tháng 5/2022, nữ diễn viên Cảnh Điềm bị cơ quan Giám sát thị trường thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) xử phạt 7,2 triệu NDT (hơn 25 tỷ đồng) do vi phạm luật quảng cáo. Theo tờ Hoàn Cầu, "Đệ nhất mỹ nữ Bắc Kinh" đã tiếp thị cho sản phẩm "thần kỳ hóa" quá lố về công dụng mà chưa từng được cơ quan chức năng nào kiểm nghiệm. Ngoài nộp phạt, nữ diễn viên còn bị "cấm vận" không được phép nhận quảng cáo mới trong vòng 3 năm.
Cảnh Điềm cũng là minh tinh hạng A đầu tiên trong lịch sử showbiz Trung Quốc chịu chế tài của pháp luật cho hành vi quảng cáo không đúng sự thật, giới thiệu tới công chúng 1 sản phẩm kém chất lượng.
Dù đã lên tiếng xin lỗi, Cảnh Điềm vẫn chịu tác động nặng nề sau khi bê bối nhận quảng cáo bừa bãi bị phanh phui. Khi cơ quan chức năng công bố sai phạm của Cảnh Điềm rộng rãi trên truyền thông, các nhãn hàng như Dior hay Ánh Trăng Xanh đều có động thái cắt đứt quan hệ hợp tác với nữ diễn viên bằng cách xóa bài quảng bá liên quan đến mỹ nhân này trên trang chủ.
Ngoài Cảnh Điềm, nam diễn viên hài Lý Đản cũng bị phạt 135.000 USD (hơn 3,4 tỷ đồng) vì quảng cáo nội y phụ nữ bằng từ ngữ thô tục, xúc phạm nhân phẩm và phân biệt giới tính. Danh sách dàn sao quảng cáo và buôn bán sản phẩm "gian dối", lừa đảo lòng tin của người tiêu dùng còn có các cái tên như Lưu Thi Thi làm đại diện cho loại dầu gội gây rụng tóc, Trần Chí Bằng nghi bán vàng giả, Trịnh Khải và Mã Y Lợi làm người đại diện cho thương hiệu trà sữa nằm trong đường dây kêu gọi đầu tư lừa đảo...
Thậm chí, có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đẩy người nổi tiếng vào vòng lao lý. Gây phẫn nộ nhất là vụ người mẫu Quách Mỹ Mỹ bán thuốc giảm cân, kẹo ăn kiêng chứa chất cấm Sibutramine. Theo truyền thông Trung Quốc, chất này có thể gây ức chế cảm giác thèm ăn nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ khiến người sử dụng mắc bệnh tim mạch. Quách Mỹ Mỹ sau đó bị tòa án Thượng Hải (Trung Quốc) kết án 2 năm 6 tháng tù giam và phạt 200.000 NDT (hơn 708 triệu đồng).
Nghệ sĩ dính bê bối quảng cáo xin lỗi thôi là chưa đủ!
Theo tờ Sohu, thống kê của Cục công an thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết đường dây tội phạm lừa đảo trong ngành quảng cáo ở Trung Quốc tăng gấp 2 kể từ năm 2018. Giá trị tang chứng thu giữ được trong các vụ việc luôn vượt mức 15 triệu USD (hơn 390 tỷ đồng), với hàng nghìn nạn nhân bị lừa gạt. Trong đó, có không ít tội phạm kinh tế còn trà trộn vào ngành công nghiệp livestream, và lợi dụng tên tuổi nghệ sĩ để thực hiện hành vi phạm pháp, gian lận lừa đảo.
Khi xảy ra scandal liên quan đến các thương hiệu, phần lớn ngôi sao thường đưa ra lời xin lỗi và hứa hẹn nghiêm khắc hơn trong công việc. Tuy nhiên, truyền thông và đặc biệt là cơ quan chức năng xứ tỷ dân đánh giá lời xin lỗi của nghệ sĩ là vô giá trị. Họ cần phải chịu trách nhiệm cho thái độ tắc trách, hời hợt trong việc nhận hợp đồng quảng cáo mà không tìm hiểu kỹ càng về đối tác lẫn sản phẩm. Hành vi "nhắm mắt ký hợp đồng", thiếu khâu kiểm định chất lượng sản phẩm, phó mặc mọi thứ vì lợi nhuận về tay của giới nghệ sĩ, đã khiến không ít khán giả vì tin tưởng thần tượng mà rơi vào hoàn cảnh "tiền mất tật mang".
Vì vậy, cuối năm 2021, giới chức Trung Quốc đã ban hành quy định gắt gao cho người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chấn chỉnh tình trạng bát nháo, nhận quảng cáo bừa bãi. Theo luật quảng cáo ở Trung Quốc, nghệ sĩ chưa từng sử dụng sản phẩm mà vẫn tung hô và tuyên truyền, có thể bị quy tội lừa dối và xâm phạm lợi ích người tiêu dùng nếu bị phát hiện quảng cáo hàng hóa kém chất lượng gây tổn hại đến sức khỏe, kinh tế của người mua.
Không chỉ vậy, Luật quảng cáo Trung Quốc nếu rõ người đại diện thương hiệu nếu chưa tìm hiểu kỹ hoặc biết sản phẩm kém chất lượng, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhưng vẫn nhận quảng cáo sẽ chịu liên đới khi xảy ra vấn đề. Người bị phát hiện sai phạm sẽ chịu phạt hành chính, chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị cấm nhận quảng cáo mới trong vòng 3 năm.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án tối cao Trung Quốc cũng áp mức xử phạt nặng với các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng hay tiếp tay cho thương hiệu có dấu hiệu "lùa gà" lừa đảo. Đó là lý do vì sao Quách Mỹ Mỹ không được giảm án dù chủ động nhận tội, cung cấp bằng chứng về đường dây sản xuất thuốc giảm cân, kẹo ăn kiêng có chứa chất cấm cho cảnh sát. Ngay cả mỹ nhân hạng A Cảnh Điềm cũng không thoát khỏi án phạt "cấm vận" chưa từng có tiền lệ của cơ quan chức năng vì hành vi quảng cáo sai sự thật.
Trên tờ Tân Hoa Xã, nhà xã hội học Vương Mặc Linh cho biết người nổi tiếng không chỉ đại diện cho sản phẩm mà còn đại diện cho lòng tin, uy tín và danh dự. 1 lời giới thiệu sai của họ có thể khiến hàng trăm nghìn người rơi vào rủi ro. Do đó, nghệ sĩ cần tỉnh táo trước cám dỗ cát-xê, thẳng thừng từ chối những quảng cáo không phù hợp và có dấu hiệu bất ổn. Nhận quảng cáo sản phẩm dễ dãi, người nổi tiếng không chỉ đánh mất giá trị bản thân, gây ảnh hưởng đến sự nghiệp mà còn có thể vướng vòng lao lý.
Theo Vương Mặc Linh, 1 nghệ sĩ không thể biện minh rằng họ "không rõ chất lượng sản phẩm”, hoặc rằng "chỉ đọc kịch bản do nhãn hàng soạn sẵn". Công chúng ngày nay đủ tỉnh táo để suy xét vấn đề. Hơn nữa, khi đã làm sai, người có sức hưởng không thể trốn tránh trách nhiệm bằng sự ngây thơ. Việc nói rằng bản thân "không biết" không thể được xem lý do mà chỉ là bao biện cho sự dễ dãi của họ trong công việc.
Theo Vy Anh (Nguoiduatin.vn)