- Nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch nói Quân đội, càng ngày Quang Tèo càng đắt show?
Trước đây, chủ yếu diễn ở nhà hát, 1 tháng chúng tôi làm 1 vở kịch. Mỗi năm, nhà hát sẽ có chuyến công tác kéo dài từ hai 2-3 tháng trải dài các tỉnh miền Trung, Nam, biển đảo, vùng núi.
Sau khi về hưu, có tháng tôi vắng nhà khoảng 25 ngày, tháng ít hơn cũng tầm 15 ngày. Tôi vừa hoàn thành bộ phim Đại gia chân đất, chưa kể còn chạy show các tỉnh.
Show diễn dày đặc, lại không có trợ lý nên tôi thường ghi lịch quay vào ghi chú điện thoại. Bao lâu nay đi diễn tôi toàn tự lái xe, tự làm mọi thứ. Tôi quan niệm không có gì quý hơn độc lập tự do.
Hơn nữa, nếu tôi tự làm cũng đỡ tốn kém, tiết kiệm chi phí một phần cho mình, cho cả người mời mình. Chưa kể những hôm quay xa nhà, thuê khách sạn nghỉ lại thêm một phòng nữa, phức tạp lắm. Vì vậy, tôi chọn cách ghi tất cả lịch diễn vào trong lưu trú của điện thoại, sau đó đến lịch giở ra. Nếu lịch quay trùng nhau, tôi sẽ cố gắng trao đổi với quản lý đạo diễn chỉ cho quay đến 5h chiều để tối còn kịp chạy show.
Ghi vậy thôi mà vẫn có lúc nhận trùng lịch không hề hay biết, cũng may đều xử lý được. Có nhiều hôm vắt chân lên tận cổ, vất vả lắm.
- Đã đến lúc anh nghĩ tới việc phải nghỉ ngơi?
Tôi làm nghề chủ yếu theo đam mê, thứ hai vì là khán giả yêu thích, thứ nữa là đạo diễn thấy phù hợp vai nên họ mời.
Mọi năm dịp Tết tôi quay 6, 7 phim, năm nay ít hơn. Khán giả thường lo tôi đang đóng phim này lại sang đóng phim bên kia, sợ sẽ có sự trùng nhau. Thật ra, mỗi người một tính cách, mỗi nhân vật một tính cách, khắc họa khác nhau.
Nhiều người đồn tôi thu tiền tỷ do đóng phim hài Tết. Làm gì có chuyện đó! Tôi thừa nhận mình có thu nhập từ việc diễn bởi là người chăm chỉ nhưng tiền tỷ cho mùa đóng phim hài Tết thì không có.
Nghề diễn cực vất vả, lại là nghệ sĩ chiến sĩ nên càng cực, nếu không yêu nghề chắc chắn tôi đã bỏ rồi. Nhiều người cùng trang lứa với tôi từng bỏ nghề. Tôi cố gắng vượt qua những khó khăn ấy, bây giờ cuộc sống khá hơn.
Quan điểm với nghề diễn của tôi như Bác Hồ từng nói: “Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, mặt trận tư tưởng”.
Những người nghệ sĩ đứng trên sân khấu như ông hoàng bà chúa, mang cho mình một phong cách sao cho đàng hoàng vì đã là người của công chúng. Thế nên tôi rất tự hào về nghề này, còn sức khoẻ là còn diễn.
- Nghệ sĩ chạy show tỉnh dày đặc như anh hẳn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhất là diễn ngày Tết?
Hơn 10 năm trước, tôi chạy show ngày 30 Tết ở Hạ Long với bạn thân Giang Còi. Ban đầu tôi định không đi, ở nhà đón Giao thừa với vợ con. Ban tổ chức ra giá cát-sê 10 triệu đồng. Nghĩ bụng người thường đi làm 2-3 tháng mới kiếm được số tiền đó, trong khi mình chỉ cần 1 buổi diễn nên tôi đồng ý. Kết thúc chương trình, tôi và Giang Còi tìm bầu show nhận tiền phát hiện người này đã bỏ chạy.
Đêm Giao thừa, trời mưa phùn lạnh, cả hai lang thang khắp ngõ ngách khu vực Hòn Gai - nơi tổ chức sự kiện để tìm người nhưng không thấy. Cuối cùng, tôi vào công an phường trình báo sự việc. Cán bộ ở đây thương tình, mời ăn bánh chưng cho ấm bụng. 5h30 sáng mùng 1 tôi bắt xe khách, gần trưa mới về tới nhà ở Hà Nội.
Cuối năm, nghệ sĩ thường nhận lời tham gia các sự kiện tất niên, tổng kết. Không ít lần, tôi đang diễn trên sân khấu, bên dưới khán giả ăn uống, reo hò, chẳng ai theo dõi. Ban đầu tôi tủi thân, thấy như bị xúc phạm. Sau dần, tôi rút kinh nghiệm, bàn bạc với ban tổ chức để nghệ sĩ diễn xong mới khai tiệc. Như vậy, khán giả được thưởng thức nghệ thuật mà nghệ sĩ cũng được trân trọng.
Đi diễn ở vùng quê, khán giả yêu quý cứ xin chụp ảnh. Có người còn kéo về ăn cơm, uống rượu, tôi từ chối họ mang gà, thuốc lào… biếu.
- Thời gian rảnh không phải chạy show, anh thường làm gì?
Những ngày không có lịch trình công việc, tôi dành phần lớn thời gian ở nhà, xem tivi, cập nhật tin tức. Tôi có thể ngồi cả ngày bên ấm trà và ngắm cây cối. Vợ con thấy tôi đi suốt, hôm nào được nghỉ lại lấy làm lạ. Tôi phải xin phép để được ở nhà (cười).
- Có quá ít thời gian cho gia đình, vợ con anh là người rất thiệt thòi?
Vợ chồng tôi có quan điểm rõ ràng, cô ấy làm công việc ở nhà, nội trợ, cơm nước, lo cho con cái ăn uống, học hành, đối nội, đối ngoại. Tôi đi làm, lo cho cuộc sống gia đình. Gần 40 năm làm nghệ thuật, vợ là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm "cày cuốc".
12 năm sống với nhau không có con mà chúng tôi còn duy trì tình cảm đến khi có con, tình cảm càng tốt đẹp, bền chặt hơn. Bằng mọi cách mình phải giữ tổ ấm, vợ trông con cái để chồng yên tâm đi làm.
Nói như vậy để đủ thấy tính kiên định của tôi về mặt đạo đức. Nghề của tôi lại là nghề có nhiều cám dỗ xung quanh, rất nhiều phụ nữ xinh đẹp, tôi sống trong môi trường như thế nhưng vẫn giữ được mình. Tất nhiên, vợ và con có chút thiệt thòi vì tôi thường đi làm triền miên nhưng tất cả đều phải chia sẻ với nhau mới bền chặt.
Tôi hạnh phúc vì diễn tới 30 Tết, về tới nhà là đầy đủ mọi thứ, chỉ việc đóng bộ hôm sau chúc Tết nội ngoại bạn bè.
Quang Tèo, tên thật là Nguyễn Tiến Quang, sinh năm 1962 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa Chèo, trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật - Quân đội). Nghệ sĩ bắt đầu sự nghiệp diễn chèo, sau chuyển sang Nhà hát Kịch nói Quân đội năm 1986.
Quang Tèo nổi tiếng nhất với lĩnh vực hài kịch, gắn liền những vai nông dân trên sân khấu, màn ảnh. Anh từng là cặp bài trùng với nghệ sĩ Giang Còi, tạo nên nhiều tiểu phẩm được khán giả yêu thích. Năm 2012, Quang Tèo được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Theo Tình Lê (VietNamNet)