Trần Bình Trọng quen mặt với khán giả qua những vai dân dã, lúc là nông dân, khi lại là anh xe ôm, bảo vệ…Dù vóc dáng nhỏ bé, trên màn ảnh vừa nhí nhố, vừa lấc cấc, nhưng ngoài đời Bình Trọng lại khác hẳn.
Anh là "ông trùm làng hài Tết" khi sản xuất và đạo diễn hàng loạt phim như Đại gia chân đất, Làng ế vợ,…Ngoài ra, anh có cuộc sống sống viên mãn bên vợ từng lọt vào chung kết Hoa hậu Việt Nam 2002.
Người ta gọi anh là “ông trùm hài Tết” và rất giàu nhờ làm dòng phim này?
Đó là tin đồn thôi, tôi làm phim chưa bao giờ lỗ nhưng không giàu. Năm 2022, tôi lỗ khi làm phim Đại gia Chân đất 13. Mọi năm, sau khi trả cát-sê cho nghệ sĩ, hậu kỳ và các bộ phận, tôi cũng dư ra khoảng 200 triệu đồng, năm nay không còn đồng nào.
Tôi từng định không làm hài nữa, nghỉ ngơi vài năm vì cũng cạn kiệt sức sáng tạo. Nhưng khi tôi và nghệ sĩ Quang Tèo đi diễn, nhiều người hỏi: ''Có hài Tết chưa anh, nếu không có Đại gia chân đất và Làng ế vợ thì còn gì là Tết''. Sự yêu quý của khán giả là năng lượng tốt để chúng tôi tiếp tục.
Vài năm trở lại đây, hài Tết được chiếu nhiều trên YouTube, doanh thu của anh thế nào?
Trước kia, kênh YouTube của tôi do một đơn vị quản lý, lợi nhuận được chia đôi. Dịp Tết được khoảng 100 triệu, thời điểm khác khoảng 20 triệu/tháng. Đó là tận thu thôi, tài chính chủ yếu là từ các đơn vị tài trợ.
Tôi có những người bạn, đơn vị tài trợ năm nào làm phim cũng đầu tư. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên doanh thu quảng cáo phim Tết gần đây mất đi một nửa.
Nhiều đơn vị kêu nhà tài trợ hay can thiệp vào nội dung phim, nhiều khi còn “bùng” dù đã hứa, anh có gặp tình huống đó?
Tôi chưa gặp chuyện này, họ hứa tài trợ là sẽ làm, chỉ là ít hay nhiều thôi. Có thể khi ngồi nói chuyện, nhà tài trợ bảo đầu tư 100 triệu, nhưng đến lúc làm lại xin bớt, mình cũng chấp nhận rồi “liệu cơm gắp mắm” cho ra sản phẩm tốt.
Nếu có sức, tôi có thể làm phim cả năm nhưng tôi không có hứng làm nhiều vì nhận ra sức sáng tạo đang bị "bào mòn", cảm xúc đang bị cùn đi. Làm phim không phải như một người thợ, muốn là làm được.
Nghe nói những tình huống hài hước về gia đình trong phim của anh lấy cảm hứng từ người vợ chân dài?
Đấy, cạn ý tưởng tới mức mang cả chuyện nhà của mình lên phim (cười). Nhưng, nếu ai xem phim của tôi cũng sẽ thấy chuyện gia đình họ trong đó. Những tình huống hài châm biếm nhẹ nhàng, khi xem vợ tự rút ra kinh nghiệm cho mình rồi bớt ghen hơn, lãi thế còn gì. Vì làm phim, tôi đã “chữa được bệnh ghen” cho vợ (cười).
Nghĩa là anh từng bị vợ đuổi đánh trốn sang nhà hàng xóm – như trên phim?
Năm 2002, tôi làm trợ lý cho ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam, có dịp làm việc với các thí sinh xuất sắc trong đêm chung kết. Sau một thời gian, khi đang đi trên đường ở Hà Nội, tôi gặp một thí sinh từ cuộc thi năm đó. Cô gái đó nhận ra tôi, chào hỏi niềm nở, tôi không nhận ra nhưng giả vở như quen thật. Duyên số đưa đẩy, chúng tôi nên duyên sau 3 năm tìm hiểu.
Thuở ban đầu, cô ấy thể hiện tình yêu hơi thái quá, cuồng yêu, hay ghen. Trước kia, ở căn nhà cũ, tôi thường mở cửa cho mấy ông bị đuổi chạy sang trốn, lúc sang nhà mới, đôi lần tôi cũng phải xin hàng xóm mở cửa cho vào (cười).
Vợ hay ghen nên khi mời bố anh – NSND Trần Nhượng - về ở cùng, ông ngại vì sợ chứng kiến cảnh “lục đục”?
Bà xã phụ giúp công việc của công ty, hiểu công việc nên tôi có dàn người đẹp vây quanh cũng không ghen nữa.
Cô ấy biết lo lắng, tháo vát chuyện gia đình. Tôi không khéo ăn nói nên chẳng nịnh được câu nào, cô ấy hiểu tính nên nhiều khi bỏ qua nhiều điểm xấu của chồng.
Bố tôi từ lâu quen ở một mình. Tết đến, mời ông sang ăn bữa cơm tất niên cũng từ chối, kêu bận. Nhưng có lần, ông tự làm cơm tất niên gọi vợ chồng tôi sang ăn. Già rồi, bố tôi sống rất cảm hứng, nhiều khi muốn Tết đoàn viên cũng khó nhưng tôi tôn trọng quan điểm sống của bố.
Theo Tình Lê (VietNamNet)