NSƯT Hạnh Thúy được khán giả biết tới nhiều qua những vai phụ nữ cam chịu, khắc khổ trong các phim "Dòng sông định mệnh", "Cái bóng bên chồng", "Hương bưởi"...
Không chỉ là một diễn viên đa năng, hoá thân được nhiều loại vai có các tính cách khác nhau, Hạnh Thúy còn là một đạo diễn sân khấu có tài.
Là nghệ sĩ ít giày dép, quần áo, túi xách nhất showbiz Việt
Chị từng nhận xét về mình là người keo kiệt và khắc nghiệt. Tại sao chị lại nói như vậy?
Thực ra là có lý do. Tôi không bao giờ phung phí tiền bạc. Món đồ đắt tiền nhất tôi từng mua là chiếc iPhone 24 triệu và cũng là lần duy nhất.
Gần 20 năm nay, tôi vẫn trung thành với một chiếc xe và không có nhu cầu đổi mới. Tôi gần như không bao giờ lên kế hoạch đi du lịch. Mọi chuyến du lịch của tôi thường kết hợp với công việc. Cũng có người cho vậy là không phung phí nhưng tôi nghĩ đó là keo kiệt.
Chẳng hạn, tôi chạy xe hơi nhưng nếu hai quán cơm sát nhau, một quán 25.000 đồng và một quán 30.000 thì tôi sẵn sàng vào quán 25.000 nếu ngon như nhau. Nhiều người bảo, chị là nghệ sĩ lớn sao phải làm như vậy nhưng tôi không vì sĩ diện mà ăn ở quán kia, dù nó chỉ đắt hơn 5.000 đồng.
Con gái tôi muốn uống trà sữa. Nếu uống một lần cho biết thì tôi đồng ý nhưng sẽ không bao giờ tôi uống lại vì nó quá đắt tiền. Chỉ là một ly nước thôi, không đáng để phung phí như vậy.
Nhiều người phải có một cuốn sổ để xem hôm nay chi bao nhiêu, thu bao nhiêu còn tôi không bao giờ cần tới cuốn sổ đó vì tất cả những khoản tôi chi đều là những thứ cần thiết và không có gì uổng phí.
Tôi cũng không bao giờ cho mình thời gian hưởng thụ. Tôi luốn cố gắng hết sức cho vai diễn của mình và cảm thấy không thoải mái khi làm việc với người không cùng quan điểm. Đó là khắc nghiệt.
Tự nói về mình như thế, chị có "khắc nghiệt" quá với bản thân không?
Tôi keo kiệt và khắc nghiệt với chính bản thân mình. Còn với người khác, tôi nghĩ mình thuộc dạng xài được. Tôi thuộc dạng nghệ sĩ ít giày dép, ít quần áo, ít túi xách nhất showbiz Việt. Tôi làm rất nhiều nhưng chỉ có hai thứ không bao giờ có là tiền và thời gian.
Và tôi biết, hậu vận của tôi không phải là đại gia nên tôi cứ sống vậy là tốt rồi. Nếu muốn giàu có thì phải đánh đổi nhưng tôi không có nhu cầu đó. Trước kia và bây giờ, tôi vẫn chỉ cần sức khoẻ và đủ ăn là được.
Không cho người khác có cơ hội chơi xấu mình...
Cảm giác của tôi về chị ngay lúc này là người yêu ghét rõ ràng, sống chân thành với chính mình. Biết mình cần gì, có gì và muốn gì. Đó thực sự là một điều tốt nhưng trong nghề này, rất có thể sẽ gây cản trở cho chị. Chị có nghĩ vậy không?
Tôi là người sống an toàn và thẳng thắn. Thích thì ở lại, không thích là đi về, không tiếc gì hết. Đi làm việc cũng vậy, nếu cảm thấy ở đó mình không an toàn, có gì đó lấn cấn hay tâm lý không hoà hợp là tôi không làm nữa.
Dĩ nhiên với tính cách đó, cơ hội làm việc của mình sẽ giảm đi nhưng tôi thuộc dạng an toàn tới phát chán. Nhiều lúc tôi còn thấy chán chính mình vì an toàn quá.
Để được an toàn, nhiều lúc tôi biết, mình sẽ mất đi một số tiền lớn, một cơ hội lớn nhưng khi làm bất cứ điều gì tôi đều nghĩ tới rủi ro. Rủi mà cái việc đó không ổn, mình sẽ lãnh hậu quả rất lớn. Và khi nghĩ tới hậu quả thì tôi không thấy hối tiếc vì cái mất cơ hội nữa.
Một người sống an toàn quá thường không nhiều bạn?
Thật ra, tôi thuộc dạng lười giao thiệp. Trong danh sách làm việc của tôi có hơn 800 người nhưng khi cần nói chuyện, muốn rủ ai đó đi cà phê, đi chơi... tôi không biết gọi ai.
Không lẽ trong hơn 800 người bạn trong danh bạ điện thoại của chị, không có nổi một người để chị có thể chia sẻ?
Cho dù có nghĩ tới ai đấy thì ngay sau đó, tôi sẽ nghĩ, chắc giờ này nó đang quay, đang nghỉ ngơi... Nghĩ thế tôi lại không gọi. Tuy nhiên vì mình không quá thân thiết, không quá tin tưởng nên mình không bao giờ bị đổ vỡ, bị tổn thương quá lớn về bất cứ ai hay với bất cứ việc gì.
Khi biết tính từng người, tôi đã lường trước được, với người này thì những chuyện gì có thể sẽ xảy ra khi mình chơi với họ. Vì thế, việc không quá thân thiết sẽ giúp tôi tránh được cơ hội họ chơi xấu mình.
Nói chung, tôi hay nguỵ biện lắm... (cười)
...nhưng vẫn bị qua cầu rút ván!
Từ nguỵ biện có vẻ hơi nặng nề. Tại sao chị lại dùng từ đó cho mình? Có ví dụ nào cụ thể không?
Có một công ty làm phim mới thành lập. Họ nhờ tôi ở vai trò đạo diễn. Công việc của đạo diễn là setup đoàn phim. Ê-kíp có đầy đủ từ âm thanh, ánh sáng, quay phim đến diễn viên...
Lúc tôi làm việc này, tôi nghĩ: "Mình setup xong hết thì người ta đâu cần mình nữa, họ có thể thay thế đạo diễn bằng người khác, giá rẻ hơn mình". Và ngay lập tức, điều đó xảy ra. Nguyên cái ê-kíp đó, họ chỉ thay đúng đạo diễn là tôi.
Vấn đề là dù mình biết điều đó có thể xảy ra nhưng vẫn làm. Và tôi nguỵ biện bằng cách nghĩ, mình cho người ta cái này thì sẽ có người khác cho lại mình cái khác. Thỉnh thoảng, tôi vẫn được người khác giúp một cách vô điều kiện thật (cười).
Tôi nghĩ nên gọi nó là AQ thì hợp hơn là hai chữ nguỵ biện. Dù nghĩ tích để không bị sốc nhưng hẳn là chị có buồn chứ?
Cảm giác đó không phải là buồn mà là đổ vỡ. Tôi đã nói thẳng với họ là, "khi chị setup đoàn xong, em sẽ không mời chị". Bạn đó nói, "sao chị lại nói vậy, sao em có thể làm như vậy được" nhưng cuối cùng thì bạn đó đã làm y chang. Sau đó bạn ấy cũng chẳng gọi điện thoại, chẳng nói gì hết.
Chị có được nhận phần thù lao cho việc setup đoàn phim không?
Dĩ nhiên là không. Tôi là kiểu người, nếu nhịn được sẽ ngậm họng luôn, không bao giờ nói. Nhưng đã nói thì sẽ nói thẳng và không sợ người ta buồn. Chính vì thế, tôi hay bị "thần khẩu hại sắc phàm" hay còn hiểu đơn giản là cái miệng hại cái thân.
Ý chị là, nếu chị không nói ra nguy cơ bị chơi xấu thì điều đó đã không xảy ra?
Không. Tôi nghĩ rằng chuyện đã xảy ra như vậy, có buồn có khóc cũng chẳng giải quyết được gì nên khi chuyện đã qua, tôi không nghĩ lại. Nhiều người nói tôi là người sống không có quá khứ, chỉ có tương lai và hiện tại.
Có lẽ họ nói đúng. Ví dụ, một bộ phim vừa quay xong, đóng máy là ngay lập tức tôi đã không nhớ đó là phim gì, không nhớ cả nhân vật mình vừa đóng... cho tới khi có người khác nhắc lại.
Chuyện vui cũng vậy, chuyện buồn cũng vậy, chuyện xui, hên, bực bội cũng vậy.
Có lẽ vì "dễ quên" nên cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn. Thành công hay thất bại. Hạnh phúc hay đau khổ cũng sẽ khiến mình an nhiên. Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Hạnh Thúy từng biểu diễn và dàn dựng cho Nhà hát 5B Võ Văn Tần, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, sân khấu kịch Hồng Vân và tham gia nhiều vai diễn trong các bộ phim điện ảnh cũng như truyền hình.
Hạnh Thúy từng đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc trong phim điện ảnh "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Vở kịch "Dòng nhớ" do chị phóng tác và đạo diễn từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư từng đạt 7 giải thưởng tại Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009. Trong 7 giải thưởng đó, Hạnh Thúy được vinh danh ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc.
Theo Cao Thanh Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)