NSƯT Hạnh Thuý: 'Đám con gái trong lớp chuyên qua nhà ủi tiền cho thầy Minh Nhí'

24/11/2017 10:47:56

"Việt Hương thông minh, ủi tiền phẳng lì, xếp tiền mới ra tiền mới, tiền cũ ra tiền cũ, mặt nào đi mặt đó nên thầy Minh Nhí cưng lắm", Hạnh Thuý nhớ lại.

Hạnh Thuý là cái tên quen thuộc với khán giả cả nước trong vai trò một diễn viên hài, diễn viên sân khấu kịch và điện ảnh. Ngoài ra chị cũng nổi tiếng với vai trò tác giả và đạo diễn sân khấu ở Sài Gòn từ nhiều năm nay.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, NSƯT Hạnh Thuý thỉnh thoảng lại nói "tôi là người an toàn tới phát chán nên nếu sau khi bạn phỏng vấn mà không có gì để viết thì cũng không sao cả".

Kỳ thực, cuộc trò chuyện giữa tôi và chị diễn ra vô cùng thú vị. Chị mở lòng chia sẻ thẳng thắn mọi câu hỏi từ gai góc đến riêng tư của tôi.

Tuổi thơ vác kiếm gỗ đi đánh lộn trong xóm...

Chị sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước tỉnh Bến Tre thì tuổi thơ của chị như thế nào?

Tôi may mắn vì được sinh ra, lớn lên và trưởng thành dưới quê. Tuổi thơ của tôi rất nhiều màu sắc. Hồi nhỏ tôi ở vườn, bắt cá, tát mương, té sông chết đuối... đều đã được trải nghiệm đủ.

Những trò nữ công gia chánh như bắn thun, nhảy dây... tôi chơi rất tệ nhưng trèo cây, vác kiếm gỗ đi chém lộn trong xóm thì luôn dẫn đầu trong đám con trai.

Trên tôi là anh Hai, dưới có một cậu em nên hầu như trò gì 3 anh em cũng chơi chung. Trong nhóm có mình tôi là con gái. Tới lớp 6, lớp 7, tôi vẫn ở trần đi đánh lộn với tụi con trai trong xóm bình thường. Thậm chí, 3, 4 đứa đang tắm sông, nghe anh Hai xúi, tôi lột quần trùm lên đầu tụi nó rồi cười.

Lúc đó tôi bắt đầu dậy thì. Mẹ nói con gái lớn rồi, không ở trần nữa nhưng tôi không nghe. Một hôm trời mưa, tôi vừa ở trần đi đánh lộn với tụi con trai về thì cô hàng xóm nói "trời ơi, con gái lớn còn ở trần hở ngực". Vì nhục câu đó mà tôi không bao giờ ở trần nữa.

Sau này, sợ bị nhắc lại chuyện cũ, sợ xấu hổ nên tôi không dám chơi, không dám nhìn mặt thằng con trai nào trong xóm. Và ngay cả những dịp ba anh em ngồi chơi với nhau cũng không ai nhắc chuyện xưa vì bản thân đứa nào cũng thấy mắc cỡ.

NSƯT Hạnh Thuý: 'Đám con gái trong lớp chuyên qua nhà ủi tiền cho thầy Minh Nhí'

Chị vừa nhắc đến chuyện ngã sông chết hụt. Trải nghiệm đó có khủng khiếp không?

Đó là lần đầu tiên tôi nhảy xuống nước cùng với cậu 5 và dì út. Hồi đó tôi mới 5, 6 tuổi còn chưa biết bơi.

Tôi vẫn nhớ cảm giác của lần chết đuối đó, nó chẳng những không khủng khiếp mà còn rất sướng. Khi chìm xuống, tôi nhìn lên thấy mọi người la hét. Cảm giác lúc đó là tôi đi bộ dưới nước. Nước rất đẹp, xanh biếc và có rong như ở biển, cá bơi tung tăng.

Tôi vừa đi vừa thở bình thường và trong đầu còn nghĩ: "sao ở dưới nước mà mình thở được, sao nó đẹp quá". Đang tính đi nữa thì có ai đó nắm đầu lôi lên và bị đá cho một phát lăn vào cửa, ộc nước, tỉnh luôn. Lúc tỉnh rồi tôi vẫn còn tiếc mãi vì đang thấy mọi thứ ở dưới nước đẹp quá.

Sau đó tôi nghe mẹ kể là, mẹ đang ngồi may, dì út và cậu 5 kêu "con Thi nó bơi giỏi quá, biết lặn luôn". Mẹ nói, nó không biết bơi và ba nhảy xuống cứu. Lúc đó ba nghĩ, đá cho nó một phát để ộc nước ra là tỉnh... và đúng là tôi tỉnh thật. 

Nhưng sau lần chết đuối hụt đó, chị có sợ không?

Không vì tôi thấy nó đẹp quá. Sau này tôi cũng biết bơi nhưng bơi không giỏi. Mấy anh em chơi sông, tôi bơi bị nước cuốn đi là chuyện bình thường nhưng bị hoài mà không tởn.

Tôi còn nhớ năm 12 tuổi, thấy khúc sông gần nhà có xoáy nước rất lớn, mấy anh em cứ bơi qua bơi lại. Nước càng siết thì bơi càng sướng vì độ nguy hiểm càng cao.

Có lần tôi bị nước cuốn đi 50 mét, bíu vào được cành cây, leo ngược trở lại bơi tiếp. Cả đám đều chơi như vậy, đưa nào cũng liều mạng...

Rồi leo lên bờ tường rất cao và đi trên đó. Cả đám bị người lớn chửi và đánh hoài mà đám con nít đứa nào cũng khoái đi vì cảm giác sướng lắm.

NSƯT Hạnh Thuý: 'Đám con gái trong lớp chuyên qua nhà ủi tiền cho thầy Minh Nhí' - 1

Hình như chị có máu liều trong người?

Cũng có thể. Tôi vẫn hay nói là tôi không sợ chết mà chỉ sợ nghèo và sợ không chết. Nếu té xuống biết chết thì tôi không sợ, chỉ sợ té xuống mà không chết, sống thực vật thôi.

Hồi học trường sân khấu, Tiết Cương hay chọc các bạn nữ, lôi mấy bạn ra ban công nắm chân thả đầu xuống rồi hù buông tay. Bạn nào cũng khóc cũng la hét, riêng tôi nói "anh thả xuống là em phải chết nha, em mà không chết là anh đền nha".

Nghe xong, Tiết Cương kéo lên bảo "mày nói làm tao mất hứng". Từ đó, Tiết Cương không bao giờ giỡn kiểu đó nữa.

Thường qua nhà ủi tiền cho thầy Minh Nhí...

Khi chị theo nghề diễn viên, gia đình có ai ủng hộ không?

Nhà không ủng hộ nhưng cũng không phản đối. Tất nhiên là mọi người cũng lo vì không biết sau này ra trường mình sống thế nào nhưng lúc đó vô trường sân khấu, học phí thấp còn những trường khác, học phí cao nên không dám thi.

Cuối cùng học xong ra, trường nợ lại Hạnh Thúy mấy chục ngàn vì năm nào cũng có học bổng. Nguyên lớp chỉ có vài bạn không có học bổng thôi, còn bạn nào cũng giỏi nên đều có học bổng hết.

Hạnh Thuý vai người mẹ trong MV "Mẹ" của ca sĩ nhí Võ Khánh Ngọc

Lớp K18M năm đó được xem là thành đạt nhất vì hầu như ai ra làm nghề cũng đều nổi tiếng?

Thật ra, lớp bị "rụng" rất nhiều. Lúc đầu là 25 người sau còn 20, đến khi tốt nghiệp thì chỉ có 8 người, gồm Hạnh Thúy, Việt Hương, Thúy Nga, Trần Bùm, Trọng Hiếu, Tiết Cương, Lê Chẩn và một bạn nữa mà giờ không nhớ được tên.

Anh Cao Minh Đạt và Thúy Hòa thì nghỉ trước đó vì ai cũng hoang mang, không biết khi ra trường sẽ làm gì. Khi anh Đạt nghỉ đi ra ngoài làm, sau một năm show nhiều mới quay lại với nghề.

Nói thật, tôi gần như không bao giờ dám nhắc là học trò thầy Minh Nhí. Vì thầy dạy nguyên đám, đứa nào cũng nổi tiếng chỉ có mình tôi là kém nhất.

Hồi năm 2005, anh Cao Minh Đạt là soái ca phim truyền hình. Còn Việt Hương, Thuý Nga đã là cây hài nữ, quái kiệt. Tiết Cương cũng đã có nhóm hài riêng chỉ có mình tôi cứ lẹt đẹt... nên không dám nhắc là học trò thầy Minh Nhí, sợ nhục cho thầy.

Trong chương trình Nghệ sĩ đối thoại vừa rồi, 3 thầy trò nghệ sĩ Minh Nhí – Việt Hương – Tiết Cương đã chia sẻ nhiều kỷ niệm thời sinh viên. Còn chị, nhớ lại những ngày ấy, chị bị ấn tượng bởi điều gì?

Ngày xưa học trò ngoan lắm. Đám con gái trong lớp chuyên qua nhà ủi tiền cho thầy Minh Nhí. Việt Hương là người ủi tiền được thầy Minh Nhí thích nhất vì thông minh và lanh lợi, còn tôi cả đời không biết cầm xấp tiền ra sao.

Việt Hương ùi tiền phẳng lì, xếp tiền mới ra tiền mới, tiền cũ ra tiền cũ, mặt nào đi mặt đó nên thầy Minh Nhí cưng nó lắm. Còn Thuý Nga thì dọn dẹp nhà cửa nấu ăn.

Mấy đứa khác trong đó có Thuý ít qua nhà thầy nhất vì hồi đó bị mặc cảm mình ở dưới quê nghèo nên ít chơi với ai. Lâu lâu mới qua nhà thầy một lần.

NSƯT Hạnh Thuý: 'Đám con gái trong lớp chuyên qua nhà ủi tiền cho thầy Minh Nhí' - 2

"Mình tham và hèn nên buôn bán không được"

Nghe các anh chị kể, thời đó hầu như ai cũng khổ, không riêng gì ai. Chị có làm thêm công việc gì để cải thiện thu nhập và chi phí không?

Thời sinh viên, tôi ở nhà của bác. Bác cho mượn chỗ để bán rau, bán chuối nướng. Mà lúc đó mình tham và hèn lắm nên buôn bán không được.

Ví dụ mua bó rau 5.000 đồng, bán 7.000 đồng kiếm lời được rồi nhưng vì tham nên chia thành 3 bó nhỏ, bán 3.000 để lời nhiều hơn.

Hay bán chuối nướng một phần là một trái. Đáng lẽ mình cứ bỏ đúng 1 trái cho người ta nhưng vì tham, thấy một phần nhiều quá nên mỗi phần bớt lại 1 miếng. Bán 10 phần thì thêm được 1 phần, vậy là bị người ta chửi. Mới đầu tưởng rẻ, mua ủng hộ. Sau thấy đắt quá, không ai mua nữa. Vậy là cũng chỉ bán được vài ngày thì dẹp.

Lúc đó tại mình tham, máu gian thương nhiều quá. Lẽ ra phải đặt mình vào hai vị trí của người bán và người mua thì sẽ làm ăn được nhưng chỉ biết nghĩ cho mình, bòn được nhiêu thì bòn nên thua lỗ.

Nhưng tất cả những điều đó đều cho mình kinh nghiệm chứ không hề uổng phí. Sau này, khi làm gì cũng đặt mình ở nhiều vị trí để suy xét. Thậm chí trước khi muốn chửi ai, cũng đặt mình ở vị trí của người bị chửi để nghĩ tới cảm giác của họ. Và hiểu rằng, việc gì mình không muốn người ta làm với mình thì đừng làm với người ta.

Sau này chị có làm kinh doanh nữa không?

Có 1, 2 lần tôi kinh doanh nhà hàng quán xá. Lúc đầu, tôi bán quán bằng mối quan hệ. Tôi cũng bán được và đặt mình ở vị trí khách yêu cầu quán đẹp, đồ ăn ngon, phục vụ tử tế, giá cả hợp lý.

Tuy nhiên, bản thân tôi không có thời gian dành cho quán. Tôi cũng không có kỹ năng quản lý. Bài toán quản lý tiền ra tiền vào, độ trung thực của nhân viên thì mình không quản lý được nên dẹp quán.

NSƯT Hạnh Thuý: 'Đám con gái trong lớp chuyên qua nhà ủi tiền cho thầy Minh Nhí' - 3

Không thích công chúng nhìn nghệ sĩ là phải khổ, già, bệnh tật và cô đơn

Nghệ sĩ Bảo Chung có lần nói với tôi rằng, nghệ sĩ khi chưa có tên tuổi thì ai cũng khổ. Còn chị?

Tôi không thích người ta nhìn vô nghệ sĩ là nói, nghệ sĩ là phải khổ, về già là phải bệnh tật, cô đơn.

Cá nhân tôi nghĩ, cuộc sống này ai cũng có nỗi khổ riêng của mình, dù là doanh nhân, bác sĩ, nhà báo, người giàu hay người nghèo. Riêng nghệ sĩ, do đặc thù nghề nghiệp được công chúng ưu ái quan tâm nên vô tình phơi hết cái khổ ra cho công chúng thấy.

Vậy cái thời mà tên chị còn chưa ai biết tới thì chị sống thế nào?

Thu nhập chính của tôi là đi quay minh hoạ cho các băng karaoke, minh hoạ MV ca nhạc.

Show đầu tiên tôi làm là do Việt Hương giới thiệu, đi quay được 150.000 đồng. So với thời điểm đó, đây là mức cát-xê quá tốt. Một tuần quay được 2 lần là thoải mái sống. Ngoài ra, tôi còn kiếm sống bằng nghề làm mẫu cho nhiếp ảnh chụp hình. Trung bình 1 tuần 1 show.

Phim đầu tiên tôi đóng là "Trăng không mùa". Vai diễn trên sân khấu đầu tiên do anh Hữu Tín giới thiệu đóng kịch "Trong nhà ngoài phố" cùng anh Hồng Tơ.

Cú chạm với sân khấu đầu tiên là đi tấu hài cùng nhóm anh Bắc Hải một thời đình đám. Sau đó tôi chạy show với anh Hữu Phước, Nhật Cường, Mai Dũng...

Và cuối cùng, tôi về diễn kịch dài. Tôi vẫn kiếm sống được từ các show diễn một cách vất vả nhưng đủ để có một cuộc sống bình dị.

NSƯT Hạnh Thuý: 'Đám con gái trong lớp chuyên qua nhà ủi tiền cho thầy Minh Nhí' - 4

Thời tấu hài, nhiều danh hài kiếm mỗi ngày vài cây vàng. Còn chị thu nhập thế nào?

Nhóm trưởng lương nhiều chứ nhóm viên lương ít lắm. Ví dụ, một show được 500.000 đến 700.000 đồng thì nhóm viên mỗi người được 50.000 đồng.

Mà lúc đó, show nào được 50.000 đồng là cao lắm. Bình thường là chỉ 20.000 đến 30.000 đồng thôi. Mỗi đêm tôi kiếm được khoảng 100.000, cũng có đêm hơn.

Nói chung, tôi gói ghém nên đủ sống. Hồi đó báo chí cũng không xôn xao mấy chuyện siêu xe, hàng hiệu, nhà lầu như bây giờ nên thu nhập đó mình thấy sống ổn và không bị bối rối buồn rầu gì.

Chỉ cần mỗi ngày có show diễn, kiếm năm chục, một trăm ngàn tiền chợ còn ban ngày ở nhà nuôi con, đi quay tiểu phẩm, lâu lâu diễn sân khấu kịch là đủ thấy cuộc sống, công việc bình yên lắm rồi.

Cảm ơn chị đã chia sẻ và chúc chị luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc!

Hạnh Thuý sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bến Tre trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật.

Chị từng biểu diễn và dàn dựng cho Nhà hát 5B Võ Văn Tần, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, sân khấu kịch Hồng Vân và tham gia nhiều vai diễn trong các bộ phim điện ảnh cũng như truyền hình.

Hạnh Thuý từng đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc trong phim điện ảnh "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Vở kịch "Dòng nhớ" do chị phóng tác và đạo diễn từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư từng đạt 7 giải thưởng tại Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009. Trong 7 giải thưởng đó, Hạnh Thuý được vinh danh ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc.

Bên cạnh đó, Hạnh Thuý được biết đến là một diễn viên đa năng, hoá thân được nhiều thể loại vai: lão, hài, chính kịch với tính cách đa dạng. Hạnh Thuý được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú trong đợt phong tặng của Nhà nước năm 2015.

Theo Cao Thanh Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)