Minh Nhí kể thời huy hoàng, bao nhiêu tiền kiếm được anh đều vào vũ trường, quán bar tiêu sạch. Ngày đó, anh và Phương Thanh rất ngạo nghễ.
- Minh Nhí học đạo diễn nhưng lại thành công với vai trò diễn viên. Vì sao lại ngược đời như vậy?
- Tôi học khóa đạo diễn, chung lớp có Trần Cảnh Đôn, Xuân Phước, Minh Phượng, Hùng Lâm, Phú Hải… Tôi thường làm diễn viên cho các anh đạo diễn trong lớp và cả ở trường, riết trở thành diễn viên lúc nào không hay.
Sau này ra trường cũng chật vật lắm, chỉ có Đài truyền hình thành phố mà muốn có vai không dễ. Một anh biên tập cho tôi vai diễn của vở Cái móng ngựa của tác giả Mạc Can trong chương trình Trong nhà ngoài phố. Tôi vào vai bà “bóng” cho vay trả góp, tính cách chua ngoa và nhiều chuyện.
Qua đó, đạo diễn Hoa Hạ dựng Những đứa trẻ bụi đời, cho tôi một vai quần chúng và tôi tự khai thác nhân vật Minh đầu dế. Sau khi vở kịch được phát sóng, khán giả cười rần rần và từ đó tên tuổi của tôi bắt đầu được khán giả yêu thích. Cũng trong lúc đó, tôi và Thanh Thủy đóng vở Đứa con tiền kiếp cho một anh đạo diễn ở trường do thầy Nguyễn Văn Phúc làm cố vấn nghệ thuật.
Vì hiệu ứng của vở vượt ngoài mong đợi, người ta mời tôi và Thanh Thúy diễn ở sân khấu 5B, Idecaf cùng các tụ điểm quanh Sài Gòn. Giai đoạn những năm 1990, tôi gia nhập nhóm Mập – Nhí để diễn tấu hài, mỗi ngày chạy không dưới 10 show. Ngày cuối tuần còn đi Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Sau đó, tôi được Hãng băng Việt Nam mời làm các cuốn băng cassetteMinh Nhí lí lắc. Rồi tôi tất bật quay hài nhép miệng, vì thời đó rất thịnh. Ban ngày đi quay, thu âm, tối diễn, không có cả thời gian nghỉ ngơi. Hãng phim Phương Nam thời đó làm phim cổ tích do anh Nguyễn Minh Chung đạo diễn, vì nghe tiếng tăm của tôi nên mời đóng. Các em nhỏ giờ biết đến tôi cũng nhờ xem phim cổ tích.
Minh Nhí từng rất ghét nghệ danh của mình vì mặc cảm ngoại hình nhỏ con. |
- Minh Nhí đầu quân ở khắp các sân khấu kịch nổi tiếng Sài Gòn, cuối cùng anh cũng đã có sân khấu của riêng mình. Cảm giác đó ra sao?
- Tôi diễn ở 5B, sang Idecaf đến Phú Nhuận rồi giờ có sân khấu riêng. Giai đoạn tôi ở Idecaf là tay nghề của tôi hay nhất và có nhiều vở diễn đặc sắc: Bệnh sĩ, Vàng hay bạc nhái, Trùm lừa, Thuyền tình, Tình gần…Nhưng có lẽ, vì duyên của tôi với nơi đây đã hết nên cũng đến lúc tôi phải ra đi. Lúc đó, Phước Sang mở Kịch Sài Gòn, tôi về hỗ trợ nhưng khi sân khấu dần ổn định, tôi về chỗ Phú Nhuận của Hồng Vân với tư cách giám đốc nghệ thuật.
Mà ngày xưa tập kịch nghiêm khắc lắm, phải lao động cật lực, tập ròng rã hàng tháng trời mới được công diễn. Nhưng nhờ vậy mà các vở “sống” lâu, có thể lên đến 10 năm hoặc hơn nữa. Giờ nhiều chương trình, vở kịch chỉ cần ê-kíp ngồi ráp một chút rồi tối diễn. Tôi sợ kiểu làm việc như vậy, nếu đêm đó mình duyên dáng khán giả sẽ cười, nhưng lỡ có sự cố lại không biết cách ứng phó.
Các bạn trẻ giờ nói thì sợ giận, nhưng họ phải xem lại vì quá dễ dãi với bản thân. Họ được nổi tiếng nhanh quá nhưng kỹ thuật biểu diễn và học thuật không tốt, chỉ nhờ duyên trời cho nên được khán giả yêu mến. Nếu đưa họ vai diễn lớn, chưa chắc họ diễn được.
Minh Nhí kể ngày xưa kiếm tiền dễ dàng nhưng lại không dư dả vì "đốt tiền" ở vũ trường. |
- Vậy duyên số nào đưa Minh Nhí trở thành giảng viên của trường Sân khấu – Điện ảnh?
- Thầy Nguyễn Văn Phúc ở trường nhiều lần rủ rê tôi về dạy. Nhưng lúc đó tôi nhiều show, không có thời gian lại đâu biết dạy thế nào. Sau nhiều lần, thầy bảo tôi ngồi lại và tâm sự: “Con không thể nổi tiếng mãi được vì nghề này chỉ có một thời. Sẽ đến ngày nào đó nhường cho người khác. Họ sẽ chẳng còn nhớ đến con và con mang những gì mình có đi luôn. Nhưng khi con làm thầy, mọi người vẫn nhắc đến con. Khi chết, con sẽ không nuối tiếc khi đã truyền đạt hết kinh nghiệm học thuật cho đời sau”.
Tôi suy nghĩ và quyết định đi dạy. Được thầy Phúc giới thiệu, hiệu trưởng Trần Minh Ngọc nhận tôi về. Tôi mất 3 năm phụ giảng, theo học anh Công Ninh nghề giáo. Đó là 3 người mà tôi nhớ ơn trong ngành Sân khấu. Tôi dạy hơn 10 năm thì được vào biên chế nhưng sự cố cấm diễn đã buộc tôi rời khỏi trường.
- Người ta bảo thời đỉnh cao, Minh Nhí rất chảnh chọe và kiêu căng. Anh nói sao về điều này?
- Xưa tôi ham chơi, hồ đồ và nóng tính. Mà nói thật, thời vàng son ai cũng khó ưa cả. Chảnh chọe hay kiêu căng thì tôi không có, nhưng cách nói chuyện của tôi hay lấn át người khác nên ai cũng bảo mình hung dữ.
Tôi lớn tiếng nên dễ khiến người ta ghét. Bù lại, tâm của tôi rất tốt. Đốp chát thế nhưng khi ai túng quẫn, họ đều tìm đến tôi. Ngày xưa tôi có tủ mica, tôi viết tên người thiếu nợ mình lên trên đó. Ngày nào tôi cũng mang ra lau cho đẹp nhưng chùi một hồi chữ viết nhòe đi, cả một danh sách dài bốc hơi theo.
Tôi tự hào vì có rất nhiều người thiếu nợ mình, thời cơ hàn ai cũng mượn tiền tôi, không ít thì nhiều.
Minh Nhí kể trong lứa học trò, anh thương nhất Tiết Cương, Việt Hương và Thúy Nga. |
- Vậy còn tin đồn ngày xưa Minh Nhí và Phương Thanh đêm nào cũng “đốt” tiền ở quán bar thì sao?
- Ngày đó tôi đi đâu cũng có nhiều người vây quanh, ngay cả khi mình không cần họ cũng có mặt. Vô hình trung khiến tôi thích cảm giác được đám đông tung hô, thích làm thủ lĩnh vì có nhiều đàn em. Giờ nhớ lại ngày xưa mới buồn cười. Mỗi khi mình diễn xong, người ướt đẫm mồ hôi, quần áo xốc xếch vậy mà người ta vẫn chạy tới hôn hít rồi bảo “anh ơi thơm quá”.
Thế nên, mỗi đêm đi diễn về dù đã khuya, tôi vẫn thích la cà ở quán bar, vũ trường để thỏa mãn cảm giác được người ta xu nịnh. Nhưng buồn cười ở chỗ, vào đó tôi chỉ uống nước suối và gọi rượu cho đám đệ tử uống la liệt. Tôi vẫn còn nhớ, tôi một bàn, Phương Thanh một bàn. Hai đứa cầm chai nước suối nhìn nhau cười sặc sụa.
Ngày đó mỗi đêm tôi chạy show được khoảng 10 triệu. Tôi còn nhớ 4 triệu đã có một cây vàng. Diễn đến 2, 3h sáng, tôi xách túi tiền đi thẳng vào vũ trường. Sau khi người ta chơi chán chê, tôi vung tiền thanh toán. Đêm nào cũng “đốt” 2-3 cây vàng ở đó. Vậy mà, khi tôi gặp sự cố, không một ai trong đám người đó bên cạnh.
- Thế còn “giai thoại” Cát Phượng đếm tiền cho Minh Nhí có phải sự thật?
- Ngày xưa, tôi và Lý Hải với Cát Phượng chơi thân nên thuê một nhà nhỏ để ở chung. Mỗi đêm đi diễn về mệt quá, tôi đổ giỏ tiền cho Cát Phượng đếm vì nó như em gái mình. Đêm nào cũng vậy, về nhà tôi lại giao cho Phượng lo đếm tiền, vậy mà không mất một đồng nào.
Hôm trước gặp Việt Hương, Tiết Cương, tụi nó mới kể lại ngày trước tôi lưu diễn ở châu Âu, giao nhà cho học trò trông coi. Tôi có tủ mica, ngăn kéo dưới tôi để tiền, vàng, đồng hồ, dây chuyền. Tiết Cương, Thúy Nga, Việt Hương lau chùi, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ xong lấy vàng của tôi ra chia cho nhau rồi đánh bài. Vừa chơi tụi nó vừa bảo “mình giàu quá, dây chuyền vàng bạc đứa nào muốn lấy gì tao cho cái đó”. Nhưng chơi xong xếp lại ngay ngắn, tôi về mà cũng không hay biết gì. Mãi sau này tụi nó mới kể lại, tôi chỉ biết kêu trời vì “lũ quỷ”.
Theo Kim Chi (Dân Việt)
Ảnh: Quang Huy