Theo Quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11 và Quyết định 724/QĐ-CTN ký ngày 22/6, có 119 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) trong đó có đạo diễn Lê Chức.
NSND Lê Chức sinh năm 1947 cùng thời với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhạc sĩ Trần Tiến…
Ông tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu ở Liên Xô cũ, được mệnh danh "người có giọng đọc vàng" hay "giọng đọc huyền thoại" của ngành sân khấu, truyền hình. Ông cũng thường xuyên được "chọn mặt gửi vàng" để đọc khai mạc trong nhiều lễ hội lớn mang tầm quốc gia.
Năm 1965, ông theo học diễn viên rồi trở thành diễn viên chính của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Trong suốt 15 năm công tác tại đây, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vai diễn như Hoài "sữa" trong vở Chiều cuối của đạo diễn Dương Ngọc Đức, Víchto trong vở Masa, vai Êdốp trong vở Con cáo và chùm nho, vai trung úy Nguyễn Thế Kỷ trong vở Cửa mở hé…
Trong gần 60 năm làm nghệ thuật, NSND Lê Chức giữ nhiều cương vị quản lý quan trọng trong ngành sân khấu nước nhà như Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Ông nhiều lần được giao trọng trách làm trưởng ban giám khảo, trưởng ban tổ chức các kỳ thi liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc…
Hiện tại, ở tuổi U80, NSND Lê Chức vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật. Mới đây, ông dựng vở kịch kinh điển thế giới Mê Đê cho Nhà hát Cải lương Việt Nam và để lại nhiều dấu ấn lớn trong lòng đồng nghiệp cũng như công chúng yêu bộ môn nghệ thuật này.
Ngoài công tác biểu diễn, quản lý nghệ thuật, NSND Lê Chức còn tham gia giảng dạy. Ông từng là giáo viên thỉnh giảng, chủ nhiệm một lớp diễn viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cũng như đào tạo nhiều lớp MC. Nhiều học trò của ông hiện đang là những gương mặt MC quen thuộc với khán giả trên sóng truyền hình.
NSND Lê Chức là giọng đọc huyền thoại của ngành sân khấu, truyền hình. Ông cũng thường xuyên được "chọn mặt gửi vàng" để đọc khai mạc trong nhiều lễ hội lớn mang tầm quốc gia.
Ngoài sự nghiệp nghệ thuật đáng kính trọng, NSND Lê Chức còn là thành viên trong một gia tộc có truyền thống hoạt động nghệ thuật lẫy lừng ở Việt Nam.
Bố của ông là nhà thơ, nhà giáo, nhà viết kịch Lê Đại Thanh - người dựng nên đoàn kịch Gió Biển ở Hải Phòng năm 1957. Vài năm trước, tên của nhà thơ, kịch sĩ Lê Đại Thanh được đặt làm tên một khu phố ở Hải Phòng.
Việt Hương làm đám giỗ 3 năm nghệ sĩ Chí Tài, Hoàng Mập xúc động chia sẻ những điều phía sau
Mẹ là bà Đinh Ngọc Anh, người đầu tiên thể hiện hình tượng Võ Thị Sáu tại Đoàn kịch Gió Biển mà kịch bản và đạo diễn chính là chồng bà - nhà thơ, kịch sĩ Lê Đại Thanh.
NSND Lê Chức là em trai của NSƯT Lê Mai và họa sĩ Lê Đại Chúc. NSƯT Lê Mai công tác chủ yếu trong Đoàn kịch Trung ương và Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội) và được yêu mến qua nhiều vở diễn trên sân khấu cũng như phim truyền hình: Hoa đắng, Hoàng hôn dang dở, Nhà có nhiều cửa sổ, Bà nội không ăn pizza...
Còn họa sĩ Lê Đại Chúc là một họa sĩ Việt Nam đương đại. Mặc dù chưa từng học qua trường lớp nhưng ông là một trong những họa sĩ nghiệp dư được giới chuyên môn công nhận là họa sĩ thực thụ. Ông có nhiều triển lãm tranh trong nước và quốc tế.
NSND Lê Chức cũng là cậu ruột của 3 tài nữ màn ảnh Việt đình đám một thời: NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vi.
Nếu NSƯT Lê Vân có nhiều vai diễn điện ảnh kinh điển trong Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đêm hội Long Trì… thì Lê Khanh lại được phong tặng danh hiệu NSND khi mới 38 tuổi và có sự nghiệp nổi bật nhất. NSƯT Lê Vi ghi dấu ấn với phim Cây bạch đàn vô danh với giải thưởng Bông sen Vàng năm 1996 sau đó đi Pháp định cư.
Theo Hương Hương (Đời sống và Pháp luật)