Lễ viếng NSƯT Phạm Bằng diễn ra vào ngày 4/11 tới

02/11/2016 13:34:00

Sáng nay (2/11), Nhà hát Kịch Việt Nam và gia đình nghệ sĩ Phạm Bằng có thông báo chính thức về lễ tang của ông. Theo đó, lễ viếng NSƯT Phạm Bằng được tổ chức từ 12 giờ 30 đến 14 giờ ngày 4/11 tại Nhà tang Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Sáng nay (2/11), Nhà hát Kịch Việt Nam và gia đình nghệ sĩ Phạm Bằng có thông báo chính thức về lễ tang của ông. Theo đó, lễ viếng NSƯT Phạm Bằng được tổ chức từ 12 giờ 30 đến 14 giờ ngày 4/11 tại Nhà tang Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội).

NSƯT Xuân Bắc đồng thời là Phó Ban tổ chức tang lễ cho biết, do ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đang đi công tác nước ngoài nên anh với tư cách Phó Giám đốc Nhà hát sẽ cùng tập thể cán bộ - nhân viên - nghệ sĩ Nhà hát phối hợp với gia đình nam nghệ sĩ tổ chức lễ tang cho ông thật chu đáo và nghiêm cẩn.

Theo nguồn tin từ phía gia đình thì ngay sau khi được tin bố mất, con trai út và vợ chồng con gái thứ 2 của nam nghệ sĩ đã bay từ TP.HCM ra Hà Nội ngay trong đêm để lo tang lễ cho bố. Anh Phạm Tùng - con trai út của NSƯT Phạm Bằng đã rất đau lòng khi không được ở bên bố trước khi ông đi xa. Vợ chồng người con gái cả của nam nghệ sĩ cũng đã từ Đức bay về Hà Nội sáng nay (2/11).

Nam nghệ sĩ ra đi đã để lại nhiều buồn thương và tiếc nuối trong lòng những người thân, bạn bè, giới nghệ sĩ và người hâm mộ. Ảnh: TL.
Nam nghệ sĩ ra đi đã để lại nhiều buồn thương và tiếc nuối trong lòng những người thân, bạn bè, giới nghệ sĩ và người hâm mộ. Ảnh: TL.

Sau nhiều tháng chống chọi với căn bệnh gan, dù đã được gia đình và các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu nên nghệ sĩ Phạm Bằng đã qua đời vào 20h ngày 31/10, thọ 86 tuổi.

NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu mến bởi các vai diễn trong các tác phẩm hài kịch, chính kịch và trên màn ảnh nhỏ.

Nhắc về sự nghiệp diễn xuất của ông người ta vẫn nhớ những vai diễn để đời của ông từ chính kịch đến những vai diễn hai trên các tiểu phẩm của truyền hình. Từ vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo “Đêm tháng 7” (đạo diễn Dương Linh) đến vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong “Mớ đời Thương” (của Tất Đạt). Có thể nói đây là hai vai diễn để đời của ông, với một vai phản diện, một vai bi hài mà không ai có thể thay thế được. Ngoài ra, ông còn tham gia một số tác phẩm tiêu biểu như: “Nghe đồn”, “Cờ bạc”, “Về quê”…

Sự ra đi của ông đã để lại nhiều nỗi buồn và sự tiếc nuối đối với người thân, bạn bè, giới nghệ sĩ, công chúng mến mộ...

Theo Hà Tùng Long (Dân Trí)

Nổi bật