"Tai tiếng, người này tạo ra được thì người khác cũng làm được, rồi tất cả cũng bị lãng quên nhanh chóng", Hứa Vĩ Văn chia sẻ.
3 tháng là thành viên GMC: Ca hát chưa bao giờ là đam mê thực sự trong tôi.
Thời gian còn là sinh viên, thấy mọi người đi hát có tiền, tôi cũng bắt đầu thử sức mình, chạy theo nghề ca sĩ. Kiểu như đó chỉ là sở thích nhất thời của tuổi trẻ, cảm thấy mình làm được thì làm thôi chứ không nghĩ ngợi gì.
Quãng ngày hoạt động trong nhóm GMC, tôi bị xử ép khá nhiều, về giờ giấc sinh hoạt và trả công lao động hoàn toàn không xứng đáng. Thời gian làm việc của nhóm còn hơn cả giờ hành chính, có hôm từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Về nhà chỉ ngủ được vài tiếng rồi quay trở lại công việc. Những ngày chạy show đi tỉnh, nhóm phải tranh thủ giấc ngủ trên xe, sau khi diễn về thì ăn vội mì gõ. Vậy mà lương khi đó chỉ vài triệu đồng, trong khi thực tế thu nhập bọn tôi kiếm về gấp khoảng 300 lần con số kia.
Cảm thấy không ổn về giá trị nhận được từ công việc này, cộng thêm nội bộ bắt đầu lục đục do tính cách quá khác biệt, nhóm đi đến quyết định tan rã. Đây cũng là mong muốn chung của tất cả các thành viên chứ không riêng gì tôi. Nguyên nhân rã nhóm của GMC cũng là lý do chung chung mà các nhóm nhạc thời đó gặp phải. Mỗi cá nhân, mỗi con người đều nghĩ mình là số 1, khi tách ra sẽ hoạt động tốt hơn, có lợi hơn và mong muốn trở thành một ngôi sao riêng biệt.
Tôi thấy cách quản lý của những công ty giải trí ngày nay đến các nhóm nhạc rất hay. Ở chỗ họ cho phép các thành viên tách riêng ra hoạt động song song với công việc chung của nhóm mà vẫn có sự cân bằng tốt khi hợp lại. Không như ngày xưa, chỉ cần một thành viên được mời đóng phim là những người còn lại đã khó chịu ra mặt vì ganh tỵ.
Thời điểm làm ca sĩ của tôi phức tạp nhiều hơn bây giờ, phải có mối quan hệ, bợ đỡ, đánh đổi… nên tôi quyết định từ bỏ vì không thể cứ làm một công việc "có tiếng mà không có miếng" mãi được. Lý do khác nữa là làm ca sĩ cô đơn lắm. Tôi từng đi hát tỉnh một mình, tự chạy xe đến diễn rồi âm thầm đi về. Cuộc sống như vậy, buồn chứ. Hơn nữa, giới ca sĩ, cái tôi của họ lớn và tách biệt lắm. Ai cũng muốn độc tôn vị trí, thậm chí sắp xếp thứ hạng xuất hiện trong chương trình thôi cũng đủ sân si, tỵ nạnh. Hát thôi mà. Tôi thà về hát karaoke, hát giao lưu cho nhẹ nhàng.
Rời GMC cũng là lúc tôi đang đóng vai nam chính trong bộ phim "Sài Gòn Love Story" của Ngô Thanh Vân. Thời điểm đó, nhận được vai diễn lớn ở lĩnh vực điện ảnh không phải là chuyện đơn giản. Bước ngoặt này mở ra cho tôi cơ hội mới đến với nghiệp diễn. Năm đó tôi 24 tuổi.
Từng nhiều lần quyết định ngưng sự nghiệp.
Ở con đường diễn viên tôi cũng phải trải qua nhiều bôn ba, vùi dập để đi đến ngày hôm nay. Thậm chí trong suốt quãng thời gian làm nghề, tôi từng mấy lần quyết định từ bỏ bởi những áp lực của tuổi trẻ mình phải trải qua.
Có một thời gian tôi cảm thấy hình ảnh Hứa Vĩ Văn cứ bị một màu, na ná giống nhiều nam diễn viên khác. Chưa kể những vai diễn tôi đóng không phải nhân vật nào cũng hot, cũng hay. Mà nguyên nhân không hoàn toàn nằm ở phía mình. Đó còn phụ thuộc nhiều vào yêu cầu diễn xuất của ê-kíp, tính chất nhân vật trong kịch bản, xử lý hậu kỳ cùng nhiều yếu tố khác… Đóng hoài cũng vậy, không cảm thấy có sự phát triển mà sự cạnh tranh ở thị trường ngày càng cao, công việc ngày càng vơi đi, tôi quyết định dừng lại khi thấy sự nghiệp không đi về đâu.
Tôi lang bạt khoảng hai năm. Quãng thời gian đó, tôi "ăn nhờ ở đậu" nhà bà nội ở Mỹ trong vài tháng, ngày ngày tập tành viết văn, làm thơ, sáng tác rất nhiều thứ. Đến khi về Việt Nam, tôi lại "bám" vào ba mẹ, chơi với bạn bè trong giới underground, sống đời theo kiểu rất nghệ sĩ. Nói thẳng ra, thời điểm đó tôi chẳng biết làm gì, cứ mặc kệ mọi việc tới đâu thì tới. Tôi cũng có lúc nghĩ đến chuyện tìm một công việc khác để làm, từ đi bán bảo hiểm đến hàng đa cấp… Tuy nhiên vì mình là nghệ sĩ, bản thân có cái tôi riêng, nên thà chịu cảnh thất nghiệp.
Tôi quay lại công việc sau khi nhận lời mời đóng bộ phim "Thái sư Trần Thủ Độ". Lần đó, tôi có nhiều động lực lắm vì đây là dự án phim cổ trang khá lớn, được nhà nước đầu tư với kinh phí cao. Hơn ba năm trời rong ruổi cùng đoàn đi quay khắp nơi, cuối cùng phim lại không được chiếu. Thất vọng, nhưng tôi cũng không biết phải làm gì hơn. Sau đó, nhận lời đóng phim "Lời thú nhận của Eva", tôi phải xa nhà, ở lại Hà Nội thêm 6 tháng nữa. Nhiều lúc nhớ nhà lắm. Có những cuối tuần phải bỏ vài triệu đồng bay về thăm nhà hai ngày rồi lại trở lại công việc. Bộ phim này khá "hot" nhưng vẫn không mang về giải thưởng gì như kỳ vọng. Tôi lại có ý định muốn bỏ nghề lần hai.
Trên đường lên máy bay sang Mỹ thăm bà, tôi nhận được cú điện thoại từ chú Tất Bình – giám đốc hãng Phim Truyện 1 đương thời ngỏ lời muốn mời tôi đóng vai nam thứ cho bộ phim "Đam mê", tuyến nhân vật phản diện. Tôi nhận lời với chú vì tình nghĩa và đóng với tâm thế "cho vui". Bất ngờ, năm đó tôi được giải Cánh diều vàng cho hạng mục Nam diễn viên phụ. Đây là cú rẽ lớn, dẫn dắt tôi trở lại sự nghiệp một cách quyết tâm và nghiêm túc hơn.
Những người hại tôi vẫn đẹp, vẫn sống sờ sờ ra đấy
Nhiều người cũng đặt câu hỏi đến tôi rằng vì sao Hứa Vĩ Văn đóng phim đã lâu nhưng chưa mang về thành công lớn cho mình. Tôi lại thấy rằng yếu tố thành công của một nghệ sĩ không nằm ở việc họ có giỏi nghề hay không. Phía sau một người nghệ sĩ thành công thì sẽ có bên cạnh một người nghệ sĩ thất bại. Và hai người này lúc nào cũng phải cạnh tranh nhau. Đó mới là con đường nghệ sĩ đi.
Một người đứng số 1 trong làng nghệ thuật cũng là người tương đối "dễ sợ", bởi ngoài tài năng làm nghề, họ còn phải có bản lĩnh riêng để đấu với tất cả mọi người để giành vị trí này. Còn những người ở vị trí thấp hơn, có thể họ cũng gặp nhiều yếu tố trở ngại nào đó mới không thành công chứ chưa hẳn là thiếu sự cố gắng hay không có tài năng. Tôi nghĩ mọi người nên có cái nhìn trân trọng đến nghệ sĩ, đừng đánh giá nghệ sĩ theo kiểu "bạn chưa thành công, bạn thất bại, bạn chưa nổi tiếng, bạn không hot".
Tôi không chỉ từng nếm trải vấp ngã, tổn thương trong sự nghiệp mà còn nhiều những đắng cay khác trong cuộc sống. Và sau tất cả, tôi vẫn cố gắng gạt đi vết thương đó để rồi bước tiếp. Ở thời điểm này, tôi không còn quan tâm đến vị trí của mình nữa. Nhiệm vụ của tôi là nỗ lực hết mình trong công việc, còn việc khán giả muốn đánh giá tôi đang đứng ở đâu, thành công ra sao, giải thưởng thế nào… đã không còn là điều khiến tôi phải suy nghĩ nhiều.
Tôi cũng muốn khuyên các nghệ sĩ trẻ rằng nếu họ thực sự muốn theo đuổi nghề này thì hãy đi theo cái tâm của mình chứ đừng chạy theo scandal. Bởi tai tiếng, người này tạo ra được thì người khác cũng làm được, rồi tất cả cũng bị lãng quên nhanh chóng. Chỉ có giá trị chuyên môn là bản lĩnh lâu dài, khó đánh đổi. Giống như khi làm phim chiếu rạp mới biết được những cái tên hot nhờ scandal có bán được nhiều vé đâu. Trong khi đó, những nghệ sĩ nỗ lực bằng tài năng và cái duyên của mình như anh Thái Hoà, không cần vướng lùm xùm mà vẫn là "ông hoàng phòng vé" đấy thôi.
Trải qua mười mấy năm làm nghệ thuật, tôi chỉ muốn các anh em nghệ sĩ hãy thương mến nhau nhiều hơn, bớt sân si, mà hãy cạnh tranh nhau trong lành mạnh để mang đến một môi trường làm việc công bằng, hòa bình. Tôi thấy nhiều nghệ sĩ chỉ biết đến mình mà không bao giờ nhìn nhận sự cố gắng của người khác, trong khi xung quanh những đồng nghiệp của họ cũng đang cật lực làm việc chứ đâu phải không. Đó là điều đáng buồn trong showbiz hiện nay, bởi các bạn không chỉ tổn hại đến danh tiếng của mình mà còn đang làm việc tội ác khác là đi xóa sổ sức lao động của người khác đang nỗ lực từng ngày.
Tôi cũng không phải người chưa từng vướng vào điều tiếng hay bị đồng nghiệp hãm hại trong nghề, chỉ là không muốn kể đến. Chứ những người hại tôi khi xưa, họ vẫn còn sống sờ sờ, vẫn đẹp, vẫn nổi tiếng đấy thôi. Những gì họ làm với mình, tôi biết hết. Nhưng thôi, tôi cứ bỏ qua, gặp lại cũng đến chào hỏi vỗ vai bình thường. Tôi nghĩ rằng, nếu không phải mình là người bị hại thì cũng là người khác thôi, xem như vận xui, cái hạn mình phải gánh chịu ở thời điểm đó. Cứ từ bi hỉ xả, ai làm gì sai trái, có lúc họ sẽ lãnh cái nghiệp tương ứng.
Tôi không phải soái ca. Tôi muốn là người bình thường.
Khi được khán giả ưu ái gọi mình là người chuẩn "soái ca" nhất ở Việt Nam, tôi khá bất ngờ và rồi cảm thấy hơi "tội" cho mình. Vì thực tình tôi không phải "soái ca" mà đó chỉ là hình mẫu của nhân vật được xây dựng trong bộ phim và tôi buộc phải thể hiện sao cho trọn vẹn nhất. Thực tế, ngoài đời vẫn có nhiều người xứng đáng với danh xưng này hơn mình. Tôi biết bản thân còn quá nhỏ bé so với tiêu chuẩn này nên chưa bao giờ dám nhận. Là một diễn viên, tôi còn muốn được phát triển ở nhiều tuyến nhân vật hơn nữa chứ không phải vai soái ca này thôi.
Có hai mặt tích cực và tiêu cực cùng tồn tại khi tôi được gán tên gọi này. Tích cực ở đây là những lời khen, lời yêu mến từ người hâm mộ dành cho tôi và vai diễn. Tuy nhiên, tôi cũng đối diện với không ít những lời nói cho rằng Hứa Vĩ Văn cố gắng "cưa sừng làm nghé", làm soái ca… khiến bản thân cảm thấy áp lực. Tôi chỉ muốn mình là người bình thường mà thôi.
Thực ra tôi đã không còn quan tâm đến ngoại hình kể từ khi quyết tâm bước chân vào nghề diễn viên chuyên nghiệp. Tôi đã từng tăng, giảm cân thất thường để phù hợp với từng vóc dáng của nhân vật trong phim nên dần dần, không còn chú trọng quá nhiều đến bề ngoài. Khó khăn trong công việc của tôi không phải ở việc lấy sáu múi, lấy ngoại hình để tạo sức hút, mà chỉ đơn giản là tôi sợ có lúc mình mất cảm xúc hay không còn diễn xuất được nữa.
Trong tình cảm, tôi là người khá lãng mạn, nhưng cũng rất dễ chán, bởi tôi thuộc cung Ma Kết, tính chất cung hoàng đạo này là như vậy. Mặt khác, một phần trong tôi cũng là người sống hướng về gia đình nên tôi hy sinh cho họ nhiều hơn. Có những chuyện tình cảm riêng tư trong quá khứ, đôi khi tôi cam tâm bỏ qua hết. Một người như vậy sao có thể có được hạnh phúc cho riêng mình, huống hồ là cho người khác.
Ngoài 30, tôi cũng nghĩ về một mái ấm, nhưng cứ để mọi thứ tùy duyên. Là người hoạt động nghệ thuật, cuộc sống, suy nghĩ, thời gian vốn đã khác người bình thường nên tìm người thực sự hiểu và chấp nhận mình khó lắm. Tôi có được những thứ mà người khác không, thì ngược lại, buộc lòng tôi phải hy sinh những thứ mà mình ao ước từ cuộc sống của họ.
Ngay cả mẹ tôi từng nói rằng: "Làm mẹ của Hứa Vĩ Văn thì đã là người khác những người mẹ khác, phải làm những việc để người khác không đánh giá". Vậy nên nếu là người yêu của tôi, họ phải chịu đựng mọi thứ của một cuộc sống mà ở đó, áp lực từ việc giữ hình ảnh, cách cư xử hay đối mặt với nhiều ánh nhìn từ công chúng không bao giờ là bình thường, êm ả. Có ai hiểu được người nghệ sĩ phải sống thế nào đâu. Đôi khi buồn lắm, cũng phải cười.
>> Lệ Quyên không tha thứ tội ngoại tình
Theo Nhật Duy (Kenh14.vn)
Ảnh: Vivian; Design: Nhật Ánh; Clip: Ruby