- Sau hơn 2 năm làm mẹ đơn thân, chị thấy mình thay đổi thế nào?
- Nhiều người vẫn bảo, họ không thể tưởng tượng được có ngày Hồng Quế trở nên như bây giờ. Mẹ tôi nhiều khi nhìn tôi cũng thốt lên "Thôi chết rồi, hay là bị đứa nào mang đi thay não rồi" (cười). Từ khi có con, tôi cũng thấy mình như trở thành người khác, không còn tiêu xài hoang phí, không còn sống dựa vào người khác, quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn. Có nằm mơ, tôi cũng chẳng thể ngờ rằng một đứa trẻ chào đời lại có sức mạnh làm thay đổi hoàn toàn một con người như vậy. Thế nhưng, tôi thích Hồng Quế bây giờ hơn ngày xưa rất nhiều.
- Trong quá khứ, chị từng chia sẻ mình sẵn sàng tiêu hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi ngày cho việc mua sắm, bây giờ thì sao?
- Đúng là đã có những ngày tôi tiêu hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho việc shopping. Tôi của ngày xưa thay đổi quần áo liên tục, thường xác định mỗi năm phải mua cho mình bao nhiêu cái túi, bao nhiêu chai nước hoa... nhưng bây giờ thì không. Suốt 2 năm qua, số lần tôi mua quần áo cho bản thân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vì mua đồ mới, tôi mặc lại đồ cũ của những mùa trước, nhìn vào gương và tự nhủ "Ơ, nó vẫn mặc được mà".
Cách đây vài tháng, tôi thích một chiếc túi trị giá hơn 100 triệu đồng. Nếu là Hồng Quế của trước đây, tôi sẽ rút hết tiền ra để mua mà không tiếc gì hết. Thế nhưng, bây giờ mọi thứ đã khác - tôi hỏi giá rồi nói với chị bán hàng "Thôi, để em nghĩ đã". Chị ấy rất ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy tôi suy tính như vậy và thậm chí còn vừa cười vừa hỏi lại "Quế ơi, ai cắt rốn cho em vậy?". Sau một đêm, tôi hết hứng thú với chiếc túi đó và nghĩ, với 100 triệu ấy, mình có thể làm rất nhiều thứ cho con như tiền học, tiền sữa, tiền quần áo mới... Tôi chẳng hiểu sao mình lại ky bo với bản thân như thế (cười).
- Phụ nữ mang thai và sau khi sinh con thường nhạy cảm, dễ tổn thương và cảm thấy cô đơn hơn bình thường. Chị vượt qua giai đoạn đó ra sao khi không có người đàn ông nào bên cạnh?
- Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần ôm con khóc và tự hỏi sao mình khổ thế này, hay là mình mang con ra nước ngoài sống. Những lúc khó khăn nhất, mệt mỏi nhất, tôi cũng cần một người đàn ông. Chẳng có người phụ nữ nào đủ mạnh mẽ để đứng một mình. Phụ nữ cần một người đàn ông bên cạnh, không phải để có chỗ dựa về vật chất mà chỉ là một điểm tựa để bấu víu khi tinh thần chới với. Thế nhưng tôi lúc ấy lại chẳng có ai, ngay cả người ấy cũng quay mặt đi bỏ lại hai mẹ con tôi.
Bù lại, tôi có bố và anh trai sẵn sàng lắng nghe. Tôi coi họ như chỗ dựa để xả hết những uất ức. Khi nói ra hết, hôm sau ngủ dậy tôi thấy mình đang ở một cuộc đời khác. Điều đó khiến tôi nhận ra mình chẳng việc gì phải sống quá lâu trong quá khứ làm gì.
- Cụm từ "trầm cảm sau sinh" gợi lên điều gì trong đầu chị?
- Trong thời gian mang bầu và sinh con, tôi chỉ thấy thương những người xung quanh nhiều hơn, dễ bị xúc động chứ không bị trầm cảm. Rất nhiều người hỏi tôi: 'Em có khó khăn hay trầm cảm không?'. Tôi nói 'Em khó khăn nhưng em vượt qua được'. Cuộc đời tôi còn có những lúc vấp vã, khó khăn hơn thế nhiều nên chuyện này cũng chẳng là gì.
Tôi may mắn có một hậu phương vững chắc là bố mẹ. Họ là chỗ dựa tinh thần mà tôi chẳng thể đánh đổi được bằng bất cứ thứ vật chất nào. Những lúc khó khăn nhất đều có bố mẹ ở bên động viên nên tôi thấy mình không việc gì phải trầm cảm cả. Thay vì suy nghĩ quá nhiều, ngày nào tôi cũng nói yêu đời, yêu mẹ, yêu con gái. Tôi hạnh phúc khi nói những lời yêu thương ấy.
Đã có lúc tôi tủi thân khi vào bệnh viện vì thấy những phụ nữ xung quanh đều có người đàn ông bên cạnh để san sẻ còn mình thì chẳng có ai hết, cứ ôm con ốm trên vai cả đêm. Thế nhưng, mỗi khi nghe con ngọng nghịu hỏi 'Mẹ ơi mẹ mệt không' thì tất cả mệt mỏi trong tôi tan biến hết.
- Những người bạn thân đã ở đâu lúc chị khó khăn nhất?
- Trong suốt 5 năm yêu người đàn ông ấy, tôi không được phép chơi với bất kỳ ai kể cả nam lẫn nữ. Họ có cái độc đoán của riêng họ và khi yêu, tôi không kiểm soát được lý trí mà cứ mù quáng nghe theo yêu cầu đó. Tôi sống theo bản năng và chạy theo con tim nhiều quá nên khi quay lại chẳng còn người bạn thân nào hết. Thế nhưng, một vài người trong số họ vẫn sẵn sàng bỏ qua tất cả, dang tay ra và ở bên tôi lúc khó khăn nhất.
Sở dĩ đến giờ tôi vẫn có thể chơi với Ngọc Hân và một số bạn thân khác là vì khi tôi cô đơn giữa những khó khăn, họ chẳng những không trách cứ tôi mà còn cho tôi cảm giác mình vẫn còn bạn bè để tâm sự. Bản thân tôi cũng không thể ngờ khi mình quay lại, họ vẫn đứng ở đó chờ đợi để ở bên cạnh mình sau 5 năm bị bỏ bẵng. Đối với tôi, họ giờ là những người rất quan trọng.
- Chị ứng xử thế nào với những người đàn ông đến với mình sau khi trở thành mẹ đơn thân?
- Có rất nhiều người đàn ông muốn san sẻ gánh nặng cùng tôi nhưng tôi từ chối. Có cả những người săn đón, rất quan tâm đến cả hai mẹ con nhưng tôi chưa sẵn sàng mở lòng. Vết hằn trong tim, sự tổn thương quá lớn khiến tôi sợ bước vào một mối quan hệ mới.
Thêm nữa, tôi muốn dành nhiều hơn nữa thời gian cho con thay vì hẹn hò một người đàn ông nào đó. Bắt đầu một mối quan hệ mới đồng nghĩa với việc tôi phải bắt đầu lại từ đầu, lần lượt đi qua các giai đoạn tìm hiểu, hẹn hò, yêu rồi đi đến một cái kết nào đó chưa thể nói trước. Điều đó sẽ khiến tôi không thể dành thời gian cho con như bây giờ. Tôi đã quá bận rộn các công việc kinh doanh nên mỗi ngày chỉ còn một chút buổi tối cho con. Để chọn giữa việc hẹn hò với một người đàn ông và đưa con đi chơi trung tâm thương mại, tôi muốn ở bên con. Tôi không muốn san sẻ thời gian cho con với người khác.
- Với vóc dáng và nhan sắc đang có, tại sao chị không tìm một chỗ dựa cho mình và con gái thay vì ngược xuôi, tất tả kiếm tiền?
- Nếu là Hồng Quế của năm 20 tuổi, tôi sẽ sống như vậy. Lúc đó tôi sẽ nghĩ mình có sắc đẹp mà, chẳng tội gì không tìm một chỗ dựa vững chắc thay vì bươn chải kiếm tiền, nhặt nhạnh từng đồng một. Thế nhưng, tôi của hiện tại đã khác rồi.
Nếu lại dựa vào ai đó, liệu rằng tôi sẽ sống như vậy được bao lâu? Tôi từng bị phản bội rồi và lấy gì ra để chắc chắn rằng tôi không tiếp tục bị phản bội nữa? 5 năm trước, tôi đã dựa vào đàn ông quá nhiều và đến khi không còn ai để dựa nữa, tôi hụt hẫng, chơi vơi và không biết bắt đầu lại cuộc sống từ đâu. Đó là sự tổn thương rất lớn với tôi khi đã chấp nhận chỉ ở nhà để yêu, sống hết mình vì người mình yêu nhưng rồi chẳng còn lại gì. Những vấp ngã đó khiến tôi nhận ra mình phải tự kiếm tiền và sống bằng khả năng của mình.
Chẳng có gì bền bỉ bằng đồng tiền do mình làm ra. Tôi đang từng bước cố gắng ổn định cuộc sống của mình như bao phụ nữ bình thường khác. Hiện tại, tôi đã có những khách hàng thân thiết và "trộm vía" được trời thương nên cũng dư dả để chi tiêu, lo cho con được ăn mặc đủ đầy chứ không thua kém bất kỳ bạn nào.
- Việc chị co mình lại như con chim sợ cành cong có liên quan gì đến cảm giác căm thù đàn ông sau những tổn thương đã qua?
- Tôi không căm thù đàn ông mà chỉ sợ việc bắt đầu lại. Tôi không đánh đồng tất cả đàn ông trong xã hội vì thực tế vẫn còn những người rất tốt. Trong số những người quan tâm đến tôi, có những người rất tốt nhưng tôi không dám mở lòng chỉ vì không muốn bớt chút nào thời gian cho con. Tôi muốn con có đầy đủ tình yêu của mẹ. Dù bận đến mấy tôi cũng dành thời gian đưa đón con đến trường mỗi ngày và chỉ nhờ đến sự giúp đỡ của ông ngoại trong trường hợp bất khả kháng.
- Chị lo lắng thế nào nếu Cherry đặt câu hỏi về bố khi bé lớn lên?
- Hình như đứa trẻ nào khi thiếu thốn cái gì đó cũng rất già đời và lớn hơn những em bé cùng trang lứa. Cherry là đứa bé rất hiểu chuyện. Mỗi lần đi chơi với bố về, bé chỉ hỏi "Bố đâu?". Những lúc như thế, tôi hỏi con "Bố không ở với mẹ con mình. Mẹ con mình ở với nhau thôi nhé, có được không con?" và cháu liền trả lời "Được, yêu mẹ lắm". Nhiều lúc Cherry nói ra những câu mà tôi thấy rất bất ngờ, không nghĩ một đứa trẻ hai tuổi có thể nói được như vậy.
Gia đình tôi rất cởi mở. Hai anh trai tôi đều chỉ có con trai nên đã nhận Cherry là con nuôi và Cherry vẫn gọi các bác là bố. Dù sau này có chuyện gì đi chăng nữa hay được bạn bè hỏi về bố, Cherry vẫn có thể trả lời rằng "Tớ có bố ở nhà mà". Tình yêu thương mà các bác dành cho Cherry rất lớn. Điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc của mình quá vẹn toàn rồi nên không cần đến đàn ông nữa.
- Bạn trai cũ phụ giúp chị thế nào trong việc nuôi con?
- Hơn nửa năm nay, anh ấy bắt đầu chu cấp tiền cho con. Toàn bộ số tiền bố bé đưa, tôi để dành và chuyển vào một cuốn sổ tiết kiệm để sau này Cherry lớn lên, nếu con cần và muốn sử dụng thì toàn quyền con quyết định.
- Chị từng đau khổ chia sẻ về việc bố của Cherry không muốn có sự xuất hiện của bé trên đời và bé lớn lên thiếu sự chăm sóc của cha. Đâu là lý do khiến anh ấy thay đổi và quay ra chu cấp cho con gái?
- Có lẽ là đến một lúc nào đó lương tâm họ cắn rứt. Có thể họ cảm thấy tự xấu hổ khi nhiều người xung quanh gièm pha, nói đến tai. Sau những lần lên tiếng, tôi không muốn chứng minh quá nhiều nữa. Khi tôi im lặng thì họ lại cảm thấy áy náy, cắn rứt và hiểu rằng phải sống đúng với lương tâm của mình. 20 năm nữa, 30 năm nữa hay 40 năm nữa thì đứa trẻ vẫn là con nhà người ta, không gì có thể thay đổi máu mủ.
Tôi cho họ cơ hội được gần con chứ không thể mở lòng với họ thêm nữa. Hiện tại, chúng tôi chỉ là bạn bè. Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau bình thường nhưng để yêu đắm say như ngày xưa thì không thể. Có cho tôi vài trăm tỷ, tôi cũng không thể yêu được nữa vì tình cảm là thứ mà mình không thể điều khiển được.
- Chị đối mặt với áp lực kiếm tiền như thế nào trong những năm tháng nuôi con một mình, không có sự chu cấp của bạn trai cũ?
- Cảm giác mệt mỏi vì kiếm tiền thường chỉ thoáng qua, lâu nhất là một ngày mà nhanh nhất là trong phút chốc. Khi mệt, tôi chỉ than với mẹ hoặc con gái là "Mẹ ơi con mệt quá" hay "Con ơi mẹ mệt quá" rồi chẳng nghĩ gì nữa. Chỉ cần chơi với con một lúc, mọi cảm giác mệt mỏi của tôi đều bị xua tan. Dù niềm vui chưa trọn vẹn, tôi đang cố gắng đắp xây để hạnh phúc của hai mẹ con được tròn đầy hơn. Tôi nghĩ rằng con tôi cũng chẳng cần gì nhiều hơn ngoài mẹ.
Đối với tôi, có con là điều thiêng liêng vô cùng. Tôi thấy rất may mắn khi có đứa con này và từng ước giá mình có nó sớm hơn thì có lẽ mình đã trưởng thành sớm hơn. Nếu như trước đây tôi chỉ khép mình với 4 bức tường, không có bạn bè, những lúc buồn cũng chỉ lái xe chạy loanh quanh trong thành phố, luôn có khoảng cách với gia đình thì bây giờ, tôi dễ dàng chia sẻ với bố mẹ và yêu mọi người nhiều hơn
- Khi Cherry lớn lên, chị muốn bé tìm được một người đàn ông để dựa dẫm giống như Hồng Quế trước đây hay trở thành một người phụ nữ tự lập như Hồng Quế bây giờ?
- Con tôi là người rất tự lập. Từ 1 tuổi rưỡi đến giờ, con lúc nào cũng thể hiện sự tự lập trong chuyện ăn uống, thay quần áo. Cháu làm mọi thứ mà nó có thể tự làm. Nó cũng là đứa rất hiểu chuyện nên tôi muốn hướng con sau này con trở thành người phụ nữ tự lập trong cuộc sống cũng như hôn nhân của mình. Tôi mong con có thể tự làm chủ mọi thứ chứ không trở thành cô gái sống ỷ lại như cây tầm gửi vào người khác. Mong ước của tôi là con có thể tìm được hạnh phúc trong những gì mình lựa chọn.
- Chị nghĩ sao nếu con gái khi lớn lên muốn tham gia showbiz giống mẹ?
- Con đường làm nghệ thuật chân chính rất gian khổ và showbiz luôn có nhiều cạm bẫy. Quá khứ của tôi để lại cái bóng quá lớn. Tôi không cho phép những sai lầm đó được lặp lại ở con mình. Đời tôi đã quá khổ, quá lận đận rồi nên tôi muốn con có cuộc sống an nhiên đúng như cái tên mà tôi đã đặt cho con. Tôi sẽ chờ đến khi con 18 tuổi và đủ sức làm chủ cuộc đời thì sẽ nghe theo quyết định của con. Tôi sẽ là hậu phương ủng hộ nhưng cũng sẽ cố gắng hướng con đi theo con đường khác mình khi đã nhìn nhận mọi việc ở quá khứ.
Theo Chi Anh (Ngoisao.net)