"Nếu còn ở Việt Nam, tôi làm những công việc lao động này mới gọi là “hạ giá”"
Chào Hoàng Anh, sau những ngày đặt chân sang đất Mỹ cùng vợ con, cuộc sống hiện tại của anh như thế nào?
Tôi cũng đã qua được gần một tháng. Tôi bắt đầu quen dần với cuộc sống bên này. Về thời tiết, về giờ giấc, về văn hoá, về đường xá... đều đã thích nghi tốt.
Trên trang cá nhân của anh đăng nhiều hình ảnh về con, có vẻ anh dành nhiều thời gian chăm con và chăm vợ hơn là vội vàng bắt đầu tìm việc làm?
Hiện tại, tôi đang muốn nghỉ ngơi một thời gian ngắn. Tôi muốn ở nhà để dành thời gian chăm sóc vợ và con gái. Trong lúc này, tôi muốn đầu óc được thư thái và cũng chờ có giấy tờ hợp thức hoá tại Mỹ. Bên cạnh đó, tôi cũng buôn bán kinh doanh hàng xách tay từ Mỹ về Việt Nam, một công việc khá mới với tôi.
Việc hoà nhập ngôn ngữ, giờ giấc sinh hoạt và các thói quen trong cuộc sống ở Mỹ có quá khó với anh không?
Thật may mắn cho tôi khi gia đình của tôi sống ở khi Little Sài Gòn, khu người Việt đông nhất bên Mỹ, với 95% là người Việt. Vì thế, tôi không bị cản trở về ngôn ngữ. Việc hoà nhập không quá khó với tôi. Đi đến quán xá, muốn ăn món Việt Nam nào cũng có, không thiếu món gì. Thậm chí, bên này có cả những siêu thị của người Việt bán rất nhiều nhu yếu phẩm mà người Việt hay dùng.
Tuy nhiên, sắp tới tôi cũng sẽ đi học tiếng Anh để có thể giao tiếp khi sang tiểu bang khác và hoà nhập hơn với cuộc sống bên này, đơn giản như có hoá đơn hay thư từ gửi đến nhà, tôi có thể đọc hiểu, hoặc khi đến văn phòng làm việc của cơ quan nhà nước cũng có thể giao tiếp.
Một diễn viên nổi tiếng Hoàng Anh và một Hoàng Anh ở thì hiện tại đã khác nhau như thế nào?
Hoàng Anh lúc trước và bây giờ cũng có điểm giống và khác nhau. Điểm khác nhau đầu tiên là khi còn đóng phim ở Việt Nam, khi online nói chuyện cùng khán giả đều nói chuyện ở chủ đề phim ảnh, còn bây giờ lại nói chuyện về hàng hoá, giá cả vì hiện tại tôi đang buôn bán hàng xách tay. Qua bên này có rất nhiều người nhận ra tôi, 10 người gặp đã có 8 người biết tôi là diễn viên Hoàng Anh. Những người Việt bên này rất hay xem phim Việt Nam, nhất là bộ phim "Gạp nếp gạo tẻ". Khi ra đường, ai xem phim Việt Nam cũng đều nhận ra tôi.
Rất nhiều nghệ sĩ dù nổi tiếng ở Việt Nam nhưng sang xứ người vẫn phải làm nhiều công việc lao động để kiếm thêm thu nhập. Nhiều khán giả nghĩ đó là một sự “hạ giá”. Riêng anh thì sao?
Nếu sau này, tôi có làm một công việc bình thường ở đây, tôi cũng sẽ không “hạ giá” vì ai cũng như ai, không chỉ riêng tôi mà những người diễn viên khác, những người nghệ sĩ nổi tiếng khác đã từng đi trước cũng đã từng làm những công việc bình thường. Đây là một xã hội bình đẳng, ai cũng tôn trọng nhau, không ai được quyền đánh giá thấp đối phương. Quan trọng là người nghệ sĩ, diễn viên sang nước ngoài định cư có thích nghi được hay không, hoàn thoàn không thể gọi là “hạ giá” khi làm những công việc bình thường ở Mỹ. Nếu còn ở Việt Nam, tôi làm những công việc lao động này mới gọi là “hạ giá”.
Những ngày qua, facebook anh đăng tải bán hàng online, đây là công việc tay trái trước khi sang Mỹ nhưng đến nay một bộ phận cư dân mạng mới chỉ trích anh. Anh có cảm thấy bất mãn vì điều này?
Tôi không bất mãn khi bị cư dân mạng chỉ trích chuyện tôi bán hàng online, tôi chỉ buồn thôi. Tôi chỉ làm một công việc tay trái bình thường, đâu có làm gì trái pháp luật, đạo kí, luân thường hay bán rẻ lương tâm. Tôi chỉ làm công việc kinh doanh để kiếm thêm thu nhập thôi. Thực tế nhiều nghệ sĩ, diễn viên ở Việt Nam cũng đang bán hàng online, chỉ khác là ở Mỹ và ở Việt Nam.
Anh bảo anh sang Mỹ khi vẫn nhiều người nhớ thay vì vài năm nữa hết phim đóng, lủi thủi đi. Có nghĩa là anh không tự tin với việc nền phim miền Nam sẽ vượt qua giai đoạn bão hoà? Hay anh không tự tin ở bản thân?
Tôi cảm thấy một hay hai năm nữa, phim truyền hình Việt nam vẫn sẽ trong giai đoạn bão hoà. Tôi đang không tự tin về phim truyền hình Việt Nam. Còn về bản thân tôi, tài năng của tôi cũng đã được khán giả công nhận. Không có lí do gì, tôi không tự tin. Chính vì tôi thấy phim ảnh bão hoà và trong tương lai vẫn sẽ bảo hoà cho nên tôi chọn cách sang đây định cư với vợ con tôi và cũng đến lúc tôi dành thời gian gần gũi chăm sóc gia đình tôi.
Nhiều khán giả nói anh hết thời. Vậy với riêng anh, quan niệm thế nào về hai chữ “hết thời”?
Tôi nghĩ người diễn viên hết thời là khi họ đã hết tuổi thanh xuân, hết tuổi đẹp, khi đã già đi. Lúc đó, những diễn viên trẻ hơn sẽ tiến lên đóng vai chính, còn những người “hết thời” sẽ lùi về phía sau, đóng những vai nhỏ hơn. Tôi vẫn nghĩ mình đang đương thời, đang có thời. Vì tôi vẫn cảm thấy mình đang đẹp, đang có hào quang. Nhờ bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” đưa dàn diễn viên chúng tôi lên một tầm mới, một bậc mới. Tôi không hết thời, chỉ có phim truyền hình bây giờ không còn thời.
"Hơn một năm rưỡi qua, lần đầu tôi mới có cảm giác xa con một ngày đã nhớ"
Chấp nhận sang Mỹ, anh đã lường trước mọi rắc rối, thị phi này chưa?
Khi quyết định sang Mỹ, tôi không lường trước được điều gì. Vì tôi như thế nào thì tôi hành động như thế đó. Ví dụ tôi cảm thấy ở thời điểm này mình cần sang với vợ con và sang đây thôi. Chuyện thị phi là vấn đề tôi chưa từng nghĩ tới. Dù nó xảy ra, tôi cũng không bận tâm. Từ lúc cưới vợ, cả hai chúng tôi cũng đã chịu nhiều thị phi. Những chuyện lớn như thế, vợ chồng tôi cũng đã cùng nhau vượt qua. Chuyện này cũng chỉ là chuyện phụ trong chuyện lớn kia. Nó không xá gì để tôi phải bận tâm.
Anh nghĩ sao nếu vài năm nữa hình ảnh của mình đi bán hàng ở một siêu thị nào đó hay làm nhân viên ở một công ty nào đó bị đưa lên mạng như nhiều đồng nghiệp khác của anh trước đó kèm theo là nỗi xót xa của công chúng?
Một vài năm nữa thấy tôi làm những công việc bình thường trong siêu thị hay ở đâu đó tại bên Mỹ, tôi cũng cảm thấy điều này là bình thường. Ở bên này, cuộc sống của mọi người rất bình yên. Tuy họ làm những công việc bình thường nhưng về điều kiện, họ đã có tất cả. Họ vẫn ở nhà sang, chạy xe hơi đẹp, mua túi hiệu hay một tivi thật to... Qua bên này không còn phim ảnh hay kịch để đóng hay diễn nhiều như trước. Nếu có đóng cũng chỉ là những dịp cuối tuần, những diễn viên hay nghệ sĩ qua đây phải chấp nhận làm những công việc bình thường là điều hiển nhiên. Vấn đề là chúng ta tôn trọng nhau, không xem thường nhau.
Sống trong hào quang đã khó, nay anh rũ bỏ hào quang để sống cuộc đời bình thường, anh có cảm thấy khó và áp lực không?
Tôi đã từng sang Mỹ nhiều lần và cũng đã chứng kiến cuộc sống bên này như thế nào. Một khi tôi đã quyết định sang đây đồng nghĩa tôi đã chuẩn bị tâm thế chấp nhận làm một người bình thường. Tôi không bị áp lực khi từ bỏ hào quang này. Điều khó khăn áp lực nhất với tôi là không còn được đóng phim. Có một sự nhớ nhung da diết một thói quen đã đi cùng mình mười ba năm qua như: đứng trước máy quay, chuẩn bị phục trang khi lên hình... Khi phải tạm dừng thói quen này, tôi hơi day dứt trong lòng.
Trong thâm tâm của tôi muốn rằng, khi cuộc sống bên Mỹ của tôi đã ổn định, con cái đã lớn, phim ảnh ở Việt Nam đã nhiều trở lại, nhà sản xuất hay đạo diễn nào cảm thấy tôi hợp với vai diễn của họ và mời tôi, lúc đó tôi sẽ ưu tiên cho việc về Việt Nam đóng phim hơn. Tôi sẵn sàng tạm gác công việc ở Mỹ để về hai hay ba tháng tham gia phim.
Bà xã đã động viên anh ra sao trước những chỉ trích vừa qua?
Bà xã lúc nào cũng động viên an ủi tôi. Lúc nào cô ấy cũng sợ tôi buồn. Cô ấy hay hỏi tôi: “Anh có buồn không?”, “Anh có nhớ nghề không?” Bã xã bảo, lúc nào cũng tôn trọng quyết định của tôi. Hai mẹ con cô ấy luôn đứng phái sau ủng hộ cho tôi dù tôi làm nghề gì hay công việc gì.
Tôi thấy mọi người quan tâm và chú ý đến tôi khá nhiều. Nhờ vào tình cảm và sự ủng hộ của khán giả, tôi cũng bắt đầu công việc kinh doanh hàng xách tay tốt hơn. Tôi nghĩ công việc này rất thích hợp với cuộc sống của tôi ở thì hiện tại.
Những ngày qua, việc vun đắp tình cảm giữa anh và con gái ra sao?
Mỗi ngày được sống gần con, được chơi với con, thi thoảng cũng thấy những biểu hiện lạ của con như: con biết được điều này một chút, điều kia một chút... khiến tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Hiện tại, tôi mới cảm nhận được xa con một ngày đã nhớ, vậy mà hơn một năm rưỡi qua, tôi không có được cảm giác này vì không gần con nhiều. Bây giờ tôi đã có được cảm giác thiêng liêng này.
Anh nghĩ sao nếu một ngày anh trở về, lớp diễn viên mới đã nổi lên và anh chỉ có thể đóng tuyến vai phía sau như cha, chú...?
Trước kia, tôi cũng từng thay thế những anh chị diễn viên lớn tuổi để vào vai chính. Họ đóng vai cha, vai chú. Trường giang sóng sau xô sóng trước. Vài ba năm nữa, những diễn viên trẻ tiến lên đóng vai chính. Khi tôi trở về nếu tôi lớn tuổi và già đi, đạo diễn hay nhà sản xuất yêu cầu tôi đóng vai cha, vai chú, tôi vẫn sẵn sàng nhưng với điều kiện, những vai đó tôi phải thấy thích và hợp với tôi.
Cảm ơn Hoàng Anh rất nhiều về những chia sẻ này!
Theo Lam Khánh (Nld.com.vn)