Gần 50 tuổi mới đóng phim, nhận lời đóng "Tây Du Ký" với thù lao 0 đồng
Trong 4 vai chính của “Tây du ký” bản 1986, Sa Tăng là vai diễn trầm lặng nhất. Dù ít đất diễn và lời thoại hơn Đường Tăng, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới, nhưng qua sự thể hiện của Diêm Hoài Lễ, nhân vật này để lại ấn tượng khó phai trong lòng người hâm mộ, cũng như trở thành “tượng đài” mà bao nhiêu lớp diễn viên sau này không thể phá vỡ.
Có 2 diễn viên đảm nhận nhân vật này trong phim là Diêm Hoài Lễ và Vương Đại Cương, nhưng người được khán giả yêu mến và đánh giá cao hơn là cố nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ.
Ít người biết, thời điểm “Tây du ký” bắt đầu khởi quay vào năm 1982, Diêm Hoài Lễ đã 46 tuổi. Là “tam sư đệ”, vai vế nhỏ nhất trong bốn thầy trò Đường Tăng, nhưng trong thực tế, ông là diễn viên lớn tuổi nhất đoàn làm phim. Lúc ấy, dù tuổi đời không còn trẻ, nhưng nghệ sĩ vẫn không quản khó khăn gian khổ, lăn xả hết mình vì vai diễn.
Được biết, ban đầu Diêm Hoài Lễ tìm đến đoàn phim Tây du ký để casting vai quốc vương trong phần Trừ yêu ở nước Ô Kê. Tuy nhiên, ông bị loại do ngoại hình cao lớn, dữ dằn không phù hợp với hình tượng quốc vương.
May mắn, đạo diễn Dương Khiết thấy tướng mạo của ông phù hợp với nhân vật Sa Tăng nên để ông có thêm cơ hội thử vai. Vai Sa Tăng này được xem là "sinh ra" để cho Diêm Hoài Lễ khi ông vừa hóa trang, bước ra, mọi thành viên trong đoàn đều cảm nhận được khí chất của nhân vật.
Cho đến nay, hình ảnh Sa Tăng kiệm lời nhưng cần cù, chất phác của ông vẫn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Thậm chí, Diêm Hoài Lễ còn được ca ngợi là Sa Tăng kinh điển nhất màn ảnh. Sau này, dù có nam nhiều diễn viên cũng đảm nhận vai vị đồ đệ hiền lành này nhưng vẫn không thể vượt qua được "cái bóng" quá lớn của ông.
Đáng chú ý, ngoài vai Sa Tăng, ông còn thể hiện 8 vai khác, gồm Ngưu Ma Vương, Tây Hải Long Vương, Thái Thượng Lão Quân, Thiên Lý Nhãn, ông lão, hòa thượng, Ngự Mã giám và Quyển Liêm đại tướng.
Vất vả là thế, trong suốt 6 năm cùng đoàn làm phim rong ruổi khắp mọi miền đất nước, ông không nhận bất kỳ một khoản thù lao nào, với mong muốn có thể hỗ trợ một phần cho bộ phim.
Tình bạn sâu nặng với Trư Bát Giới
Không chỉ được ca ngợi về diễn xuất, sự đức độ, Diêm Hoài Lễ còn khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi có tình bạn đẹp với "Trư Bát Giới" Mã Đức Hoa. Thời đóng Tây Du Ký, vì có nhiều cảnh quay chung, nên cả hai thân thiết với nhau nhất trong dàn diễn viên chính. Cứ thế, tình nghĩa huynh đệ của họ không chỉ có trên phim mà thực sự sâu nặng ở đời thực.
Mã Đức Hoa kể, vào những năm 1980, điều kiện vật chất của đoàn phim Tây Du Ký vô cùng thiếu thốn. Mỗi khi phải đến những nơi xa xôi, đoàn phim thường xảy ra tình trạng chen chúc nhau lấy cơm hộp. Khi ấy, sau khi quay xong, mọi người sẽ đổ xô đi nhận hộp cơm. Nhưng do mất nhiều thời gian để tháo bộ râu hoá trang rậm rạp, Diêm Hoài Lễ không kịp lấy đủ thức ăn.
Thấy vậy, Mã Đức Hoa thường chia cho ông một phần đồ ăn của mình. Cứ mỗi khi quay xong, họ lại ngồi cùng nhau ăn cơm, san sẻ từng gắp rau, miếng thịt. Khi được hỏi tại sao lại sẵn sàng nhường đồ ăn cho Diêm Hoài Lễ, Mã Đức Hoa tâm sự ông nghĩ vai diễn của đàn anh đòi hỏi rất nhiều năng lượng, nên cần ăn nhiều hơn.
Hơn nữa, ông rất ngưỡng mộ tình yêu nghệ thuật của Diêm Hoài Lễ. Trong Tây Du Ký, ngoài Sa Tăng, nghệ sĩ họ Diêm còn tình nguyện đóng nhiều vai không lương. Theo Mã Đức Hoa, tinh thần cống hiến hết mình cho nghệ thuật này không phải ai cũng có.
Chính những ngày tháng chia ngọt sẻ bùi ấy đã vun đắp cho tình bạn giữa Diêm Hoài Lễ và Mã Đức Hoa càng thêm sâu đậm. Sau này, trước khi trút hơi thở cuối cùng, người mà "Sa Tăng" muốn gặp mặt nhất cũng chính là nhị ca "Trư Bát Giới".
Cuối đời bị bệnh tật giày vò, ra đi không thể nhắm mắt
Sau bộ phim Kỷ Hiểu Lam, sức khỏe của Diêm Hoài Lễ vốn không tốt lại ngày càng lao dốc. Đến mức, ông phải lỡ hẹn với “Tây du ký” phần 2, quay vào năm 2000.
Mã Đức Hoa từng xót xa tiết lộ: "Diêm Hoài Lễ bị viêm phổi, căn bệnh khủng khiếp lắm. Anh ấy không thể ngửi thấy gì, ăn vào cũng chẳng cảm nhận được mùi vị, mắt bị lòa, tai cũng không nghe thấy rõ. Khi ra đi, anh ấy cũng đau đớn vô cùng".
Khi biết nguyên nhân khiến Diêm Hoài Lễ mắc bệnh, nhiều người lại càng rơi nước mắt. Theo Mã Đức Hoa, trong một lần đoàn phim Tây Du Ký đến một ngôi làng nhỏ quay phim, vì trong phòng có nhiều muỗi quá nên người trong ê-kíp đã đốt hương muỗi và nhắc nhở mọi người ra ngoài.
Tuy nhiên, Diêm Hoài Lễ lại bảo không sao đâu và ở lại. Lần ấy, "Sa Tăng" bị trúng độc, ảnh hưởng đến phổi nhưng lại không hề hay biết. Sau khi quay phim xong trở về Bắc Kinh, ông bất ngờ bị ngất trong một chuyến du lịch. Khi đưa tới bệnh viện cấp cứu, phổi của Diêm Hoài Lễ đã sưng to. Từ đó, căn bệnh của ông ngày càng nghiêm trọng.
Năm 2009, sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, Diêm Hoài Lễ trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện, hưởng thọ 73 tuổi. Trước lúc qua đời, ông có tâm nguyện được gặp lại “đại sư huynh” và “nhị sư huynh”. Tuy nhiên chỉ có Lục Tiểu Linh Đồng đến kịp.
“Tôn Ngộ Không” từng kể lại khoảnh khắc ấy rằng, nhận được điện thoại của vợ Diêm Hoài Lễ, ông tức tốc chạy đến bệnh viện. Thậm chí chờ thang máy quá lâu, ông không ngại leo thang bộ lên tầng 12 vì sợ không thể gặp mặt “Sa sư đệ” lần cuối.
“Lúc đến nơi, anh ấy đang thở oxy và được các bác sĩ tại đây cấp cứu. Vợ Hoài Lễ ở bên cạnh nói với chồng: "Anh ơi, Đại sư huynh đến thăm anh rồi này". Anh ấy không nói được, nhưng tôi thấy nước mắt chảy ra từ khóe mắt Hoài Lễ”, Lục Tiểu Linh Đồng nhớ lại.
Theo Lục Tiểu Linh Đồng, có lẽ vì không gặp được Mã Đức Hoa nên khi ra đi Diêm Hoài Lễ đã không thể nhắm mắt. Còn Mã Đức Hoa, vì không thể gặp người bạn thân thiết lần cuối, ông đã bật khóc nức nở.
Nam nghệ sĩ tâm sự: “Sáng hôm ấy, Lục Tiểu Linh Đồng gọi điện bảo tôi tới ngay bệnh viện. Nhà tôi cách bệnh viện rất xa, lại gặp tắc đường nữa nên tôi không tới kịp. Khi đến nơi, Diêm Hoài Lễ đã mất rồi”.
Lúc đó, "Trư Bát Giới" chỉ còn biết quỳ xuống bên giường, ghé sát tai "Sa Tăng" và nói": "Nhị sư huynh tới gặp anh đây".
(Tổng hợp)
Thùy Dương (SHTT)