Từ công nhân thành NSND
Nghệ sĩ Đức Long được ví là "quý ông hát" của làng nhạc Việt. Người ta nhớ đến ông với phong cách lịch lãm với bộ vest phẳng phiu và cặp kính gọng quen thuộc, hát lên những bản nhạc say đắm lòng người bằng giọng ca trầm ấm, tình cảm và vô cùng kỹ thuật.
Hơn 40 năm gắn bó với nghiệp hát, Đức Long vẫn ổn định phong độ và chưa bao giờ nguôi đam mê với âm nhạc. Nam nghệ sĩ thể hiện thành công nhiều ca khúc trữ tình, Cách mạng, nhạc Trịnh Công Sơn...
Sinh năm 1960 ở TP Hạ Long, nghệ sĩ Đức Long mồ côi cha mẹ từ khi 8 tuổi. Thời tuổi thơ khốn khó, ông phải làm đủ mọi nghề từ đóng gạch thuê, bốc vác đến kéo xe bò... để nuôi sống bản thân và có tiền ăn học.
Sau này, Đức Long vào làm công nhân Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai. Tại đây, ông bắt đầu tham gia cuộc thi tiếng hát của những người công nhân thợ mỏ. Khi giành Huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc khu vực I năm 1978 với ca khúc Chiều Hạ Long, tên tuổi ông được biết đến nhiều hơn.
Năm 1982, nghệ sĩ Đức Long trở thành thành viên Đoàn Ca múa Phòng không - Không quân. Đến năm 1989, ông chuyển về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Để theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp, Đức Long đăng ký học chuyên ngành Thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Từ năm 1994, ông trở thành ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Sau hơn 40 năm theo đuổi sự nghiệp ca hát, tên tuổi Đức Long được gắn liền với nhiều ca khúc được khán giả yêu thích như Biển nhớ, Bài ca bên cánh võng, Mơ về nơi xa lắm, Hà Nội và tôi... Đặc biệt, với ca khúc Trường ca sông Lô, ông từng giành được giải Người hát và trình bày bài hát Việt Nam Trường ca sông Lô hay nhất trong cuộc thi thính phòng toàn quốc.
Không chỉ là ca sĩ biểu diễn trên sân khấu, nghệ sĩ Đức Long còn tham gia công việc giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông từng đào tạo nhiều thế hệ học trò như Tùng Dương, Minh Thu, Hiền Anh… Năm 2007, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú..
Với nhiều cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, vào năm 2023, Đức Long đã có tên trong danh sách các nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND đợt 10.
Tuổi 63 sống cô độc trong căn nhà nhỏ vẫn mãn nguyện vì được hát
Ở ngoài đời, nghệ sĩ Đức Long là người sống kín đáo, bình dị. Ông từng kết hôn nhưng lại sớm độc thân. Nam nghệ sĩ tâm sự, nguyên nhân khiến hôn nhân của ông tan vỡ là vì tình cảm của hai vợ chồng ngày một nhạt dần. Họ chia tay trong hoà bình và vẫn đối xử với nhau thân tình như những người bạn hậu ly hôn.
Từ đó đến nay cũng có những bóng hồng đến với Đức Long nhưng ông vẫn chọn cuộc sống một mình. Dù lẻ bóng, nhưng nam nghệ sĩ nói rằng ông không cô đơn vì “đã quen với cô đơn”, không muốn phiền lụy đến ai.
Hơn nữa, Đức Long cũng có nhiều bạn bè. Căn nhà nhỏ của ông ở Hà Nội luôn đầy ắp tiếng cười và lời ca tiếng hát mỗi khi bạn bè, học trò đến thăm, tập hát. Khi có thời gian, nam nghệ sĩ lại lên đường đi du lịch khắp nơi hay tụ họp với bạn bè.
Nghệ sĩ Đức Long thừa nhận ông là một người giàu có về mặt tình cảm nhưng không giàu có về vật chất. Trong khi xung quanh, nhiều đồng nghiệp cùng thời có tài sản sung túc, học trò có người còn... giàu hơn ông, thì đến giờ, Đức Long vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ ở phố Lê Duẩn. Nam nghệ sĩ cũng không có xe sang hay của để dành.
Song với Đức Long, tài sản không bao giờ là thước đo cho sự hạnh phúc. Nam nghệ sĩ tâm sự cuộc đời ông viên mãn nhất chính là được hát. Ông mãn nguyện khi được sống tạm đủ để toàn tâm toàn ý với nghệ thuật.
Thường ngày, ngoài thời gian ca hát, Đức Long còn lên lớp dạy học. Nhiều thế hệ học trò được ông dạy dỗ và và thành danh như ca sĩ Tùng Dương, Minh Thu. Đặc biệt, dù không dư dả gì, nhưng ông vẫn luôn sẵn sàng cưu mang những học trò nghèo bao năm nay.
Bước sang tuổi 63, nghệ sĩ Đức Long vẫn tràn đầy sung mãn khi đứng trên sân khấu và luôn muốn được cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật. Ông tâm sự: "Với tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất chính là không được hát, ngoài ra tôi… không sợ gì cả".
Theo Tuệ Anh (Đời Sống & Pháp Luật)