Liên tục giành được trái tim người hâm mộ với những vai diễn như Mia Thermopolis - công chúa của Genovia, Ella trong Ella Enchanted hay Andrea Sachs trong The Devil Wears Prada… Anne Hathaway đã có một khoảng thời gian là con cưng trong lòng Hollywood, cho đến khi một làn sóng anti ập đến vào lúc cô đang ở đỉnh vinh quang, cộng đồng những người ghét Anne thậm chí còn có tên gọi riêng là Hatha-haters. Nhiều người không khỏi thắc mắc chuyện gì đã xảy ra đến nỗi cái tên Anne Hathaway luôn nằm chễm chệ trong tất cả những danh sách “Các ngôi sao/nữ diễn viên bị ghét nhất thời đại” mà bạn có thể tìm được ở internet.
Hào quang và thành công hiển nhiên
Tốt nghiệp trung học Milliburn High School - nơi Anne Hathaway đã diễn rất nhiều vai trong các vở kịch của trường, điển hình là vai diễn Winnifred trong vở nhạc kịch Once Upon a Mattress đem về cho cô đề cử giải Ngôi sao triển vọng do nhà hát Paper Mill trao tặng cho màn trình diễn xuất sắc nhất đối với một nữ diễn viên trung học. Với phương pháp dạy học theo kiểu Montessori khuyến khích trẻ em phát triển tư duy và tài năng của chúng một cách tự do, cô bé Anne đã được gieo vào lòng một niềm tin mãnh liệt về năng khiếu của mình khi trong suốt khoảng thời gian học trung học, cô luôn là ngôi sao sáng của trường với những vai diễn khó trong các vở kịch như Jane Eyre và Gigi tại nhà hát Paper Mill - New Jersey.
Cô cũng dành nhiều thời gian tập trung cho việc theo học chuyên ngành văn học Anh và nghiên cứu những cô gái trẻ vị thành niên tại trường đại học Vassar ở Poughkeepsie, New York trước khi chuyển sang trường Gallatin thuộc trường Đại học New York. Nữ diễn viên luôn tự hào chia sẻ rằng việc học lên đại học là một trong những quyết định đúng đắn và sáng suốt nhất của mình, bởi vì cô rất thích được học với những người “chín chắn”. Bên cạnh đó, cô cũng theo học tại Viện hàn lâm nghệ thuật Sân khấu Hoa Kỳ. Hathaway là nhân vật nhỏ tuổi nhất được nhận vào khóa học diễn xuất danh tiếng Barrow Group ở New York.
Sở hữu chất giọng soprano, Hathaway có cơ hội biểu diễn danh dự trong hai năm 1998 và 1999 với tất cả trường trung học phổ thông phía đông nước Mỹ tại Carnegie Hall và đồng thời cô cũng đã trình diễn trong các vở kịch ở trường dự bị Seton Hall tại West Orange, New Jersey. Ba ngày sau màn trình diễn năm 1999 ở Carnegie Hall, cô được chọn tham gia một vai trong loạt phim truyền hình Get Real trên kênh Fox ở tuổi 16 như một bước khởi đầu đến với nghiệp diễn.
Với một kho tàng kinh nghiệm đồ sộ như thế, có lẽ ít ai ngạc nhiên khi ngay từ bộ phim điện ảnh đầu tiên - The Princess Diaries (2001), Anne Hathaway đã gây ấn tượng mạnh với giới trẻ bởi lối diễn xuất và vẻ đẹp vượt thời gian của mình.
Những thành công nổi bật khi chỉ mới vào nghề đã là đòn bẩy lớn để Anne tie61n sâu hơn vào Hollywood. Kể từ khi nhận được nhiều sự yêu mến, Hathaway đã đóng vai chính trong nhiều bộ phim gia đình, trong đó ấn tượng nhất phải kể đến là Havoc và Brokeback Mountain vào năm 2005. Bên cạnh đó, cô cũng tham gia vai diễn chính trong The Devil Wears Prada (2006) cùng nữ diễn viên tài năng và được kính trọng nhất của nước Mỹ - Meryl Streep và Becoming Jane (2007) trong vai Jane Austen.
Vai diễn đã mang lại cho cô đề cử giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất vào năm 2008. Đến năm 2010, cô đóng vai chính trong các bộ phim có doanh thu phòng vé rất cao như Valentine's Day, Alice in Wonderland, Love and Other Drugs và đồng thời cô đã giành được một giải Emmy ở hạng mục màn lồng tiếng xuất sắc nhất trong phim The Simpsons.
Vào năm 2012, sự nghiệp của cô tiếp tục thăng hoa khi đảm nhận vai diễn miêu nữ Selina Kyle trong The Dark Knight Rises của đạo diễn Christopher Nolan - bộ phim thứ hai của Anne Hathaway đạt doanh thu trên một tỷ đô, tiếp tục lọt vào danh sách các bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở vị trí thứ 11. Qua tác phẩm điện ảnh kinh điển Les Misérables của đạo diễn Tom Hooper, cô được giới phê bình và công chúng đánh giá rất cao và đã mang về hàng loạt những giải thưởng điện ảnh danh giá, trong đó có giải Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, giải Quả cầu vàng, giải Nghiệp đoàn diễn viên màn ảnh và giải BAFTA.
Tổng cộng 23 bộ phim của Anne Hathaway đã thu về hơn 5 tỷ đô la Mỹ, giúp cô lọt vào danh sách Top 100 diễn viên đem về doanh thu cao nhất mọi thời đại. Cùng với hàng loạt những vai diễn liên tiếp đạt được thành công, Anne Hathaway đã trở thành một trong những minh tinh hàng đầu Hollywood hiện nay. Tạp chí People đã đưa tên cô vào hàng ngũ những ngôi sao đột phá của năm 2001, đồng thời cô cũng xuất hiện trong danh sách 50 người đẹp nhất thế giới vào năm 2006.
Ranh giới giữa yêu và ghét mong manh đến không ngờ
Con đường rộng mở là thế, nhưng sự phũ phàng của giới showbiz có lẽ không ai ngờ trước được. Hollywood có thể biến bạn từ công chúa thành phù thủy, từ con cưng thành con ghẻ chỉ trong một tích tắc. Đang ở đỉnh cao của vinh quang, Anne bất ngờ bị một làn sóng anti mạnh mẽ với những lí do khó có thể “duyên” hơn.
1. Đứa trẻ của nghề diễn
Trang Hollywood.com từng trích lời nam diễn viên Richard Lawson cho rằng Anne Hathaway chính là “điển hình không tốt của một “đứa trẻ nghề diễn”” (Theater Kid - từ lóng được dùng để chỉ những cô, cậu bé được tiếp xúc với diễn xuất và sân khấu từ khi còn rất nhỏ, là những diễn viên khó ưa, luôn luôn nhún nhường trước đạo diễn và thích sai khiến đồng nghiệp).
Sở dĩ Anne bị cho là “sản phẩm của lò luyện” vì cô lớn lên với nghề diễn tại một rạp hát ở tiểu bang New Jersey, ngày qua ngày dành thời gian cho diễn xuất, được rèn luyện và diễn tập hàng ngày, đây cũng chính là đòn bẩy để cô dễ dàng tiến vào Hollywood. Tất cả những điều trên khiến nhiều người kết luận chắc nịch rằng Anne hoàn toàn không thật sự tài năng.
2. Giải Oscar
Nói “Yêu nữ hàng hiệu” là khắc tinh của Oscar có lẽ không hề quá lời, vì vài trong những lí do lớn nhất khiến nước Mỹ quay lưng với cô đều liên quan đến Lễ trao giải Viện Hàn Lâm.
Vào năm 2011, Hathaway đồng “chủ xị” Oscar cùng nam diễn viên James Franco và chỉ trong một đêm, từ ngôi sao cực “chất” của dòng phim độc lập cô nàng đã trở thành con ghẻ quốc dân. Không những ca hát, nhảy múa trong buổi lễ, Anne còn “tăng động” quá mức với nhiều câu nói cùng diễn xuất quá lố khiến người hâm mộ hết lời lên án. Báo chí và các phương tiện truyền thông ngay sau đó không ngần ngại gắn mác “thảm họa” cho những gì cô đã thể hiện trên sân khấu.
Dường như vẫn chưa đủ, tại Oscar 2013, khi được vinh danh trong hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn Fantine của bộ phim Những người khốn khổ. Anne lập tức bị một làn sóng phản đối đến choáng ngợp bởi bài phát biểu bị cho là giả tạo và tự mãn. Từ những chủ bút lớn nhỏ đến các kênh truyền hình đều đưa tin chỉ trích cô, thậm chí báo mạng còn tràn lan những bài phân tích về sự đáng ghét của Anne Hathaway.
Lựa chọn im lặng trong một khoảng thời gian dài, mãi đến năm 2016, ngôi sao mới có thể nhắc lại scandal của mình với tờ tạp chí The Guardian. Cô thừa nhận mình đã “diễn” sự vui mừng và hạnh phúc khi nhận được bức tượng vàng mơ ước, Anne cũng giải thích thêm: “Tôi đã cảm thấy rất không thoải mái. Tôi đã trở nên như người mất trí khi thực hiện bộ phim đó, và tại thời điểm nhận giải tôi vẫn chưa trở về thực tại”.
Nữ diễn viên tiếp tục chia sẻ: “Nó là một chuyện vô cùng hiển nhiên, bạn thắng giải Oscar và bạn đáng ra phải hạnh phúc. Nhưng tôi không cảm thấy như vậy… Tôi đã cố giả bộ rằng mình hạnh phúc, và tôi bị phát hiện một cách ê chề. Đó là sự thật, và nó đã xảy ra”.
3. Gương mặt mảnh khảnh
Đây có thể là một trong những lí do khá hoang đường và khó tin, nhưng theo giáo sư tâm lý học Terry Pettijohn tại đại học Ohio, một vài người không thích Anne Hathaway bởi vì gương mặt mảnh khảnh của cô làm họ gợi nhớ đến những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Vị giáo sư giải thích thêm với tờ tạp chí Salon rằng, trong thời điểm “mưa thuận gió hòa”, công chúng thường ưa chuộng những diễn viên với khuôn mặt tròn và trẻ trung. Ngược lại, tại thời điểm khó khăn, họ thường nghĩ đến các diễn viên với gương mặt mảnh khảnh, chín chắn như Hathway. Và bởi vì Anne bước lên đỉnh cao nổi tiếng trong khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế năm 2008, vị giáo sư kết luận rằng gương mặt của cô chính là một trong những vấn đề lớn khiến cho ngày càng nhiều người muốn gia nhập cộng đồng Hatha-haters.
4. Từ chối sự thất bại và gục ngã
Thử làm một phép so sánh nhỏ với Jennifer Lawrence, một trong những diễn viên cùng thời khá được lòng công chúng. Cũng vào Oscar năm 2013, sau khi được xướng danh cho giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất, Jen đã vấp ngã trên bậc thang lên sân khấu và cô nàng chẳng ngại ngùng cười trừ khiến cả khán phòng lẫn những người theo dõi cảm thấy đây là khoảnh khắc vô cùng đáng yêu. Anne Hathaway lại vô cùng trái ngược, hình tượng công chúng của cô được xây dựng một cách không tì vết. Nhiều người cảm thấy khó chịu vì Anne trông có vẻ đầy tham vọng và quá hoàn hảo mọi lúc mọi nơi.
Ngoài những ý kiến tiêu cực, cũng có nhiều người cho rằng việc ghét Hathaway là hết sức bất hợp lý và vô bổ, như nữ diễn viên Lena Dunham từng chia sẻ: “Mọi người ạ: Anne Hathaway là một người theo chủ nghĩa nữ quyền và cô ấy có một hàm răng vô cùng tuyệt vời. Hãy để dành thái độ tiêu cực cho những người chậm tiến bộ ấy”. Anne hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu đạp lên dư luận và haters bằng những thành công nối tiếp thành công, tất cả những gì họ có thể làm được chỉ là than phiền về vài điều cũ rích và cay cú về sự hoàn hảo của cô mà thôi.
Theo Belle (Helino)