Sáng 27-9, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét kháng cáo của ông Vũ Thanh Hà (nguyên tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) và 5 bị cáo khác liên quan vụ án xảy ra tại dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ.
Trong vụ án này, sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) không làm đơn kháng cáo. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) đã rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm. Hai bị án này không có tên trong danh sách được tòa phúc thẩm triệu tập.
Trong phần thủ tục, chủ tọa Võ Hồng Sơn cho biết luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) gửi đơn đề nghị hoãn phiên xử. Lý do được đưa ra là luật sư đang phải cách ly để phòng dịch.
Đại diện Công ty Mai Phương cũng có đề nghị tương tự do luật sư của họ vắng mặt. Sau khi xem xét, HĐXX thấy phiên tòa phúc thẩm đã hoãn 3 lần do dịch Covid-19. Việc luật sư không đến tham gia tố tụng lần này không phải là quy định bắt buộc để hoãn tòa.
Theo HĐXX, 3 bị cáo gồm Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu (nguyên tổng giám đốc PVC); Nguyễn Xuân Thủy (nguyên phó phòng thuộc PVB) xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm dân sự. Hai bị cáo Khương Anh Tuấn (nguyên phó phòng thuộc PVB) và Hoàng Đình Tâm (nguyên kế toán trưởng PVB) cùng xin miễn trách nhiệm dân sự, còn Lê Thanh Thái (nguyên trưởng phòng thuộc PVB) mong được hưởng án treo.
Về dân sự, Công ty Mai Phương kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét buộc trả lại 3.400 m2 đất biệt thự tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho doanh nghiệp này. Trước đó, cấp phúc thẩm tuyên các bên liên quan trả lại khu đất cho PVC.
Bản án sơ thẩm xác định ông Đinh La Thăng có vai trò chính, biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nhưng đã dùng ảnh hưởng của mình, quyết định chỉ định thầu cho PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ. Sai phạm của ông Thăng thể hiện qua việc chủ trì các cuộc họp, bút phê chỉ đạo PVB và PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu cho liên danh trái quy định. Chủ trương này khiến dự án phải dừng thi công vào tháng 7-2013 khi chưa hạng mục nào hoàn thành, gây thiệt hại 543 tỉ đồng. Trịnh Xuân Thanh cùng Đỗ Văn Hồng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn liên quan chỉ đạo PVC tạm ứng cho PVC Kinh Bắc 25 tỉ đồng để mua mảnh đất trên ở Tam Đảo.
Theo đó, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm ông Thăng 11 năm tù và bồi thường 200 tỉ đồng, còn Trịnh Xuân Thanh lĩnh 18 năm tù và phải bồi thường hơn 143 tỉ đồng. Vũ Thanh Hà bị phạt 6 năm 6 tháng tù; Phạm Xuân Diệu 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn và Hoàng Đình Tâm cùng lĩnh 30 tháng tù. Lê Thanh Thái bị phạt 2 năm tù.
Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)