Một bị cáo nhận tội
Hôm nay (1.3), TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 10 bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vào buổi sáng, ở phần thẩm vấn, 9/10 bị cáo nói rằng bị oan, không phạm tội, chỉ một bị cáo nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh - nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro của NaviBank - khai rằng NaviBank có chủ trương gửi tiền vào VietinBank để thu lãi cao. Theo Oanh, việc tạo dựng 14 nhân viên đứng tên vay tiền từ NaviBank và gửi vào VietinBank chỉ là hợp đồng giả cách, nhằm thực hiện chủ trương của Hội đồng tín dụng (HĐTD) NaviBank gửi tiền vào VietinBank thu lãi cao.
Nhưng bị cáo này nói rằng vào thời điểm thực hiện chủ trương của HĐTD, bị cáo không ý thức được hành vi là phạm tội, không nhận được lợi ích nào từ chủ trương cho vay nói trên.
Bị cáo Huỳnh Vĩnh Phát - nguyên Trưởng phòng Kế toán - khẳng định bị truy tố oan. “Bị cáo có mở một tài khoản ngân hàng tại NaviBank để nhận tiền lãi ngoài do Huyền Như chuyển vào. Sau đó, bị cáo chuyển lại cho NaviBank, không hưởng lợi ích nào. 10 bị cáo không phạm tội “Cố ý làm trái...”, bị cáo Phát trình bày.
Bị cáo Phạm Thị Thu Huyền - nguyên Trưởng phòng Pháp chế - khẳng định hồ sơ cho 14 nhân viên vay theo hình thức tín dụng sử dụng vào mục đích “tiêu dùng” là đúng theo pháp luật thời điểm đó. Bản thân bị cáo không tham gia các cuộc họp của HĐTD nên không rõ chủ trương.
Bị cáo Trần Thanh Bình - nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng - cho rằng bị oan. Bị cáo không lập hồ sơ, không trình hồ sơ vay vốn của 14 nhân viên cho cho hội đồng tín dụng. “Thời điểm đó, không có quy định về hạn mức cho vay tín dụng là bao nhiêu. Ngân hàng dựa vào tài sản bảo đảm để xét cho vay. Người vay không cần thế chấp tài sản đảm bảo hoặc có thể thế chấp bằng tài sản trong tương lai. Ngân hàng xét duyệt cho vay qua xem xét mối quan hệ, độ tin tưởng của ngân hàng với khách hàng tức độ tin tưởng. Vay tín dụng thì xét đến khả năng trả nợ và mục đích sử dụng”.
Bị cáo Nguyễn Hùng Sơn - nguyên Phó tổng giám đốc - khai: “Theo nhận thức của bị cáo, các hành vi cho vay cá nhân thì pháp luật không cấm. Tiền đã vào đến các tài khoản cá nhân ở VietinBank là hợp pháp, vì thế hành vi của chúng tôi là không sai. Việc cho vay có lãi suất ngoài là không sai. Cho vay để khách gửi vào các ngân hàng thì pháp luật không cấm. Thời điểm đó, ngân hàng được phép gửi tiền sang tổ chức tín dụng khác thông qua nhiều hình thức như gửi liên ngân hàng, thông qua cá nhân khác”.
“HĐXX cần xem lại việc Huyền Như chiếm đoạt của ai, của VietinBank hay NaviBank. Bởi vì tiền đã vào VietinBank thì mới bị chiếm đoạt nghĩa là chiếm đoạt của VietinBank chứ không phải là của khách hàng gửi tiền”, bị cáo Sơn đề xuất. Nhưng chủ tọa nói rằng đề xuất trên không được phép xem xét tại tòa.
Bị án Huỳnh Thị Huyền Như khai rằng do thời gian quá lâu nên không nhớ để trả lời. Lời khai trong quá trình điều tra là đúng. Thời điểm đó, Huyền Như có dùng tiền cá nhân nộp vào tài khoản cá nhân của NaviBank khi đến hạn tất toán rồi ký lại hợp đồng. Toàn bộ số tiền 1.543 tỷ đồng mà NaviBank gửi vào VietinBank Nhà Bè đều bị Huyền Như rút ra ngay khi gửi vào để trả nợ cá nhân. Tại chi nhánh TP.HCM, Như không nhớ được 500 tỷ đồng tiền gửi ra sao.
VKS cãi nhau tay đôi với bị cáo
Buổi chiều, tới phần thẩm vấn của đại diện VKS. Hai đại diện của VKS thẩm vấn xoay quanh hành vi của các bị cáo về chủ trương cho 14 nhân viên vay tiền để gửi sang VietinBank hưởng lãi suất cao.
Trong phần thẩm vấn bị cáo Đoàn Đăng Luật - nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn, đại diện VKS đã có phần nổi nóng. Theo đó, đại diện VKS hỏi bị cáo Luật có thông báo, đề xuất về việc cho nhân viên vay như lời khai của nhân viên hay không? Luật trả lời không và đòi đối chất nhưng đại diện VKS không đồng ý. Tuy nhiên, thay vì bình tĩnh, đại diện VKS đã cãi tay đôi với bị cáo Luật và đặt nhiều câu hỏi mang tính áp đặt, đồng thời yêu cầu bị cáo Luật không được quơ tay khi trả lời.
Ngay lập tức, các luật sư bào chữa cho bị cáo Luật đã phản đối. Luật sư Đồng Hữu Pháp (Đoàn luật sư Thừa Thiên - Huế) nhắc rằng quyền điều khiển phiên tòa là của chủ tọa, đại diện VKS không thể cấm bị cáo quơ tay. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cho rằng, bị cáo đang đứng trước bục khai báo chứ không phải đứng trước vành móng ngựa và chưa bị xem là có tội nên không bị hạn chế quyền của mình.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho rằng đại diện VKS không có quyền ngắt lời của bị cáo khi bị cáo đang trả lời.
Luật sư Nguyễn Đình Thuận phản đối việc đại diện VKS đặt câu hỏi mang tính áp đặt, áp đảo bị cáo, không được khách quan.
Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, bị cáo đang trả lời thì đại diện VKS lại tiếp tục đặt câu hỏi như đang cãi nhau tay đôi là không đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Trước phản ứng của các luật sư, chủ tọa yêu cầu các bên không được tranh cãi và nhắc nhở đại diện VKS rằng chủ tọa mới là người điều khiển phiên tòa. Lúc này, không khí phiên tòa mới lắng xuống và đại diện VKS tiếp tục phần thẩm vấn.
Theo Lý Tín (Dân Việt)