Ở lần tranh luận này, đại diện VKS một lần nữa khẳng định hành vi của các bị cáo được đánh giá là cố ý. Các bị cáo biết phải thực hiện theo tiêu chuẩn, nhưng không thực hiện, gây ra hậu quả vỡ đường ống nước 18 lần.
Tranh luận một lần nữa về việc các LS cho rằng sự cố không có hậu quả, số tiền 16,6 tỉ đồng khắc phục sự cố là đã dự trù, tức là đã dự báo trước, biết trước, đại diện VKS vẫn cho rằng nếu không xảy ra sự cố, số tiền đó đã không phải chi dùng vào việc sửa chữa. “Đại diện công ty nước sạch đã nói rất nhiều lần trước tòa việc không đòi bồi thường “vì lý do nhân văn cao đẹp”, chứ không phải không có hậu quả”, đại diện VKS nhấn mạnh.
“Nguyên nhân vỡ đường ống nước đã được cơ quan giám định kết luận là do chất lượng ống, đã cấu thành tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng... VKS đã trả lời rất thẳng, trong cách lập luận để xác định hành vi của các bị cáo, VKS đã lập luận về hành vi cố ý, rõ ràng là vi phạm và đã đưa ra đầy đủ các căn cứ”.
Tuy vậy, LS Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Viglafico - PV) đề nghị VKS làm rõ đây là phiên tòa xét xử hậu quả của 18 lần vỡ ống hay xét xử chất lượng ống, vì nó sẽ khác nhau hoàn toàn về trình tự và hướng của vụ án. “VKS càng phân tích càng thấy rõ là căn cứ vào kết luận giám định để luận tội.
Kết luận giám định có 2 phần, về hình thức, chúng tôi khẳng định là không đúng, về nội dung cũng sai. Giám định 10 lần vỡ mà kết luận tội của 18 lần... Người ta nói rằng không đủ cơ sở để nói ống có độ bền 50 năm, VKS lại nói là vỡ vì không đủ độ bền 50 năm”. LS Hưng cũng cho rằng kể cả vi phạm hàng loạt các quy định như VKS xác định, nhưng không gây chết người và không gây thiệt hại tài sản của người khác thì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm…
Khi được cho nói lời sau cùng, các bị cáo vẫn không nhận tội và cho rằng sự cố vỡ đường ống là do khách quan.
Theo Vũ Hân (Thanh Niên Online)