Luật sư Trần Đình Triển, người bào chữa cho bị cáo Vũ Thanh Hải (nguyên Trưởng phòng sản xuất, nguyên GĐ phân xưởng, nguyên Phó GĐ công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) đặt câu hỏi cho điều tra viên:
Liên quan đến việc cáo buộc các bị cáo vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng có hai bản kết luận giám định của Bộ Xây dựng. Một cái là công văn 107 nằm trong hồ sơ vụ án, bản giám định này đóng dấu mật. Đề nghị điều tra viên xác định là vụ án công khai, công văn đóng dấu mật đã được giải mật chưa?
Thiếu tá Nguyễn văn Trung, điều tra viên cao cấp Bộ Công an trả lời: Ông tham gia vụ án ngay từ giai đoạn đầu. Qúa trình điều tra, sau khi đường ống nước sông Đà tiếp tục vỡ, cơ quan công an đã ra hai yêu cầu trưng cầu giám định gửi Bộ Xây dựng.
Theo thiếu tá Trung, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý chuyên môn cao nhất trong ngành xây dựng. Vì vậy, để làm rõ vụ án, nguyên nhân vỡ, chất lượng có độ bền đến đâu, cơ quan điều tra đã gửi hồ sơ, phối hợp với cơ quan giám định này trong quá trình thực hiện giám định.
Thiếu trá Trung cho biết, đây là vụ án có tính đặc thù, công trình đang sử dụng, dừng cấp nước thì không được phép nên phối hợp với chủ đầu tư, cơ quan trưng cầu giám định, các đơn vị liên quan để xác định rõ nguyên nhân.
Từ thời điểm trưng cầu tới khi đưa ra kết luận lần 1 là 8 tháng. Sau khi có kết luận thứ nhất thì một số vấn đề cần làm rõ thêm nên cơ quan điều tra mới có quyết định trưng cầu giám định bổ sung gửi Bộ Xây dựng.
Thiếu tá Trung cho biết, ông có làm việc với đơn vị ban hành văn bản thì họ chịu trách nhiệm về việc ban hành này. Ông Trung có báo cáo về việc văn bản đóng dấu mật, sau đó làm các thủ tục để đưa chúng thành chứng cứ vụ án.
Luật sư Triển cho rằng, đã đóng dấu mật thì theo pháp lệnh nhà nước chỉ được sử dụng công khai khi Cơ quan Nhà Nước ban hành giải mật thì mới được công khai. Luật sư không thấy có văn bản giải mật trong hồ sơ.
Chiều nay, phiên tòa bước sang phần tranh luận.
Theo T.Nhung (VietNamNet)