Các bị cáo phải ra trước tòa gồm Nguyễn Ngọc Sự (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin), Trương Văn Tuyến (cựu Tổng giám đốc Vinashin), Phạm Thanh Sơn (cựu Phó Tổng giám đốc Vinashin) và Trần Đức Chính (cựu Kế toán trưởng Vinashin) cùng về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4, Điều 355, BLHS 2015
Trong số các bị cáo, ông Chính hầu tòa lần thứ hai. Ngày 8/5 trước đó, ông này bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 18 tháng tù cùng tội danh trên vì nhận lãi ngoài của Ngân hàng TMCP Đại Dương - Oceanbank khi còn làm Trưởng ban tài chính, Kế toán trưởng Viện Dầu khí Việt Nam - VPI.
Theo cáo trạng, trong giai đoạn năm 2008-2010, Vinashin có nguy cơ phá sản nên được Nhà nước tái cơ cấu, sáp nhập về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Vinashin đã tiếp nhận 2.200 tỷ đồng từ PVN và 4.190 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương để thực hiện đề án tái cơ cấu. Do đang bị kiểm soát đặc biệt nên Vinashin chỉ được sử dụng số tiền này sau khi có ý kiến của Thủ tướng.
Ngày 29/10/2010, ông Sự đã ký văn bản gửi Thủ tướng và ông Tuyến ký văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị được sử dụng công cụ tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương - Oceanbank để nâng hiệu quả sử dụng vốn.
Mặc dù Thủ tướng không đồng ý với chủ trương trên, ông Sự, Tuyến, Sơn và Chính đã thống nhất gửi tiền vào Oceanbank để hưởng lãi suất, cùng khoản chăm sóc khách hàng mà nhà băng này chi trả.
Theo điều tra, trước khi gửi tiền, ông Sự được cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm gặp, kêu gọi Vinashin gửi tiền vào ngân hàng này. Khi Thắm thăm dò việc muốn chi riêng chăm sóc khách hàng, ông Sự không đòi hỏi mà nói rằng đã giao bộ phận chuyên môn do Sơn, Chính phụ trách làm đầu mối giao dịch.
Nghe vậy, ông Thắm đã giao cho Nguyễn Thị Minh Phương (Giám đốc Chi nhánh Thăng Long trong các năm 2010-2012) trực tiếp làm việc với ông Chính.
Từ năm 2010 đến tháng 6/2014, Vinashin đã thực hiện hơn 2.300 hợp đồng giao dịch tiền gửi có kỳ hạn vào Oceanbank với số tiền gần 104.000 tỷ đồng và gần 182 triệu USD. Tiền lãi theo hợp đồng là gần 1.100 tỷ đồng và gần 30.000 USD.
Quá trình thực hiện hợp đồng tiền gửi, các cá nhân là lãnh đạo và nhân viên Oceanbank Thăng Long trực tiếp đưa tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho ông Chính, tổng cộng hơn 105 tỷ đồng.
Ông Chính được giao tiếp nhận, quản lý số tiền lãi ngoài nêu trên (không hạch toán) để chi tiêu, sử dụng cho các công việc chung của Vinashin.
Viện KSND tối cao xác định, bị can Nguyễn Ngọc Sự đã trực tiếp ký 12 hợp đồng trên giao dịch gửi tiền vào Oceanbank và chiếm hưởng cá nhân 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo ủy quyền của Trương Văn Tuyến, bị can Chính đã trực tiếp ký nhiều hợp đồng trên giao dịch phát sinh tiền gửi tại Oceanbank.
Đồng thời, trực tiếp nhận, quản lý, sử dụng trái nguyên tắc số tiền ngoài lãi suất theo chỉ đạo của Sự, Tuyến, Sơn và chiếm hưởng cá nhân 10 tỷ đồng. Ngoài ra, với vai trò là Tổng Giám đốc của Vinashin, bị can Tuyến đã cùng đề xuất chủ trương và trực tiếp chỉ đạo việc gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank. Đồng thời, ký ủy quyền cho Sơn và Chính thực hiện gửi tiền vào Oceanbank khi chưa được sự đồng ý của Chính phủ.
Cáo trạng của VKS cáo buộc ông Sự đã nhận 8 tỷ đồng và chi tiêu, sử dụng cá nhân 385 triệu đồng; Tuyến 3,5 tỷ đồng; Sơn chiếm hưởng 1,2 tỷ đồng; còn Chính chiếm hưởng 10 tỷ đồng và chi tiêu, sử dụng cá nhân hơn 82 tỷ đồng
VKSND tối cao nhận định, Trần Đức Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng do các cán bộ của OceanBank chi ngoài lãi suất cho các hợp đồng tiền gửi của Vinashin. Số tiền này Chính trực tiếp quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin mà để ngoài sổ sách. Từ đó xác định, 4 bị can (Sự, Chính, Tuyến và Sơn) phải chịu trách nhiệm hình sự đồng phạm về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 105 tỷ đồng của Oceanbank.
Viện KSND tối cao kết luận, 4 bị can Sự, Tuyến, Chính và Sơn phải liên đới bồi thường toàn bộ số tiền hơn 105 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Đến nay, chỉ có hai bị can Sự và Tuyến đã nộp lại số tiền đã chiếm hưởng (bị can Sự nộp 5,3 tỷ đồng và Tuyến nộp 3,5 tỷ đồng). Còn bị can Chính và Sơn chưa nộp lại số tiền đã chiếm hưởng
Từ những hành vi trên, VKSND Tối cao truy tố cả 4 bị cáo về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điểm a, Khoản 4, Điều 355 BLHS với khung hình phạt tù 20 năm hoặc chung thân.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đang làm rõ việc giải ngân, sử dụng với 2.200 tỷ đồng Vinashin nhận từ PVN và 4.190 tỷ đồng từ kho bạc. Vì vậy, cơ quan điều tra đã tách hành vi này để xử lý sau khi có kết quả.
Theo Ngọc Anh (Bảo Vệ Pháp Luật)