Từ tâm lý bế tắc tột cùng
Những ngày qua, vụ thiếu niên 14 tuổi bỏ bả chó vào sữa khiến cha và bà nội uống dẫn tới tử vong xảy ra tại xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phía dư luận.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc nhìn tâm lý tội phạm học, Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên điều tra viên cao cấp Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội) nhận định đây là một vụ án phức tạp, hung thủ gây án một cách man rợ, tinh vi.
Theo ông Vân, tội ác không bỗng dưng sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Thiện-ác là 2 mặt trái ngược, tồn tại song song trong bản năng mỗi người.
Tội ác thường là những phần bị giấu kín, không dễ dàng bộc lộ. Hay nói cách khác, hành vi tội ác không phải là khoảnh khắc, mà nó là hệ quả của sự tích tụ, tác động từ nhiều yếu tố khác nhau (gia đình, nhà trường, xã hội…). Khi sự tích tụ về mặt nguyên nhân đủ lớn, chỉ cần có điều kiện là hành vi tội ác sẽ phát sinh.
Quy chiếu vào vụ việc trên, điều kiện dẫn tới tội ác bước đầu được cơ quan điều tra làm rõ là do xung đột, mâu thuẫn về trong mối quan hệ cha con. Tại cơ quan điều tra, thiếu niên 14 tuổi khai, trong quá trình sinh sống, người cha thường xuyên uống rượu. Khi nghi phạm khuyên cha bỏ rượu thì bị la mắng nên nảy sinh ý định giết người.
Trong vụ việc này, thiếu niên 14 tuổi đã chọn cách xử lý là cho bả chó vào sữa để giết người thân. Mặc dù có thể nhìn nhận vụ án dưới nhiều góc độ khác nhau, cũng có nhiều lý do được đưa ra phân tích, nhưng xét về góc độ hành vi đơn thuần thì thủ đoạn của nghi phạm là mất tính người. Dường như đối tượng rơi vào trạng thái bế tắc đến tột cùng và khi không thể giải quyết mối quan hệ với cha bằng cách thức mang tính thiện chí, tốt đẹp, thiếu niên này đã nghĩ tới việc làm cực đoan.
Ngoài ra ông Vân cho rằng, trong vụ việc trên, môi trường gia đình, xã hội đã có ảnh hưởng sâu đậm tới việc định hình nhân cách, nhận thức hạn chế của nghi phạm.
Cụ thể, nghi phạm có hoàn cảnh gia đình hết sức đặc biệt. Bố mẹ ly thân, nghi phạm bỏ học sớm, lăn lộn với công việc mưu sinh. Và cái chính là đối tượng này thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc từ bố mẹ. Từ đó, đối tượng càng dễ bị tác động bởi những yếu tố xã hội. Mà thông thường, cái xấu sẽ dễ bị tiêm nhiễm hơn là việc tiếp thu, học hỏi những điều tốt đẹp.
Tổng hòa tất cả những yếu tố trên, chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng thể và logic hơn về diễn biến hành vi phạm tội của thiếu niên 14 tuổi.
Đến hành động cực đoan
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án hình sự điều tra về hành vi "Giết người". Đồng thời, công an đã tạm giữ đối với P.M.Q. (SN 2009, trú tại huyện Cái Bè) để phục vụ công tác điều tra.
Theo lời khai ban đầu, năm Q. lên 6 tuổi thì cha mẹ ly thân. Q. và 2 em về ở với mẹ tại nhà ông bà ngoại ở xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè). Năm 2021, Q. bỏ học và cùng mẹ làm ở vựa trái cây của dì ruột. Vài năm gần đây, Q. về ngủ tại nhà của bà nội và cha ruột ở xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè). Ông P.V.Y. (SN 1978, cha ruột Q.) thường xuyên uống rượu. Q. nói cha bỏ rượu thì bị la mắng nên đã nảy sinh ý định giết người.
Ngày 13/10, Q. đã xin bả chó từ một người quen. Khuya cùng ngày, Q. lấy bả chó bỏ vào hộp sữa mà cha ruột và bà nội là P.T.P. (SN 1940) thường hay uống.
Sáng 14/10, Q. đi làm như thường ngày thì hay tin cha ruột tử vong. Đến tối cùng ngày, bà P. cũng uống sữa. Khoảng 5 phút sau, bà P. có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn ói và chết trên đường đi cấp cứu. Gia đình cho rằng cả 2 tử vong do bệnh lý nên không trình báo cơ quan Công an và tổ chức đám tang.
Sáng 15/10, con ruột bà P. là P.M.T. (SN 1968) đến nhà phụ đám tang cũng uống sữa và có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, nôn ói nên gia đình đưa đi cấp cứu. Ông T. được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng rất nặng. Bác sĩ đã tích cực điều trị, sức khỏe ông T. đã ổn định và xuất viện về nhà.
Sau khi xảy ra vụ việc, Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, tử thi, thu giữ các đồ vật tài liệu, làm việc với những người có liên quan.
Căn cứ kết quả giám định các mẫu vật thu tại hiện trường và kết quả điều tra, Q. là người có liên quan đến vụ việc nên Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp, đồng thời tiếp tục làm rõ các đối tượng liên quan (nếu có).
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), những vụ án đau lòng xảy ra phần nhiều có nguyên nhân sâu xa từ những lỗ hổng về giáo dục, về quan niệm sống, sự thiếu chuẩn mực về đạo đức. Mỗi gia đình luôn phải là pháo đài để bảo vệ các giá trị cốt lõi. Cần phải giáo dục về sự yêu thương, sự chia sẻ, về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Nếu được thường xuyên giáo dục đạo đức, văn hóa, các quy tắc ứng xử văn minh và sự hiểu biết pháp luật thì sự bình yên sẽ đến với mỗi gia đình.
Theo Chi Lê (Giadinh.suckhoedoisong.vn)