VỤ HOÁN ĐỔI ĐẤT CÔNG Ở QUẬN 3, TP HCM: Không có căn cứ điều tra bổ sung!

03/06/2021 10:16:02

Sau khi bị cáo Dương Thị Bạch Diệp kêu oan, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền cung cấp thêm 3 văn bản chứng minh rõ hơn hành vi phạm tội và khẳng định không có căn cứ điều tra bổ sung

Trong văn bản trả lời những đề nghị của cấp sơ thẩm sau khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án hoán đổi tài sản tư nhân 57 Cao Thắng lấy tài sản thuộc sở hữu nhà nước 185 Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM), VKSND Tối cao gần như bác bỏ các đề nghị.

Giữ nguyên quan điểm

Ở vụ án này, trong quyết định trả hồ sơ hồi tháng 3-2021, cấp sơ thẩm đề nghị: "Làm rõ quá trình hoán đổi 2 tài sản, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) có thông báo đến những bị cáo khác trong vụ án hay cán bộ, nhân viên UBND TP HCM khác về việc tài sản 57 Cao Thắng đang ở tình trạng thế chấp hoặc có tranh chấp liên quan đến thế chấp với ngân hàng hay không? Có căn cứ xác định các bị cáo khác hay cán bộ, nhân viên UBND TP liên quan biết rõ tài sản tư nhân đang thế chấp hay không?".

Lý giải, VKSND Tối cao thấy rằng cơ quan điều tra làm rõ nội dung này trong quá trình điều tra. Kế đến, ở phần xét hỏi tại tòa sơ thẩm, 9 bị cáo còn lại đều thừa nhận họ không biết tài sản 57 Cao Thắng đang tranh chấp hay thế chấp. Đồng thời, bị cáo Diệp thừa nhận bị cáo không báo cơ quan quản lý nhà nước nội dung trên. Mặt khác, hồ sơ vụ án không có tài liệu khác thể hiện các cá nhân thuộc sở - ngành, UBND TP biết tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh TP HCM (Agribank TP HCM).

VỤ HOÁN ĐỔI ĐẤT CÔNG Ở QUẬN 3, TP HCM: Không có căn cứ điều tra bổ sung!
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hồi tháng 3-2021 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đối với yêu cầu tổ chức đối chất trong trường hợp xuất hiện mâu thuẫn lời khai giữa 2 hay nhiều người (có tiến hành biện pháp điều tra khác nhưng không thể giải quyết), cơ quan công tố giải thích vụ án không có lời khai mâu thuẫn ngoài lời khai không thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo Diệp. Đối với tài liệu mới bổ sung ngay phiên xử sơ thẩm, cơ quan chức năng tiến hành đối chất công khai. Qua đó, cơ quan công tố làm rõ thêm hành vi phạm tội của bị cáo Diệp.

Từ đó, VKSND Tối cao kết luận không có cơ sở trả hồ sơ, điều tra bổ sung những vấn đề trên.

Đã rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ở phiên sơ thẩm, phía bị cáo Diệp kêu oan, trình ra một số quan điểm, chứng cứ mới liên quan đến hiện trạng tài sản 57 Cao Thắng. Tại tòa, bị cáo khăng khăng bản thân bị truy tố oan; tài sản 57 Cao Thắng không phải là tài sản bảo đảm bất kỳ khoản vay nào ở Agribank TP HCM; quá trình ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, Agribank có động thái lừa dối bị cáo; bị cáo tố cáo cơ quan điều tra cùng một số cơ quan, tổ chức thu thập, cung cấp tài liệu giả...

Đối với các vấn đề này, theo VKSND Tối cao, sau khi TAND TP HCM yêu cầu điều tra bổ sung, cơ quan điều tra cung cấp thêm 3 tài liệu chứng minh bị cáo đại diện Công ty Diệp Bạch Dương ký tên, gửi Ban Nội chính Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an... Văn bản kể trên thể hiện tài sản 57 Cao Thắng đã bị thế chấp. Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất phương án trả nợ ngân hàng thành 3 lần. Lần thứ nhất, doanh nghiệp sẽ trả hơn 2.100 tỉ đồng để giải chấp 3 tài sản, trong đó có nhà đất 57 Cao Thắng. Nội dung tài liệu chứng tỏ đó là tài sản bảo đảm tại Agribank TP HCM từ năm 2008, đến nay chưa giải chấp.

Tại tòa, đại diện Agribank TP HCM trình bày doanh nghiệp thế chấp tài sản 57 Cao Thắng nhằm bảo đảm khoản dư nợ 8.700 lượng vàng. Phản bác, bị cáo Diệp trình HĐXX tài liệu chứng minh bị cáo không hề thế chấp tài sản. Bị cáo lập luận phía ngân hàng trưng ra tài liệu giả. Luật sư bào chữa chỉ rõ bề mặt hồ sơ thuộc một số tài liệu có dấu hiệu bất thường. HĐXX nhận định đây là tình tiết mới, cần làm rõ.

Sau khi xem xét, VKSND Tối cao nhận thấy luật sư cùng bị cáo không thể cung cấp chứng cứ chứng minh lời khai. Kết quả giám định xác định bị cáo ký tên vào hợp đồng, giấy nhận nợ... Đây là chứng cứ vật chất, không bị làm giả trong hồ sơ vụ án.

Chứng minh sai phạm, cơ quan có thẩm quyền thu thập tài liệu từ 6 cơ quan, tổ chức (Sở Tài nguyên và Môi trường TP, Sở Tài chính TP, UBND TP HCM, Agribank...). Cơ quan công tố khẳng định tài liệu những tổ chức trên cung cấp phù hợp về diễn biến vụ án, với kết quả điều tra cũng như kết quả thẩm vấn công khai. Như vậy, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã rõ.

VKSND Tối cao đủ cơ sở pháp lý xác định 8 nội dung tòa sơ thẩm yêu cầu điều tra bổ sung đều không có căn cứ; không phải tình tiết mới phát sinh. Từ đó, VKSND Tối cao giữ nguyên cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.

Tương tự, VKSND Tối cao truy tố bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM) và 8 đồng phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ở vụ án này, Dương Thị Bạch Diệp có hành vi gian dối trong quá trình hoán đổi 2 tài sản. Giai đoạn thẩm định, bị cáo không cung cấp bản gốc giấy tờ tài sản 57 Cao Thắng; thế chấp tài sản này tại ngân hàng. Hoán đổi thành công và nhận giấy tờ sở hữu khu đất 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không đổi tài sản thế chấp; tiếp tục dùng tài sản 185 Hai Bà Trưng thế chấp ở ngân hàng khác. Hậu quả, nhà nước mất quyền sở hữu tài sản 185 Hai Bà Trưng. 

Chữ ký con gái bà Diệp không liên quan đến vụ việc

TAND TP HCM đề nghị cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định chữ ký bà Nguyễn Thị Châu Hà (con gái bà Diệp, thành viên Hội đồng Thành viên Công ty Diệp Bạch Dương). Dựa trên kết quả điều tra bổ sung, tòa án đề nghị làm rõ trách nhiệm của bà Hà, nếu đủ căn cứ thì xử lý theo luật định.

Theo VKSND Tối cao, việc trưng cầu giám định chữ ký con gái bà Diệp không liên quan đến toàn cảnh hoán đổi tài sản. Cơ quan điều tra tách ra xử lý sau đối với hành vi bà Hà thực hiện.

 

Nổi bật