Diễn biến mới vụ đại gia Dương Thị Bạch Diệp

13/05/2021 09:11:36

VKS giữ nguyên quan điểm truy tố theo cáo trạng trước đó, cho rằng đủ cơ sở kết luận bị cáo Dương Thị Bạch Diệp lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 BLHS.

Theo lịch xét xử, ngày 26-5, TAND TP.HCM sẽ đưa ra xét xử vụ ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng đồng phạm thiếu trách nhiệm trong vụ hoán đổi khu “đất vàng” 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM) gây thiệt hại 186 tỉ đồng.

Phiên xử dự kiến kéo dài đến ngày 2-6. HĐXX triệu tập 27 cá nhân, đơn vị liên quan đến phiên tòa.

Diễn biến mới vụ đại gia Dương Thị Bạch Diệp
Bà Dương Thị Bạch Diệp bị dẫn giải đến phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trả hồ sơ tám vấn đề

Trước đó, cuối tháng 3, HĐXX sau khi đánh giá lại toàn bộ tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKSND Tối cao điều tra bổ sung tám vấn đề liên quan đến việc cáo buộc bà Dương Thị Bạch Diệp (giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) lừa đảo.

Theo hồ sơ mới được chuyển đến tòa, VKS cho rằng tám nội dung mà HĐXX yêu cầu điều tra bổ sung đều không phải tình tiết mới phát sinh tại tòa. Đây là những tài liệu, chứng cứ vật chất đã có trong hồ sơ vụ án; được kiểm tra, thẩm vấn công khai tại tòa, qua đó đã làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Diệp.

Để chứng minh cho hành vi lừa đảo, cơ quan điều tra (CQĐT) đã thu thập tài liệu từ các nguồn Agribank TP.HCM, Sở TN&MT, Sở Tài chính, UBND TP.HCM, Ngân hàng Phương Nam, Sở Văn hóa - Thông tin và Du lịch, Phòng Công chứng số 1. Đây là sáu tổ chức nhà nước hoạt động theo quy định pháp luật, tài liệu của các tổ chức này cung cấp đều là phù hợp với nhau về diễn biến vụ án, phù hợp với kết quả điều tra, phù hợp với kết quả thẩm vấn công khai tại tòa.

Đồng thời, CQĐT cũng giám định chữ ký của bị cáo Diệp trong hồ sơ và trưng cầu giám định tài sản theo quy định của BLTTHS. Do đó đủ cơ sở kết luận bị cáo Diệp lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 BLHS. VKS giữ nguyên quan điểm truy tố theo cáo trạng trước đó.

Ngoài ra, khi điều tra bổ sung, CQĐT cung cấp thêm ba tài liệu do bị cáo Diệp, đại diện công ty ký gửi các cơ quan chức năng đều thể hiện tài sản tại 57 Cao Thắng đang được thế chấp tại Agribank TP.HCM.

Qua đó tiếp tục khẳng định tài sản này là tài sản đảm bảo của công ty bị cáo Diệp tại Agribank từ ngày 31-12-2008 đến nay chưa được giải chấp.

Giám định chữ ký mẹ con bà Diệp

Tại phiên tòa trước, bà Diệp phủ nhận mọi hành vi thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản tại 57 Cao Thắng, không ký giấy nhận nợ 8.700 lượng vàng. Tất cả tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc thế chấp đều là giả.

Trong khi tại tòa, đại diện ngân hàng đã xác định rõ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, sau khi cán bộ ngân hàng nhận giấy chứng nhận vào ngày 25-1-2011, có cho bị cáo Bạch Diệp mượn để phôtô công chứng. Việc công chứng có cán bộ ngân hàng trực tiếp giữ giấy đi cùng. Đến nay ngân hàng vẫn đang giữ giấy.

Kết quả điều tra và thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy lời khai của bà Bạch Diệp là không có căn cứ. Do đó không có căn cứ để điều tra bổ sung.

Tại tòa, bà Diệp còn cho rằng các tài liệu của công ty bà do phía Agribank cung cấp đều giả mạo. Bị cáo hoàn toàn không ký các văn bản hay biên bản làm việc như đại diện Agribank trình bày. HĐXX nhận thấy trong quá trình điều tra, công an đã trưng cầu chữ ký của bà Bạch Diệp tại các hợp đồng, tài liệu. Tuy nhiên, do có một số tình tiết mới phát sinh trong quá trình tranh tụng, để đảm bảo có đủ căn cứ vững chắc trong việc xác định chữ ký có phải của bà Diệp không thì đề nghị trưng cầu giám định chữ ký của bà lẫn bà Nguyễn Thị Châu Hà (con gái bà) tại các tài liệu mà Công ty Diệp Bạch Dương đã nộp lưu tại Agribank. Đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của bà Hà, nếu có đủ căn cứ thì xử lý theo pháp luật.

VKS cho rằng yêu cầu giám định chữ ký của bà Diệp không có giá trị chứng minh tội phạm. Do đó không cần thiết giám định bổ sung theo yêu cầu của HĐXX.

Việc trưng cầu giám định chữ ký của bà Hà không liên quan đến việc hoán đổi nhà, đất. Hành vi của bà Hà ký trên các tài liệu liên quan đến việc vay vốn của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank đã được CQĐT tách ra xử lý sau. Do đó không có căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung.•

Thiệt hại hàng trăm tỉ đồng

Năm 2008, bà Diệp mang tài sản thuộc sở hữu tư nhân 57 Cao Thắng đổi lấy tài sản khu đất 185 Hai Bà Trưng, trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, thuộc sở hữu nhà nước, thuộc quyền quản lý của UBND TP.HCM.

Bà Diệp gian dối khi cung cấp giấy tờ sở hữu khu đất 57 Cao Thắng (bản phôtô) thể hiện chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo. Khi được cấp giấy chứng nhận cho khu nhà, đất tại 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp thế chấp vay tiền. Còn nhà, đất tại 57 Cao Thắng thì cũng không thể sang tên cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ vì bà Diệp đã thế chấp.

Cáo trạng xác định Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã mất quyền kiểm soát đối với nhà, đất tại 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại 186 tỉ đồng. Ông Tài và các thuộc cấp sai phạm khi ký duyệt và làm thủ tục hoán đổi nhà này nên bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Hoàng Yến (Pháp Luật TPHCM)

Nổi bật