Tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một lần nữa, vấn đề gian lận thi cử tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện nay mặc dù đã xử lý trách nhiệm của một số cá nhân trực tiếp sửa điểm, nhưng dư luận và cử tri còn băn khoăn và đề nghị làm rõ trách nhiệm của những phụ huynh can thiệp làm sai lệch kết quả thi.
Cùng bàn về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – ông Phan Thanh Bình cho rằng, vấn đề này thuộc về đạo đức, nền tảng xã hội, là mảng không được sai phạm.
Chia sẻ với lực lượng công an đã tích cực điều tra thì mới ra được kết quả, song ông Phan Thanh Bình không “vừa lòng” với đánh giá các sai phạm, vi phạm trong vụ việc này đã được xử lý nghiêm.
Theo ông, những người tham gia có 3 vai trò là người hối lộ, người nhận hối lộ để thực hiện hành vi sai phạm và người thụ hưởng hành vi sai phạm đó.
“Cơ quan chức năng mới xử lý những người có trách nhiệm đã làm sai, còn có hay không những người đưa tiền thì chưa được làm rõ” – ông Bình nói và đề nghị cần làm sáng tỏ vấn đề này, xử lý trách nhiệm của những người liên quan. Những sai phạm trong thi cử vừa qua không thể nói vì quan hệ tình cảm mà không tìm ra được chứng cứ.
Qua giải trình thêm tại phiên họp, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí thông tin, vụ gian lận thi cử ở Sơn La, cơ quan chức năng tỉnh điều tra tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nhưng bây giờ Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND tối cao đang định rút về để điều tra về tội đưa, nhận hối lộ, và tới đây sẽ còn khởi tố bổ sung thêm 7 đối tượng nữa.
Ông Trí cho rằng, trong phòng chống tham nhũng, có những vụ ở dưới địa phương không làm được thì cần phải rút về Trung ương để làm vì khách quan, độc lập.
“Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TAND Tối cao cũng mới nói với chúng tôi, trong vụ gian lận thi cử là tội “đưa và nhận hối lộ”, chứ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là chưa chính xác, vì có yếu tố nhận tiền” – ông Lê Minh Trí cho biết.
Theo kế hoạch, ngày 16/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Sơn La.
8 bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Đặng Hữu Thủy ( nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tô Hiệu); Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng); Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục); Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục); Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn, nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La.
Các đối tượng bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La triệu tập 47 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (gồm phụ huynh có con được nâng điểm) và 43 người làm chứng đến tòa, trong đó có ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.
Theo PV (VOV.VN)