Làm rõ những vết bầm tụ ngoài da của nạn nhân
Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đang tạm giữ Lê Thành Công (43 tuổi, trú ngõ 323 Xuân Đỉnh, tổ dân phố Xuân Lộc 3, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra vụ bé L.H.A. (6 tuổi - con gái C.) tử vong vào chiều 16/9.
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Cháu bé 6 tuổi tử vong có dấu hiệu bầm tím, bị tác động ngoại lực lên nhiều vị trí trên cơ thể nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để có căn cứ giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, CQĐT sẽ làm rõ những vết bầm tụ ngoài da của cháu bé là do vật gì gây lên và diễn ra trong hoàn cảnh như thế nào, ai là người chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé, nguyên nhân nào dẫn đến việc cháu bé tử vong?
Ngoài việc xem xét các dấu vết trên cơ thể, thực hiện các thủ tục pháp y thì CQĐT cũng sẽ tiến hành triệu tập những người có liên quan, những người làm chứng để làm rõ thông tin về vụ việc. Trong đó có cha, mẹ của cháu bé này.
"Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì vào khoảng 16h00 chiều 16/9 cháu bé bị bố đẻ đánh, sau đó thì cháu nhập viện rồi tử vong.
Bởi vậy cần làm rõ nguyên nhân tử vong có phải do trận đòn roi của người bố này hay không. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các vết thương trên cơ thể bé và xác định nguyên nhân tử vong. Nếu có các vết thương và thương tích là nguyên nhân tử vong thì người đã đánh cháu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật....", Luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định của Luật trẻ em và Luật hôn nhân và gia đình thì cha, mẹ là người đầu tiên có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái cho đến khi trưởng thành.
Pháp luật cũng nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực đối với trẻ em dưới mọi hình thức, với bất cứ ai và bất cứ vì nguyên nhân nào. Bởi vậy hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, không có gì biện minh được cho hành vi này.
Kể cả trường hợp cha, mẹ, thầy, cô... giáo dục con cái cũng không được phép dùng bạo lực trong giáo dục.
Hành vi đánh đập vì bực tức hay là thực hiện hoạt động giáo dục thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự.
Ngày 18/9, Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã tạm giữ người cha cháu bé là ông L. T. C. (43 tuổi, trú tổ dân phố Xuân Lộc 3, phường Xuân Đỉnh).
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi bạo hành, đánh đập dẫn đến cháu bé tử vong thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" người theo điều 123 bộ luật hình sự năm 2015.
Mọi hành vi bạo lực để giáo dục con đều vi phạm pháp luật
Trường hợp không phải là lỗi cố ý, không mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra, tuy nhiên người chăm sóc cháu bé đã có hành vi vô ý dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong thì cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người.
Hành vi vô ý hay cố ý sẽ phụ thuộc vào nhận thức, ý thức chủ quan của người chăm sóc cháu bé tuy nhiên đều được xác định là hành vi có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Luật sư Cường hy vọng cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ sự việc để có kết luận đúng đắn, làm căn cứ áp dụng các quy định của pháp luật bởi đây là vụ việc rất nghiêm trọng và đau lòng.
"Hành vi bạo hành, bạo lực gia đình và các vụ tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra nếu như người lớn, những người chăm sóc bảo vệ trẻ em vô ý, bất cẩn hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật", Luật sư Cường nói.
Theo Luật sư Cường, với những cháu nhỏ mới chỉ 6 tuổi thì còn quá non nớt, chưa nhận thức được gì nhiều về gia đình và xã hội, chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân mình.
Bởi vậy việc chăm sóc, bảo vệ những đứa trẻ ở độ tuổi này đòi hỏi trách nhiệm rất cao của cha mẹ, những người thân trong gia đình.
Hình ảnh cháu bé bị thương tích đầy người, nhiều vết thâm tím cho thấy sự việc rất xót xa, có thể là việc hành hạ, đánh đập... thì mới gây ra những thương tích nghiêm trọng như vậy.
Vụ việc dẫn đến chết người, đặc biệt là chết trẻ em là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan điều tra sẽ sớm có kết luận về nguyên nhân tử vong của cháu bé, sẽ làm rõ trách nhiệm của người cha, của mẹ cháu bé để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Dù vụ việc được giải quyết theo hướng nào chăng nữa thì đây cũng là một câu chuyện hết sức đau lòng cho gia đình, người thân mà cả cho giáo viên, nhà trường và xã hội.
"Vụ việc này dù kết thúc như thế nào chăng nữa thì đây cũng là một bài học cho các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con cái, đặc biệt là khi các cháu còn quá nhỏ như vậy.
Mọi hành vi dùng bạo lực để giáo dục con cái đều là những hành vi sai lầm và vi phạm pháp luật, hành vi phản giáo dục này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà khó có thể khắc phục được...", Luật sư Cường bày tỏ
Theo Hoàng Hải (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)