Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày 17/9 đã tạm giữ hình sự anh Lê Thành Công, 43 tuổi, trú tại phường Xuân Đỉnh, để làm rõ cái chết của con gái 6 tuổi, nghi bị bạo hành. Anh Công thừa nhận đã đánh con 5 tiếng trước khi nạn nhân tử vong vào chiều 16/9. Bệnh viện Nhi Trung ương xác định bé gái tử vong ngoại viện, trên cơ thể có dấu hiệu bị bạo hành.
Đây không phải lần đầu tại Hà Nội xảy ra những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, dẫn đến nhiều trẻ thiệt mạng thương tâm. Cách đây một năm, bé gái N.N.M.M. (sinh năm 2017) qua đời sau khi bị mẹ và cha dượng đánh đập, bạo hành liên tục trong 2 ngày.
Tháng 2/2021, bé gái N.H.B., 12 tuổi, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông bị mẹ đẻ bạo hành và người tình của mẹ xâm hại tình dục gây xôn xao dư luận.
Ngày 18/9, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, về tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại thời gian qua.
"Thực trạng trẻ em bị xâm hại và bạo hành ở nước ta đang ở mức báo động"
Bà có suy nghĩ như thế nào trước cái chết thương tâm của bé gái 6 tuổi nghi bị bạo hành tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm?
Tôi rất bàng hoàng và đau xót. Một em bé mới 6 tuổi chập chững vào lớp 1, chịu thiệt thòi không được dự khai giảng như mọi năm, không được gặp thầy cô và bạn bè. Vậy mà vừa khai giảng trực tuyến được mấy ngày, cháu bé đã phải rời xa cuộc đời.
Cái chết thương tâm của bé gái khiến cả xã hội thương xót, nhưng đau xót nhất vẫn chính là gia đình nạn nhân. Người mất, người vướng vòng lao lý, lại mang tiếng xấu với cộng đồng và xã hội. Liệu người bố có dằn vặt và đau khổ không?
Trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng, chúng ta đặt ra nhiều giả thiết, rằng người bố trong vụ việc không cố tình đánh con đến mức tử vong. Người này có thể do bực tức, nóng giận không thể kìm nén, đã dùng một vật đánh vào trúng chỗ hiểm trên cơ thể con gái dẫn đến cái chết của con.
Dù với bất cứ lý do nào, người bố cũng sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã nắm được thông tin qua báo chí và truyền thông, xem xét và lên tiếng. Không chỉ yêu cầu pháp luật xử lý nghiêm minh đúng người đúng tội, chúng tôi còn muốn ngăn ngừa không để các vụ việc đau lòng tương tự xảy ra.
Nhiều người lớn sau khi đánh đập trẻ thường biện hộ rằng "Con tôi hư, tôi dạy dỗ", "Chuyện nhà tôi, không cần người ngoài can thiệp". Họ nói đó là cách giáo dục con, bà có đồng tình với quan điểm này không?
Hoàn toàn không.
Đúng các cháu là "con anh, con chị" nhưng không phải bố mẹ muốn làm gì thì làm. Mỗi em bé từ khi sinh ra, được đăng ký khai sinh, đã trở thành một công dân của đất nước. Đặc biệt, công dân nhỏ tuổi lại càng được nhà nước quan tâm và bảo vệ.
Người lớn tự cho mình quyền đánh đập con cái chỉ vì con học kém, không bằng "con nhà người ta". Bố mẹ nên học cách "tự bằng lòng", con mình sinh ra như thế nào thì phải chấp nhận như thế, đừng lấy những hình ảnh "con nhà người ta" để áp đặt vào con mình.
Mỗi đứa trẻ có tính cách riêng, nhút nhát hay tự tin, chăm chỉ hoặc lười biếng, người lớn nên từ từ uốn nắn. Bố mẹ đều muốn con mình giỏi giang, nhưng không phải vì thế mà đánh con, trút hết bao nhiêu kỳ vọng lên đầu đứa trẻ.
Theo bà, mức độ như thế nào được coi là bạo lực, bạo hành trẻ em?
Bạo lực không chỉ là hành vi xâm hại sức khỏe mà còn cả về tinh thần của trẻ em. Theo quy định tại điều 4 Luật Trẻ em 2016, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Đối với trẻ em, chúng ta phải hết sức chú ý lời nói và hành động.
Dù không đánh vào cơ thể trẻ, nhưng có lời nói xúc phạm, mắng chửi, đe dọa,... cũng khiến trẻ phát triển không bình thường. Nếu trẻ bị sang chấn tâm lý, sẽ để lại hậu quả lâu dài. Vết đau cơ thể theo thời gian sẽ dần phục hồi, nhưng thần kinh của trẻ mỗi khi bị tác động, sẽ dần mai một.
Có những trẻ vốn học rất giỏi, nhưng chỉ qua một lần bị đánh đập, bị hù dọa, miệt thị, nếu thần kinh yếu và trẻ chưa phát triển toàn diện, sẽ trở nên lơ ngơ, hoảng sợ, không thể trở lại như bình thường.
Thời gian gần đây, thực trạng bạo hành trẻ em tại Việt Nam diễn ra như thế nào?
Thông qua những số liệu thống kê, phải nói rằng thực trạng trẻ em bị xâm hại và bạo hành ở nước ta đang ở mức báo động. Những vụ việc được phát hiện ngày càng nhiều hơn, mức độ nặng nề hơn.
Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển và hiện đại, dễ phát tán thông tin, đã giúp các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện nhiều hơn so với trước.
Ngày xưa, "đèn nhà ai nhà nấy rạng", hàng xóm láng giềng chứng kiến cảnh trẻ em bị bố mẹ đánh đập, nhưng không muốn nói vì sợ mất lòng nhau.
Thế nhưng bây giờ, người dân biết cách lên án bằng nhiều hình thức khác nhau như chụp ảnh, ghi âm, quay clip, rồi đăng tải lên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Từ đó, cơ quan chức năng và truyền thông sớm vào cuộc xác minh, làm rõ.
Bố mẹ cần làm gì để kìm hãm sự bực tức, nóng giận trong mình, tránh không trút giận lên con trẻ?
Đối với trẻ em nhỏ tuổi, bố mẹ nên để ý cách tiếp xúc với con. Chúng tôi vẫn thường đưa ra lời khuyên bố mẹ cần âu yếm, nhẹ nhàng và tình cảm, "roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng".
Dường như ngày nay, người lớn chịu nhiều áp lực, sức ép từ xã hội, mà khi về nhà có nhiều cách ứng xử không đúng với con cái.
Tôi lấy ví dụ, khi trẻ sai, trước mặt nhiều người, bố mẹ không kìm nén, không biết cách giáo dục, trực tiếp mắng mỏ hay đánh con sẽ khiến trẻ mặc cảm, xấu hổ và sợ hãi. Do đó, bố mẹ cũng cần phải học những kỹ năng làm cha làm mẹ.
Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam từng kết hợp với một tổ chức quốc tế đưa ra chương trình "Kỷ luật tích cực, làm cha mẹ tốt" để dạy các ông bố bà mẹ những kỹ năng cần thiết. Để khi xảy ra những tình huống, bố mẹ biết cách kiềm chế cảm xúc như thế nào và ứng xử với con ra sao.
Nếu trẻ bị bạo hành ngay chính trong căn nhà của mình, trách nhiệm đầu tiên là của bố mẹ
Ngày 10/9, một bé trai 10 tuổi sống tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân tử vong do bị điện giật khi học online. Người bố không thể ngờ rằng trong khoảng thời gian mình ra ngoài có chút việc, khi trở về đã mãi mãi mất con. Theo bà, phụ huynh cần quan tâm con trẻ như thế nào, nhất là thời điểm Hà Nội đang giãn cách xã hội, trẻ chưa thể đến trường?
Luật Trẻ em ra đời năm 1991, câu đầu tiên người ta viết: "Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước". Như vậy, trước hết gia đình cần biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đúng cách.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19, trẻ em ở nhà nhiều hơn, bố mẹ phải quan tâm nhiều hơn, tuyệt đối không được chủ quan và để trẻ vượt khỏi tầm mắt mình.
Những em học cấp 2 sẽ biết cái gì nguy hiểm và phải phòng tránh. Nhưng đối với trẻ nhỏ tuổi, không lường trước được những nguy cơ nào đang rình rập xung quanh và không biết tự bảo vệ mình.
Trong gia đình, nếu có những vật dụng dễ gây tai nạn cho trẻ, như đun bếp không an toàn có thể gây cháy nổ, dao hay vật sắc nhọn, những chỗ cheo leo trẻ dễ ngã, hay các thiết bị điện, gia đình cần phải kiểm tra toàn bộ và đảm bảo an toàn. Đặc biệt những chỗ ban công không có lưới bảo vệ, cũng dẫn đến nhiều trường hợp đau thương, trẻ nhỏ tử vong vì ngã từ tầng cao.
Cơ quan, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trước những vụ việc trẻ bị bạo hành?
Nếu trẻ bị bạo hành ngay chính trong căn nhà của mình, trách nhiệm đầu tiên là của bố mẹ. Họ có thể vì thiếu hiểu biết, không được giáo dục kỹ năng dạy con nên mới có những hành vi không chuẩn mực.
Sau đó, trách nhiệm liên đới là của chính quyền địa phương. UBND cấp xã, phường rất quan trọng trong công tác trẻ em. Mỗi khi nhận thông tin vụ việc, các cán bộ của xã, phường sẽ báo cáo và chính quyền địa phương sẽ vào cuộc điều tra, xác minh.
Kế hoạch sắp tới của Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để hạn chế những vụ việc bạo hành trẻ em?
Chúng tôi thường tổ chức tập huấn cho các hội viên và họ làm rất tốt, không vi phạm, rồi lan tỏa ra cộng đồng. Sau mỗi vụ việc, chúng tôi đều tìm hiểu nguyên nhân, các biện pháp khắc phục khác nhau.
Đặc biệt thời điểm vừa bước vào năm học mới, trong thời gian rất ngắn tại Hà Nội đã liên tiếp chứng kiến 2 trẻ nhỏ tử vong thương tâm. Chúng tôi đề xuất, tham mưu với chính quyền địa phương, lên án mạnh mẽ các hành vi bạo hành trẻ em, đưa ra những giải pháp. Thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng các chương trình "roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng".
Người lớn và trẻ em muốn phản ánh, kêu cứu khi bị bạo hành, xâm hại, có thể bằng những cách nào?
Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 luôn sẵn sàng 24/24, là đường dây khẩn cấp có nhiệm vụ thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại, kiểm tra thông tin tố giác ban đầu.
Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em.
Ngoài ra, người lớn và trẻ em có thể liên hệ qua đường dây nóng của các cơ quan chức năng.
Nếu không có và không biết sử dụng điện thoại, trẻ em nên tâm sự với người mình tin tưởng nhất. Hoặc gửi thư đến hộp thư "Điều em muốn nói" tại mỗi trường học để được quan tâm và chăm sóc kịp thời.
Theo số liệu từ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi, trong đó có 706 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em.
Trong 706 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27% (cao hơn cùng kỳ năm ngoái 167 ca, tương đương 3,36%); 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28% (tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca, giảm về tỉ lệ là 17,28%).
Trong số 362 ca bạo lực trẻ em, có 315 trường hợp được nhận dịch vụ hỗ trợ, 47 trường hợp không nhận được hỗ trợ. Có 93/112 ca trẻ em bị xâm hại tình dục được nhận dịch vụ hỗ trợ, 19 trường hợp không nhận được hỗ trợ.
Lý do trẻ em không được nhận hỗ trợ là do gia đình từ chối hoặc không hợp tác, trẻ em chuyển đi nơi khác không liên lạc được, địa phương đợi kết quả điều tra từ công an hoặc xác minh không có vụ việc.
Theo Minh Nhân (Tổ Quốc)