Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, vợ của ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, vào sáng 7/6 ông Dương đã về nước.
Theo bà Hiền, việc về nước của cựu Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nhằm phối hợp cùng cơ quan điều tra làm rõ vụ án chạy thận làm 9 người chết xảy ra hồi 29/5/2017, vừa qua được xét xử bởi tòa án nhân dân TP.Hòa Bình.
Bà Hiền cho biết, khi biết thông tin HĐXX tòa án nhân dân TP.Hòa Bình trả hồ sơ đề nghị điều tra làm rõ trách nhiệm, ông Trương Quý Dương đã về nước.
Trước đó, trao đổi với PV trước ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ án chạy thận, bà Nguyễn Thị Minh Hiền cho biết, chồng bà xuất cảnh sang Toronto (Canada) từ hôm 3/4 và dự kiến đến cuối tháng 6 mới trở lại Việt Nam.
Lý do xuất cảnh của cựu Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hòa Bình được vợ ông cho biết, là để chăm sóc cháu ngoại (con của con gái thứ 2).
Trong suốt quá trình diễn ra phiên xử bác sĩ Hoàng Công Lương, nhiều lần các luật sư đề nghị sự cần thiết phải có mặt của ông này, tuy nhiên ông Dương đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Sau đó, luật sư Đỗ Quốc Quyền (đoàn Luật sư Hà Nội) được ông này ủy quyền tham gia vụ án.
Tuy nhiên, sau ngày đầu có mặt ông Quyền cũng bỗng dưng "mất tích" giống thân chủ với lý do sức khỏe không đảm bảo.
Trước đó, ThS. LS Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, vụ án hình sự xảy ra tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình được sự quan tâm của dư luận xã hội. Sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài thì HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan trong đó có ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc công ty Dược phẩm Thiên Sơn.
Việc HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, trước đây chỉ có thẩm phán mới có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn chuẩn bị xét xử...
Đây được xem là một quyết định khá thận trọng của HĐXX trong vụ án này, thực hiện việc trả hồ sơ theo đúng thẩm quyền luật định với phương châm không oan sai, không sót người, lọt tội. Còn kết quả điều tra bổ sung thế nào lại thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra và VKS cùng cấp theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Điều đáng nói trong vụ việc này là ông Trương Quý Dương lại không có mặt tại Việt Nam. Nếu thời gian tới, ông Trương Quý Dương về Việt Nam và phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ một số nội dung, tình tiết có liên quan tới vụ án thì vụ án có thể tiếp tục trong thời hạn luật định. Nếu ông Trương Quý Dương không về, không thể liên hệ được mà thời hạn điều tra bổ sung đã hết thì rất có thể "kịch bản" giống vụ án với Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ sẽ xảy ra. Khi đó cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các trường hợp theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự để tạm đình chỉ vụ án.
Cũng theo luật sư Cường, Điều 229, BLTTHS năm 2015 thì cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can. Tuy nhiên, BLTTHS cũng quy định: Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can. Như vậy, nếu vụ việc thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 229, BLTTHS thì cơ quan điều tra sẽ tạm đình chỉ điều tra cho tới khi lý do tạm đình chỉ không còn.
"Cũng cần lưu ý là kể cả ông Trương Quý Dương và một số người được nhắc đến trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vẫn chưa bị khởi tố bị can, hiện nay họ chỉ là những người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên việc triệu tập lấy lời khai hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn để điều tra sẽ khó khăn hơn là đối với bị can (người đã bị khởi tố bị can). Có một số nước vẫn chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam nên việc triệu tập, dẫn độ là không thể thực hiện được", luật sư Cường cho hay.
"Nếu vụ việc phức tạp, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các thủ tục điều tra mà cơ quan điều tra vẫn không thu thập được thêm tài liệu, chứng cứ nào để buộc tội thêm các cá nhân khác thì có thể vẫn phải tách rút tài liệu để xem xét, xử lý sau, còn với những trường hợp đã rõ, đã có căn cứ thì phải tiếp tục xử lý để đảm bảo công bằng, đúng pháp luật", luật sư Cường nhận định.
Đánh giá về việc bác sĩ Hoàng Công Lương khẳng định mình vô tội và chưa "vui trọn vẹn" khi HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung, luật sư Cường cho rằng, đối với bác sĩ Lương thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ các chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội.
Nếu không có đủ căn cứ để buộc tội bác sĩ Lương về tội danh đã bị truy tố, đồng thời không thể buộc tội về tội danh nào khác thì cơ quan điều tra sẽ phải đình chỉ điều tra với bác sĩ Lương và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, đồng thời tính toán đến câu chuyện bồi thường, xin lỗi, cải chính công khai, phục hồi các quyền và lợi ích mà bác sĩ Lương đã bị xâm hại trong thời gian qua.
Còn nếu có thêm chứng cứ, căn cứ buộc tội thì có thể cơ quan điều tra, VKS vẫn đề nghị tòa án xét xử với bác sĩ này, khi đó căn cứ vào kết quả tranh tụng, HĐXX sẽ có quyền tuyên có tội hoặc vô tội, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa theo nguyên tắc tranh tụng đã được Hiến pháp và BLTTHS năm 2015 quy định.
Theo Xuân Hoà (Nguoiduatin.vn)