Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Thời gian điều tra bổ sung bao lâu?

06/06/2018 09:06:01

Vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương đã được TAND thành phố Hòa Bình trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án Tòa quân sự Trung ương, trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định thời gian đối với việc trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Chiều tối 5.6, trao đổi nhanh với báo chí bên hàng lang Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, về thủ tục vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương sau khi được TAND thành phố Hòa Bình trả hồ sơ điều tra bổ sung đến Viện KSND thành phố Hòa Bình, cơ quan này sẽ chuyển đến Cơ quan Công an để đề nghị điều tra bổ sung theo những nội dung yêu cầu của Hội đồng xét xử.

Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Thời gian điều tra bổ sung bao lâu?
Bác sĩ Hoàng Công Lương áo xanh (ảnh VNN).

Trao đổi với Dân Việt, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, hiện đang là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết: Tại điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định trường hợp Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 1 tháng. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.

Điều luật cũng quy định, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.

“Điều tra bổ sung nghĩa là để thu thập thêm chứng cứ để làm rõ hơn nội dung vụ án. Trong quá trình điều tra bổ sung nếu phát hiện tội phạm mới thì Cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can để xử lý tiếp. Sau khi kết thúc điều tra bổ sung hồ sơ lại được Cơ quan điều tra gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp. Trên cơ sở điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát có thể bổ sung cáo trạng hoặc thay đổi cáo trạng truy tố”, Thiếu tướng Bộ cho biết.

Vẫn theo Thiếu tướng Bộ, vụ bác sĩ Hoàng Công Lương với những nội dung đã được nêu khi Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung cho thấy cơ quan tố tụng sẽ mở rộng vụ án.

Có thể thấy vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong quá trình xét xử, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu trên báo chí nêu ý kiến về vụ án này. Thậm chí đến phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, có một đại biểu còn nêu vụ án này ra trước Quốc hội và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cần lên tiếng. Sau đó có 3 đại biểu đã tranh luận, ngoài ra có 3 đại biểu khác cũng giơ biển xin tranh luận, tuy nhiên Đoàn Chủ tịch đã đề nghị các đại biểu dừng tranh luận vì vụ án vẫn đang được xét xử.

Cũng liên quan đến vụ án này, có cơ quan, tổ chức đã gửi kiến nghị tới TAND thành phố Hòa Bình đề nghị xem xét vụ án một cách công tâm, khách quan, đặc biệt chú ý tới những chứng cứ gỡ tội cho bác sĩ Lương.

Theo luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), việc những cá nhân, tổ chức muốn gửi kiến nghị gì cho tòa án đó là quyền của họ. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không chịu sự chi phối của bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

“Việc các đại biểu Quốc hội phát biểu nêu ý kiến, rồi cơ quan, tổ chức gửi kiến nghị, cả chuyện dư luận xã hội không thể tác động làm thay đổi kết quả xét xử được. Vụ án bác sĩ Lương nếu không có những phát biểu, những đề nghị thì Hội đồng xét xử vẫn phải xem xét một cách khách quan, toàn diện từ những chứng cứ buộc tội, gỡ tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, những tình tiết phát sinh tại tòa. Đó là nghĩa vụ của Hội đồng xét xử nói riêng và những người tiến hành tố tụng nói chung”, luật sư Nam nói.

Chiều ngày 5.6, Hội đồng xét xử vụ bác sĩ Lương đã quyết định trả hồ sơ điều tra với 6 nội dung được yêu cầu làm rõ:

- Thứ nhất, điều tra làm rõ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội với bị cáo Hoàng Công Lương. Cụ thể, xác định lỗi của bị cáo trong việc ra y lệnh chạy thận ngày 29.5.2017. Trước khi ra y lệnh, Lương có báo cáo cấp trên hay không? Hệ thống nước đã đảm bảo đủ an toàn để chạy thận hay chưa? Làm rõ việc thay đổi lời khai của Hoàng Công Lương và người làm chứng, người liên quan về việc bác sĩ Lương có được giao phụ trách Đơn nguyên thận hay không?

- Thứ hai, kiến nghị khởi tố, điều tra đối với ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức) và ông Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư bệnh viện) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

- Thứ ba, kiến nghị điều tra, làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) trong việc ký kết các hợp đồng liên danh sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế và căn cứ để thu nguồn tiền chạy thận nhân tạo. Xác định có hay không thỏa thuận khác trong việc thu và sử dụng nguồn tiền này.

- Thứ tư, điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh, Đặng Thị Huyền và các điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng, Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thị Hậu liên quan đến việc ra y lệnh chạy thận và bàn giao thiết bị sau sữa chữa. Làm rõ trách nhiệm của các ông Khiếu, Hoàng Công Tình trong việc ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho Hoàng Công Lương vào sổ họp giao ban.

- Thứ năm, xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế đối với việc ban hành 2 công văn gửi cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình và Công ty luật Nguyễn Chiến có nội dung mâu thuẫn nhau về quy trình xét nghiệm mẫu nước RO theo tiêu chuẩn AAMI. Làm rõ chủ trương của Bộ Y tế trong việc cho phép các cơ sở y tế công lập phục vụ hoạt động dịch vụ liên quan thận nhân tạo.

- Thứ sáu, xem xét trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trong việc cấp phép và quản lý giám sát các hoạt động của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có hoạt động chạy thận nhân tạo.

Theo Lương Kết (Dân Việt)