Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bác bỏ lý lẽ bào chữa

02/04/2024 08:11:03

Dẫn các tài liệu, chứng cứ, VKSND TP HCM khẳng định có căn cứ để khẳng định các bị cáo có hành vi như cáo trạng nêu

Ngày 1-4, TAND TP HCM tiếp tục xét xử 86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Làm rõ thủ đoạn

Trong ngày làm việc thứ 19 này, đại diện VKSND TP HCM đối đáp nội dung bào chữa cho bị cáo của các luật sư.

VKSND phân tích, làm rõ 3 vấn đề gồm vai trò thực sự của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB; mục đích đưa tài sản vào SCB; lý do truy tố bị cáo này tội "Tham ô" trong khi nhiều đồng phạm được xác định giúp sức bị truy tố với tội danh khác.

Để chứng minh bị cáo Lan thâu tóm, sở hữu tới 91,5% vốn điều lệ của SCB rồi điều hành, chi phối mọi hoạt động của ngân hàng này, VKSND dẫn chứng nhiều tài liệu. Theo đó, tại các biên bản hỏi cung, bị cáo Lan xác nhận vận động người thân, bạn bè mua cổ phần 3 ngân hàng từ trước khi sáp nhập. Ngoài ra, ngày 22-12-2022, lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã giao nộp cho cơ quan điều tra 6 sổ chứng nhận hợp đồng bản gốc của nhiều công ty cả trong và ngoài nước được tìm thấy trong phòng làm việc của bị cáo Lan. Đây là các pháp nhân có cổ phần tại SCB mà VKS chứng minh đứng tên hộ bị cáo này.

"Bị cáo Trương Mỹ Lan nắm quyền hành đại hội đồng cổ đông, là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy các đối tượng có chức vụ tại SCB, bị cáo coi SCB như công cụ tài chính, nơi giữ tiền để bất cứ lúc nào cần dùng là rút..." - kiểm sát viên đánh giá.

Đối với hệ sinh thái hơn 1.000 công ty không hoạt động mà được dùng để phục vụ việc rút tiền từ SCB của bị cáo Lan, VKS cho rằng các công ty "ma" này thành lập theo chỉ đạo của bị cáo. Càng về sau, số lượng công ty càng nhiều nhưng không đáp ứng được yêu cầu rút tiền, do đó bị cáo Lan tiếp tục sử dụng nhóm công ty có liên quan khác như nhóm Công ty Đông Phương, nhóm Công ty Tường Việt…

"Thủ đoạn của bị cáo Lan là chỉ đạo miệng. Tất cả chỉ đạo trong chuỗi hành vi phạm tội đều không để lại bút tích, bị cáo không đứng tên khoản vay, tài sản công ty nên bị cáo tin tưởng rằng hành vi phạm tội của mình không thể bị phát hiện và cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý bị cáo. Chính vì vậy, bị cáo và luật sư đề nghị xác minh người đứng tên, số tài khoản người đứng tên công ty để chứng minh không liên quan bị cáo" - kiểm sát viên đánh giá.

Cũng theo VKSND, nếu không có việc bị cáo Lan chỉ đạo các nhân viên dưới quyền lập công ty "ma" để hợp thức hóa hồ sơ thì cán bộ - nhân viên SCB không thể tự giải ngân.

VKSND cũng chứng minh việc đưa tài sản vào SCB của bị cáo Lan chỉ là phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Theo kiểm sát viên, bị cáo cho rằng chỉ cho SCB mượn bất động sản và tiền (nguồn tiền huy động người thân, đối tác chuyển tiền từ nước ngoài về) là không có căn cứ… Bị cáo không bao giờ cho SCB mượn tài sản mà chỉ đưa tài sản bảo đảm khống cho các khoản vay. "Bị cáo và đồng phạm thực hiện hành vi thông đồng, câu kết với công ty thẩm định giá để đưa tài sản vào bảo đảm rồi rút tài sản có giá trị lớn, hoán đổi tài sản có giá trị thấp hơn. Đây là phương thức, thủ đoạn hợp thức việc rút tiền ra khỏi SCB. Các bị cáo có liên quan đều khai Trương Mỹ Lan rút tiền tại SCB để mua bất động sản" - VKS nhận định.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bác bỏ lý lẽ bào chữa
Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục khẳng định sẽ nỗ lực khắc phục hậu quả vụ án Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Xác định tội danh qua đánh giá hành vi

Cơ quan công tố thống nhất bị cáo Lan và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội với cùng phương thức, thủ đoạn, thuộc trường hợp đồng phạm có tổ chức, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn. Quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng phân loại tính chất, hành vi đồng phạm, lỗi cố ý và ý thức chủ quan của hành vi phạm tội, có vai trò giúp sức đến đâu thì xử lý đến đó.

Trong vụ án này, những bị cáo có chức vụ, quyền hạn, vai trò tại SCB, hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là những người tiếp nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Trương Mỹ Lan. Các bị cáo khác là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo, không thể quyết định, một số bị cáo nhận ra hành vi sai phạm thì nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Ý thức của nhóm bị cáo này không biết đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản của SCB... Từ những phân tích này, VKS nhấn mạnh không thể đánh giá họ đồng phạm về tội "Tham ô tài sản".

Về bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - bị truy tố tội "Nhận hối lộ" nhưng các bị cáo có hành vi nhận hối lộ khác thuộc đoàn thanh tra lại không bị truy tố theo tội danh này, cơ quan công tố cũng làm rõ. VKSND xác định bị cáo Nhàn nhận thức việc đủ điều kiện đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt và chuyển sai phạm sang cơ quan điều tra. Bị cáo Nhàn đã lợi dụng điều này để gặp bị cáo Lan thông báo tình hình, đồng ý bưng bít sai phạm và hướng dẫn bị cáo Lan cách đối phó. Sau đó, bị cáo Lan đã chỉ đạo bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB, bỏ 5,2 triệu USD vào các thùng xốp đưa cho bị cáo Nhàn. Hành vi của bị cáo Nhàn cấu thành tội "Nhận hối lộ".

VKS nhận định theo hồ sơ vụ án cũng như lời khai của các bị cáo thể hiện bị cáo Nguyễn Văn Hưng - cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước - là người ra quyết định thanh tra SCB, người trực tiếp chỉ đạo bị cáo Nhàn và đoàn thanh tra về chuyên môn. Từ tháng 4-2016 đến tháng 10-2018, bị cáo Hưng nhiều lần nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB với tổng giá trị 390.000 USD để chỉ đạo đoàn thanh tra chỉnh sửa nội dung thanh tra, dẫn đến kết luận thanh tra bị sai lệch. Tuy nhiên, hành vi này là chỉ đạo làm trái công vụ, có tính vụ lợi và khác với bản chất nhận tiền để chỉ cách đối phó của bị cáo Nhàn… 

Sau khi nghe đối đáp của VKSND, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục phủ nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo khóc, xin miễn hình phạt cho cháu gái Trương Huệ Vân và chồng của bị cáo là Chu Lập Cơ, đồng thời cho biết đồng ý dùng tài sản đang bị kê biên lẫn chưa bị kê biên để "nỗ lực khắc phục hậu quả vụ án".

 Theo Trần Thái (Nld.com.vn)

Nổi bật