Đại án Vạn Thịnh Phát: Một số bị cáo xin hưởng án treo, miễn trách nhiệm bồi thường

29/03/2024 10:20:00

Ngày 28/3/2024, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khoảng 498.000 tỷ đồng, tiếp tục phần bào chữa của luật sư và các bị cáo tự bào chữa.

Tương tự những ngày trước, các luật sư bào chữa và các bị cáo thuộc nhóm nguyên cán bộ Ngân hàng SCB đều cho rằng các bị cáo vi phạm khi "làm công ăn lương, không vụ lợi". Hiện nay, có bị cáo đang bệnh ung thư di căn, sinh mạng chỉ còn tính từng ngày...

Thiếu bản lĩnh nên biết sai mà không trình báo công an

Về phần bào chữa cho bị cáo Hồ Bảo Ngọc (nguyên Giám đốc vùng 2, Giám đốc khu vực thuộc Ngân hàng SCB), luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét khoan hồng, áp dụng tình tiết giảm nhẹ và tuyên dưới mức án mà Viện kiểm sát đề nghị (từ 5 - 6 năm tù) về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Khi tự bào chữa, bị cáo Hồ Bảo Ngọc nói: "Những ngày ở trong trại tạm giam, bị cáo rất đau lòng, hối hận. Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về với gia đình và con nhỏ”.

Theo cáo trạng, bị cáo Hồ Bảo Ngọc làm việc tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa từ tháng 4/2009, sau đó tiếp tục công tác tại Ngân hàng SCB cho đến khi bị bắt giam. Ngọc đảm nhiệm nhiều vị trí, chức vụ khác nhau tại Ngân hàng SCB, như: Phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành, Phó giám đốc Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc vùng 2, Giám đốc khu vực. Từ ngày 10/7/2017 đến ngày 04/3/2019, Hồ Bảo Ngọc với các vai trò là Phó giám đốc phụ trách Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch, đã ký 21 tờ trình thẩm định cho vay đối với 21 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc "hệ sinh thái" Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 21.264 tỷ đồng (gồm 13.915 tỷ đồng nợ gốc và 7.348 tỷ đồng nợ lãi). Hồ Bảo Ngọc biết các khoản vay trên là hợp thức hóa hồ sơ, giải ngân, rút tiền để nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng trái mục đích, trái phương án vay vốn. Hành vi của Ngọc đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 15.875 tỷ đồng.

Đại án Vạn Thịnh Phát: Một số bị cáo xin hưởng án treo, miễn trách nhiệm bồi thường
Các bị cáo tại phiên tòa

Bào chữa cho bị cáo Lưu Quốc Thắng (nguyên Trưởng ban Kiểm soát - Ngân hàng SCB), luật sư nói: "Bị cáo Thắng đang mắc bệnh ung thư di căn, sinh mạng bị cáo Thắng chỉ còn tính từng ngày. Bản thân bị cáo có vai trò thứ yếu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Mong HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Thắng". Bị cáo này đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Khi luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Lưu Quốc Thắng, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Luật sư bào chữa cho bị cáo này không tranh luận về tội danh, nhưng đề nghị xem xét về cáo buộc Lưu Quốc Thắng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không ngăn chặn kịp thời để cho bị cáo Trương Mỹ Lan rút của Ngân hàng SCB hơn 344.695 tỷ đồng. 

Luật sư cho biết, thời gian làm việc tại Ngân hàng SCB, bị cáo Lưu Quốc Thắng đã phát hiện nhiều sai phạm nên trình lên HĐQT Ngân hàng SCB, nhưng đều bị bỏ qua, không quan tâm đến những báo cáo đó. Bị cáo Thắng biết sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB nhưng vì không có bản lĩnh nên không trình báo sai phạm của ngân hàng này đến cơ quan công an hoặc báo cáo lên cấp cao hơn trong ngành ngân hàng. Bị cáo Thắng bệnh nặng nên được HĐXX chấp nhận đơn xin vắng mặt tại phiên xử. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Lưu Quốc Thắng.

Xin miễn bồi thường vì bị cáo không có khả năng chi trả

Khi tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Anh Thép cho biết từ khi chưa tốt nghiệp đại học đã vào làm việc tại Ngân hàng SCB. Bị cáo này bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 2 vai trò là Phó giám đốc Chi nhánh Cống Quỳnh, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn. Sau 10 năm công tác thì được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Chi nhánh Cống Quỳnh, bị cáo Thép thừa nhận nội dung ký tờ trình thẩm định trong giai đoạn này. Riêng giai đoạn làm Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn thì bị cáo Thép không nhận trách nhiệm. Nguyễn Anh Thép nói: "Từ ngày 16/12/2020 đến 17/11/2021, ở Chi nhánh Sài Gòn không phát sinh hồ sơ vay của "hệ thống" Vạn Thịnh Phát theo hình thức hợp thức hóa. Mong HĐXX đánh giá lại vai trò của bị cáo, cho bị cáo mức án phù hợp với trách nhiệm, hành vi của bị cáo".

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Anh Thép cũng nêu về việc bị cáo làm công ăn lương, không được hưởng lợi, không nhận thức là giúp sức cho các bị cáo khác chiếm đoạt tiền từ Ngân hàng SCB. Luật sư mong HĐXX có bản án phù hợp, dưới mức án đề nghị của Viện kiểm sát (từ 5 - 6 năm tù) đối với bị cáo Thép về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Đại án Vạn Thịnh Phát: Một số bị cáo xin hưởng án treo, miễn trách nhiệm bồi thường - 1
Bị cáo Trương Mỹ Lan

Theo cáo trạng, Nguyễn Anh Thép làm việc tại Ngân hàng SCB cũ từ tháng 5/2008, sau đó tiếp tục công tác tại Ngân hàng SCB đến ngày 01/3/2022, từng giữ các chức vụ Phó giám đốc Chi nhánh Cống Quỳnh, Giám đốc Chi nhánh Gia Định, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc Hub thẻ và cho vay tín chấp. Từ ngày 01/8/2017 đến ngày 17/11/2021, Nguyễn Anh Thép giữ các chức vụ Phó giám đốc Chi nhánh Cống Quỳnh, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, đã ký 17 tờ trình thẩm định đồng ý cho 17 khách hàng là các công ty thuộc "hệ sinh thái" Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 19 khoản, với tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 17.313 tỷ đồng (gồm hơn 10.764 tỷ đồng nợ gốc và hơn 6.549 tỷ đồng nợ lãi). Nguyễn Anh Thép biết các khoản vay trên nhằm hợp thức hóa hồ sơ, giải ngân, rút tiền để bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng trái với phương án vay. Hành vi của Nguyễn Anh Thép đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này 15.272 tỷ đồng.

Tham gia bào chữa cho bị cáo Hồ Bảo Ngọc (nguyên Giám đốc Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch - Ngân hàng SCB), luật sư cho rằng thân chủ của mình không có thẩm quyền phê duyệt khoản vay. Riêng luật sư của bị cáo Phạm Thu Phong có đơn xin vắng mặt và gửi luận cứ bào chữa cho thư ký phiên tòa công bố. Nội dung bào chữa của luật sư này thống nhất về tội danh nêu trong cáo trạng. Về trách nhiệm dân sự, luật sư xin HĐXX cho bị cáo Phong miễn bồi thường vì không có khả năng chi trả. Về trách nhiệm hình sự, luật sư xin giảm án cho thân chủ bởi vì Phạm Thu Phong phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, có vai trò thứ yếu, xin cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo Phạm Thu Phong (nguyên Trưởng ban Kiểm sát - Ngân hàng SCB) bị Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Khi tự bào chữa, trình bày bổ sung, bị cáo này chỉ mong HĐXX xem xét khoan hồng, cho mình hưởng mức án nhẹ nhất.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo Đỗ Xuân Nam (nguyên Phó Tổng giám đốc, thẩm định viên của Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bất động sản DATC), Lê Kiều Trang (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá Exim)... thống nhất với cáo trạng và bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Các luật sư không tranh luận về tội danh mà chỉ đề nghị xem xét thêm những tình tiết, hoàn cảnh, vai trò của các bị cáo trong quá trình phạm tội chỉ là người lao động, làm công ăn lương và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị cáo này.

Theo Bích Hà - Văn Toàn (Công an TPHCM)

Nổi bật