Theo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 4/1, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã đến khám xét và tống đạt quyết định khởi tố vụ án liên quan đến những lùm xùm tại "Tịnh thất Bồng Lai". (Thiền am bên bờ vũ trụ).
Theo ghi nhận sáng ngày 5/1, phạm vi quanh hộ bà Cúc đã được lực lượng chức năng phong tỏa từ xa, không cho người lạ đi vào. Được biết, việc khởi tố lần này của Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An nhằm làm rõ những hành vi có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Trao đổi với PV báo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị, Bà T. - hàng xóm và từng là giáo viên dạy 3/5 chú tiểu thuộc cơ sở này (ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết, khá bất ngờ khi biết được thông tin nhóm người Tịnh thất Bồng lai đã bị khởi tố.
"Cháu rất hiền, ngoan và học rất chăm. Tôi nhớ mãi hình ảnh của chú tiểu khuyên bạn bè đừng chạy nhảy để bị vấp té. Nói chung, dù giảng dạy thời gian không dài nhưng tôi cảm nhận các cháu sống rất tình cảm. Về cơ sở Tịnh thất Bồng Lai sinh hoạt thế nào thì tôi không rõ, vì họ vốn rất kín tiếng, đóng cửa kín cả ngày lẫn đêm".
Cũng theo bà T., các "sư thầy", "sư cô" thuộc Tịnh thất Bồng Lai đều có công việc riêng, mỗi sáng đều đi làm. Buổi chiều, các "sư cô" hay ghé mua kem, nước ngọt cho các chú tiểu ăn. Họ nói chuyện rất lịch sự và hiền lành. Mùa dịch vừa rồi, họ chở cả xe củ mì đi bán.
Tuy nhiên, cùng là người dân địa phương nhưng không phải ai cũng có thiện cảm với các thành viên Tịnh Thất Bồng Lai. Ông H. (52 tuổi), tỏ vẻ tò mò trước những sinh hoạt bên trong cánh cổng cao 3 mét. Ông khẳng định đã nhiều lần vào đây để sửa chữa điện, tuy nhiên, lần nào cũng có điều khác lạ.
“Tôi vào tịnh thất sửa điện nhưng bà Cúc yêu cầu không được tùy tiện đi lại. Tôi đi đâu cũng có người bám theo như vệ sĩ. Những người sống trong tịnh thất có điều hơi khác thường, chẳng giao tiếp với ai ở địa phương. Cổng tịnh thất luôn đóng 24/24h, kể cả ngày Tết”, ông H. nói.
Ông N., người dân sống gần Tịnh Thất Bồng Lai chia sẻ thêm, "Lúc Tịnh thất Bồng Lai nổi tiếng nhờ các chú tiểu thi Thách thức danh hài, nhiều đoàn từ thiện ghé thăm họ lắm. Lúc đó, họ tiếp khách rất thường xuyên. Sau khi cơ quan chức năng lên tiếng về hành vi trục lợi từ thiện, các "sư thầy" trở nên kín tiếng hơn".
Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tịnh thất Bồng Lai luôn trong trạng thái đóng cửa. Thậm chí, vào tháng 11/2021, khi gặp PV, ông Nhất Nguyên (SN 1991), một "tu sĩ" tại cơ sở này phải hẹn gặp ở ghế đá nhà đối diện. Theo ông, "thầy ông nội" Lê Tùng Vân không muốn người lạ vào Tịnh thất Bồng Lai vì tình hình dịch bệnh phức tạp.
Chính quyền tỉnh Long An trước đó từng công bố kết quả điều tra đối với "Tịnh thất Bồng Lai". Theo đó, Cơ quan chức năng khẳng định, đây là tụ điểm lợi dụng tôn giáo, danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi từ hoạt động từ thiện.
Thực tế đây là hoạt động “biến gia thành tự” của hộ gia đình bà Cao Thị Cúc (SN 1960, HKTT xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) và người chủ trì từ năm 2015 đến nay là ông Lê Tùng Vân (SN 1932, HKTT phường 10, quận 6, TP.HCM). Năm 2015, ông Lê Tùng Vân chuyển về đây sinh sống cùng nhà với bà Cúc.
Chính quyền khẳng định, "Tịnh thất Bồng Lai" không phải là tu viện hợp pháp do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý. Những người sống, sinh hoạt ở đó không phải là tu sĩ Phật giáo.
Cơ quan chức năng Long An đã có đủ cơ sở để xác định, những người sinh sống trong gia đình bà Cúc phần lớn có quan hệ huyết thống, là con ruột, cháu ruột của ông Lê Tùng Vân chứ không mồ côi, không nơi nương tựa.
Bảo Ngọc (Nguoiduatin.vn)