Ngày 12-7, phiên tòa xét xử bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng 53 đồng phạm liên quan vụ án "Chuyến bay giải cứu" tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
Không biết nhận tiền là sai (!)
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Tô Anh Dũng cho biết ngay từ những ngày đầu chống dịch COVID-19 đã được phân công đại diện Bộ Ngoại giao tham gia vào làm thành viên của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch quốc gia. Cùng với đó, phụ trách công tác liên quan mảng bảo hộ công dân, hỗ trợ công dân ở nước ngoài của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao.
Về quy trình cấp phép chuyến bay, bị cáo Dũng cho hay Bộ Ngoại giao phân công Cục Lãnh sự nắm bắt tình hình nhu cầu của công dân ở nước ngoài. Qua đó, xây dựng kế hoạch đưa người về nước và tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp để cùng tổ công tác thẩm định năng lực, xây dựng kế hoạch chuyến bay combo tùy vào tình hình dịch bệnh. Tiếp đó, Cục Lãnh sự sẽ trình bị cáo ký về chủ trương trước khi gửi 4 bộ khác (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Y tế).
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thừa nhận trong quá trình triển khai những việc trên đã tiếp xúc với 13 đại diện doanh nghiệp như cáo trạng nêu. Tuy nhiên, bị cáo nói bản thân không chủ động mà chủ yếu các doanh nghiệp thông qua mối quan hệ và có nhu cầu nên liên hệ với mình.
Ông Dũng đã nhận hối lộ 37 lần tổng cộng 21,5 tỉ đồng từ các doanh nghiệp. Nói tới việc nhận tiền, bị cáo này kể thời điểm đó không nhận thức được hành vi của mình đã vi phạm pháp luật. Đến khi bị cơ quan chức năng khởi tố mới biết là vi phạm.
"Bị cáo vì nể nang chứ không dám làm sai với chủ trương, chính sách. Khi gặp doanh nghiệp, bị cáo cũng tạo điều kiện cho họ, bị cáo cũng muốn nghe xem họ có khó khăn gì không. Khi doanh nghiệp đến cảm ơn thì cũng nghĩ vì đã tạo điều kiện… Bị cáo rất ăn năn hối lỗi khi làm việc với cơ quan điều tra" - cựu thứ trưởng trần tình và cho biết gia đình đã nộp lại gần 17 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Liên quan việc hối lộ Tô Anh Dũng, bị cáo Hoàng Diệu Mơ, cựu Tổng Giám đốc Công ty An Bình, khai qua các mối quan hệ đã tìm đến gặp để nhờ tạo điều kiện được cấp phép chuyến bay. Tổng cộng 8 lần, nữ bị cáo này đưa tiền cho ông Dũng.
Hoàng Diệu Mơ thừa nhận các bị cáo bên Bộ Ngoại giao không ai yêu cầu phải đưa tiền. Tuy nhiên, do lo sợ không được tổ chức, cấp phép bay theo đúng thời hạn sẽ thua lỗ nên vẫn đưa. "Bị cáo đưa tiền thì nhiều lãnh đạo chưa biết đưa bao nhiêu. Ông Tô Anh Dũng có bảo lần sau không được đưa tiền nữa, nhưng khi đưa thì ông Dũng vẫn nhận" - cựu Tổng Giám đốc Công ty An Bình kể.
Không quyền nhưng "ăn" tiền nhiều nhất
Trước bục khai báo, Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thừa nhận trước khi bị khởi tố thì bản thân chỉ có vai trò rà soát thủ tục, đề xuất của các đơn vị của Văn phòng Chính phủ xem nội dung có phù hợp với văn bản kèm theo hay không. Bị cáo không có thẩm quyền ngăn chặn, bác bỏ nhưng có quyền báo cáo Phó Thủ tướng văn bản đúng hay sai.
Về việc nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Quang Linh thừa nhận đã nhận 4,2 tỉ đồng từ doanh nghiệp như cáo trạng quy kết. Bị cáo nhận thức việc doanh nghiệp đưa tiền là cảm ơn. Sau khi nhận tiền, bị cáo không đưa tiền cho bất kỳ ai. Trong quá trình điều tra, bị cáo đã động viên gia đình nộp lại toàn bộ số tiền để khắc phục hậu quả vụ án.
Là người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án với tổng số tiền lên đến 42,6 tỉ đồng, Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nói mình không có quyền hạn phê duyệt cấp phép chuyến bay, chỉ có nhiệm vụ đưa hồ sơ lên cho thứ trưởng xét duyệt rồi nhận lại, chuyển về văn phòng bộ. "Bị cáo luôn làm việc đúng thời gian, không ngâm hồ sơ, không chậm khâu nào" - Kiên khai tại tòa.
Kiên thừa nhận có nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng từ các đại diện doanh nghiệp, gồm hơn 27 tỉ đồng của các chuyến bay combo và trên 15 tỉ đồng của các chuyến bay lẻ. Tuy nhiên, Kiên bác bỏ những lời khai của nhiều bị cáo khác rằng họ bị Kiên đe dọa, quát tháo, ép đưa tiền, nếu không sẽ không được cấp phép các chuyến bay giải cứu. "Bị cáo không yêu cầu phải đưa tiền. Việc đưa, mức chi, hình thức chi là doanh nghiệp chủ động đề xuất" - bị cáo Kiên khẳng định.
Tiền nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên khai mang cho một người chú ở Thái Bình vay một phần, số còn lại đi đầu tư đất đai ở Ba Vì (Hà Nội), Mũi Né (Bình Thuận). Bị cáo Kiên cũng khẳng định khi nhận tiền hối lộ không đưa cho ai. "Cam đoan việc này đúng sự thật, không bị ai tác động phải khai như vậy" - bị cáo Kiên khai trước tòa.
Được chủ tọa cho lên đối chất, nhiều chủ doanh nghiệp khẳng định cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế ép họ phải đưa tiền, nếu không sẽ không được cấp phép chuyến bay giải cứu. Kiên đã ra mức giá 150 triệu đồng/chuyến “vì đã theo barem”.
Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)