Chiều nay 11-7, phiên toà xét xử bị cáo Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng 53 đồng phạm khác liên quan đến vụ án "Chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần xét hỏi.
Trước đó, khi xét hỏi với nhóm doanh nghiệp, chủ tọa Vũ Quang Huy cho cách ly 3 bị cáo, gồm: Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa, và Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, để đảm bảo khác quan.
Được hỏi về lý do đưa hối lộ, bị cáo Đào Minh Dương, giám đốc Công ty Vijasun, cho biết bị cáo đã bị Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, và Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, ép đưa tiền. "Khi gặp ở Bộ Y tế, Kiên quát, bảo các anh làm ăn phải nộp mỗi người mấy triệu. Kiên nói tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến" - bị cáo Dương khai.
Theo Dương, khi bị cáo gặp bị cáo Vũ Anh Tuấn thì nói: "Em không cần tiền của các anh nhưng các anh không đưa để em đưa sếp thì chuyến bay không được duyệt". Qua đó, Tuấn cũng đòi 150 triệu đồng/chuyến bay.
Sau khi bị yêu cầu đưa 3 tỉ đồng cho bị cáo Phạm Trung Kiên, Vũ Anh Tuấn được cấp phép 17 chuyến bay. Tuy nhiên, bị cáo Dương đã "trốn", chỉ đưa Kiên 1,1 tỉ đồng còn Tuấn 1,6 tỉ đồng.
Cũng theo Dương, trước đó khi bị cáo này từng xin thực hiện các chuyến bay giải cứu. Tuy nhiên, do không đưa tiền nên bị "làm khó" mỗi lần nộp hồ sơ tại Cục Lãnh sự. "Bị cáo từng bị Cục Lãnh sự và Bộ Giao thông vận tải gây khó khăn, không duyệt chuyến bay. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan còn gây khó khăn, bảo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát 1 ngày mới cấp phép, khó khăn cùng cực" - Dương khai tại tòa.
Bị cáo này cho biết thêm khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp trước 30% tiền thuê máy bay. Tiếp đó, doanh nghiệp phải nộp đủ khi được cấp phép, mỗi lần thuê máy bay từ 6 đến 9 tỉ đồng. "Công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ mai bay nay mới biết mình được về là hành hạ họ. Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân mà là hành dân" - Dương khai.
Tiếp tới, bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, giám đốc Công ty TNHH G 19 Việt Nam, cho biết trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, bị cáo đã đưa tiền các bị cáo ở Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và Cục Xuất nhập cảnh. Bị cáo đã liên lạc với Lê Dũng, khi đó là Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, là chỗ thân thiết để nhờ đưa tiền.
"Cá nhân bị cáo không bị gây khó dễ, mọi người giúp, ủng hộ và người bên Bộ Ngoại giao không có ai yêu cầu và từ chối quà bị cáo. Do đó, sau khi được cấp phép, bị cáo liên lạc Nguyễn Thị Hương Lan, Nguyễn Hoàng Tùng để mong đưa quà cảm ơn tới mọi người" - bị cáo này nói.
Theo bị cáo này, bị cáo đã đưa tiền cho Phạm Trung Kiên 1,2 tỉ đồng, đưa cho Tô Anh Dũng 400 triệu đồng…; đưa Đỗ Hoàng Tùng, cựu cục phó Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh, cựu chánh văn phòng Cục Lãnh sự, và Lưu Tuấn Dũng, cựu phó phòng Bảo hộ Công dân (Bộ Ngoại giao), mỗi người 40 triệu đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Xuất nhập cảnh, 1,4 tỉ đồng. Sau khi bị phát hiện, Phạm Trung Kiên đã trả lại cho bị cáo 400 triệu đồng.
Tại phiên toà, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết để được cấp phép chuyến bay, cách ly tại các địa phương đã phải "bôi trơn" cho nhiều cá nhân tại Bộ Y tế, Cục Xuất Nhập cảnh, Bộ Ngoại giao…
Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)